Lợi nhuận doanh nghiệp nông nghiệp: Kẻ hân hoan, người khóc thầm

Kết quả kinh doanh quý II/2017 của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ giữa mảng chăn nuôi với các mảng khác do tác động của đợt giảm giá heo mạnh hồi đầu năm.

Trong khi các DN chăn nuôi lao đao thì những DN chế biến, kinh doanh sản phẩm thịt heo như Vissan vẫn sống khỏe. Ảnh: N.Hiền.

Chăn nuôi gặp hạn

Doanh thu thuần quý II/2017 của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1.073 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm 69%, xuống còn gần 59 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 4% và 13%. Thêm vào đó, lợi nhuận khác trong kỳ của Dabaco chỉ đạt 1,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 149 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế của công ty âm 32 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với mức lãi 236 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, Dabaco lỗ trước thuế 6,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 309 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Huệ Minh, Chánh văn phòng HĐQT Dabaco, quý II/2017 là thời gian khó khăn nhất của Dabaco. Sự sụt giảm về giá bán thức ăn chăn nuôi và giá bán lợi hơi (thời điểm thấp nhất giá bán lợn hơi chỉ còn khoảng 19.000 đồng/kg) dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gia công giảm 78 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất con giống như lợn giống, gà giống cũng ảnh hưởng từ khó khăn của ngành chăn nuôi. Do giá bán lợn hơi xuống quá thấp, người chăn nuôi không dám tiếp tục tái đàn nên ảnh hưởng không nhỏ đến giá bán và sức tiêu thụ con giống của các công ty con. Theo đó, lãi ròng của hoạt động này giảm trên 37 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự vậy, doanh thu thuần quý II/2017 của Công ty CP Chăn nuôi – Mitraco cũng giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của ban lãnh đạo Mitraco, giá bán bình quân lợn thương phẩm trong quý II/2017 đã giảm 56% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi cơ cấu tỷ trọng doanh thu từ sản phẩm này chiếm đến 77% doanh thu của công ty. Giá bán bình quân các sản phẩm lợn thương phẩm, lợn giống thương phẩm, lợn giống hậu bị… cũng chỉ đạt từ 60-65% giá thành sản xuất. Cùng với đó, các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh với mức tăng lần lượt là 204% và 29%. Kết quả, công ty lỗ ròng gần 31 tỷ đồng, trong khi quý II năm trước có lãi 6,5 tỷ đồng.

Tại Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (VLC), mặc dù không bị thua lỗ nhưng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2017 cũng sụt giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo tài chính quý II/2017 của VLC, mặc dù doanh thu trong kỳ chỉ giảm nhẹ 3%, nhưng giá vốn lại tăng gần 4%, dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 30%.

Nhiều DN tăng trưởng cao

Trong khi các nhà chăn nuôi lao đao khốn đốn thì những doanh nghiệp chế biến và kinh doanh sản phẩm thịt heo lại được hưởng lợi lớn nhờ giá đầu vào giảm mạnh. Điển hình như Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản, doanh thu thuần quý II/2017 chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng lãi ròng lại tăng tới trên 13%, đạt 25 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý II/2017 của Vissan, giá vốn trong kỳ của công ty giảm trên 5% đã giúp lợi nhuận gộp tăng mạnh 62%. Sự tăng trưởng này đã gánh vác cho Vissan một loạt các khoản chi phí bị “đội” lên cao như chi phí lãi vay tăng 25%, chi phí bán hàng tăng 47%.

Tương tự Vissan, Công ty CP Chế biến thực phẩm nông sản XK Nam Định (NDF) – với ngành nghề chính là chế biến và kinh doanh thịt heo xuất khẩu, cũng được hưởng lợi nhờ sự sụt giảm mạnh của giá heo. Doanh thu thuần quý II/2017 của NDF tăng nhẹ 5%, đạt 14,6 tỷ đồng. Nhưng nhờ giá vốn giảm trên 7% đã giúp đẩy lợi nhuận gộp tăng mạnh trên 220%, đạt 2,3 tỷ đồng. Thêm vào đó, các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm mạnh giúp lãi ròng của công ty đạt gần 1,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt vỏn vẹn 22 triệu đồng.

Trong nửa đầu năm nay, CTCP Tập đoàn Lộc Trời cũng đạt tăng trưởng cao về lợi nhuận với mức tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 196 tỷ đồng lãi ròng. Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đạt 4.075 tỷ đồng, tăng 15% trong khi giá vốn hàng bán chỉ tăng 13%, nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 864 tỷ đồng, tăng 170 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thuốc bảo vệ thực vật có sự tăng trưởng mạnh nhất, đạt 2.452 tỷ đồng (tăng 21%); doanh thu từ mặt hàng lương thực - gạo cũng đạt 1.339,4 tỷ đồng, tăng trưởng 12%; mặt hàng giống cây trồng mang lại gần 368 tỷ đồng doanh thu, còn lại là doanh thu từ bao bì, xây dựng và các mặt hàng khác…

Tại Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), doanh thu thuần quý II/2017 giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi giá vốn giảm tới trên 34% đã giúp lãi gộp của công ty tăng mạnh 346%, đạt 486 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu của HNG, doanh thu từ mảng trái cây chiếm tỷ trọng hơn một nửa, đạt tới 652 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chưa phát sinh khoản doanh thu này. Kết quả trong kỳ công ty lãi ròng 1.038 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 654 tỷ đồng.

Tương tự, một số DN khác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có sự tăng trưởng cao về lợi nhuận như Công ty CP Nafoods Group tăng 82%, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương tăng 25%...

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/loi-nhuan-doanh-nghiep-nong-nghiep-ke-han-hoan-nguoi-khoc-tham.aspx