Lợi nhuận ấn tượng doanh nghiệp thủy sản 6 tháng đầu năm

BizLIVE - Thống kê 17 doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm thủy sản, tổng doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 23.014 tỷ đồng, tăng 37%; tổng lợi nhuận ròng đạt 831 tỷ đồng, tăng 101% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh minh họa.

HVG – doanh nghiệp lớn nhất trong ngành – với doanh thu tăng 45% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận ròng của công ty mẹ giảm 21%. Theo phân tích của CTCK Ngân hàng BIDV (BSC), doanh thu HVG tăng chủ yếu là từ doanh thu xuất khẩu cá và bán bánh dầu đậu nành.

Tuy nhiên, do kim ngạch xuất khẩu cá tra có xu hướng giảm trong mấy tháng gần đây ở cả EU và Mỹ, thuế chống bán phá giá tại Mỹ ở mức cao, giá cá xuất khẩu giảm trong khi sản lượng trong nước thu hẹp và giá cá nguyên liệu dao động mạnh là yếu tố chính ảnh hưởng không tốt tới lợi nhuận của công. Tỷ suất lợi nhuận gộp của HVG đã giảm từ 10% của 6 tháng đầu năm ngoái xuống còn 8% trong nửa đầu năm nay.

Hai công ty nhỏ trong ngành là BLF và ATA cũng ghi nhận giảm lợi nhuận trong 2 quý đầu năm nay. Các chi phí bán hàng, chi phí vận chuyển tăng cao hơn doanh thu là nguyên nhân khiến các công ty này bị giảm lãi.

Tương tự, doanh nghiệp duy nhất trong ngành này đang báo lỗ lũy kế là VNH (lỗ 2 tỷ đồng) do giá vốn hàng bán và các chi phí cao vượt doanh thu thuần. Tính đến cuối quý II, hàng tồn kho của VNH ở mức 31,2 tỷ đồng, gấp 8 lần con số đầu kỳ.

Phần lớn các doanh nghiệp thủy sản đều có lợi nhuận tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có MPC và VHC.

Thủy sản Minh Phú (MPC) với doanh thu tăng 70% và lợi nhuận ròng cao gấp 15 lần cùng kỳ. Công ty cho biết trong kỳ này, nguồn cung của các nước xuất khẩu tôm giảm do hội chứng dịch bệnh. Đồng thời, giá tôm trên thị trường thế giới tăng mạnh, nhu cầu nhập khẩu tôm tăng cao đã khiến doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ.

Vĩnh Hoàn (VHC) cũng tăng trưởng doanh thu hơn 8% và lợi nhuận 21% trong 6 tháng qua. Công ty này gần đây liên tục có các thương vụ M&A như bán nhà máy Vĩnh Hoàn 1 (19,6 triệu USD – sẽ ghi nhận trong quý III/2014), bán 85% cổ phần Vĩnh Hoàn Hoa Kỳ (425 nghìn USD); ngược lại công ty này cũng chi 360 tỷ để mua lại một công ty khác trong ngành.

Một công ty khác là Thực Phẩm Sao Ta (FMC) với mức lợi nhuận ròng gấp 12 lần con số cùng kỳ. FMC cho biết lợi nhuận kỳ này tăng đột biến chủ yếu là do lượng nguyên liệu tương đối ổn định, giá nguyên liệu đầu vào ít biến động.

Agifish (AGF) cũng “ghi điểm” với doanh thu giảm 4% nhưng lợi nhuận lại tăng 102%. Chênh lệch này là do giá vốn hàng bán giảm 5% đồng thời trong quý II, công ty ghi nhận khoản tiền lãi hơn 37 tỷ đồng từ việc thanh lý công ty con M&T Seafood.

So sánh doanh thu và lợi nhuận 6 tháng 2014 và 2013. ĐVT: Tỷ đồng

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/loi-nhuan-an-tuong-doanh-nghiep-thuy-san-6-thang-dau-nam-365709.html