Lời nhắc nhở khéo léo của con trẻ với người lớn qua những bộ phim ngắn

Bộ phim đoạt giải Nhất xoay quanh cậu bé Tom cô đơn trong chính ngôi nhà của mình khi bố mẹ luôn bận rộn với công việc, phó mặc em cho người giúp việc...

Lễ trao giải cuộc thi làm phim Kid Witness News - Qua ống kính trẻ thơ năm 2016 đã được tổ chức vào ngày 3/12 tại rạp chiếu phim Platinum The Garden, Hà Nội.

Tại Việt Nam, năm 2016 với chủ đề giao tiếp, công nghệ, môi trường, cuộc thi đã thu hút hàng trăm thí sinh.

Trải qua vòng tuyển chọn, 13 đội đến từ trường Tiểu học Gia Thụy, Trường tiểu học Ngôi sao Hà Nội, Đội PanaStars, Đội Master Hand Children, THCS Hà Nội – Amsterdam, THCS Marie Curie, THCS Mỹ Đình 2, đội Have fun with the Homies, THCS Alpha, THCS Phan Chu Trinh đã lọt vào vòng tiền kỳ.

Vào vòng này các em sẽ học chuyên môn từ các chuyên gia làm phim, học lý thuyết làm phim để có thể chuyển kịch bản văn học sang kịch bản đạo diễn, học cách casting diễn viên, diễn xuất cơ bản.

Còn ở vòng làm phim thì các em được làm quen với máy quay phim do Panasonic cung cấp, học dựng phim, diễn xuất, đi quay phim thực tế, dựng phim và hoàn thành phim.

Các phim ngắn lọt vào vòng chung kết năm nay không chỉ tập trung nhấn mạnh các vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống như an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, sử dụng smartphone… mà còn phản ánh vấn đề giao tiếp làm giảm nét văn hóa văn minh và thanh lịch trong quan hệ gia đình và bạn học.

Thông qua góc nhìn thú vị, trí tưởng tượng phong phú, cách thể hiện chọn lọc, sáng tạo những vấn đề các em nêu lên là lời nhắc nhở khéo léo với cả người lớn, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Để khích lệ tinh thần sáng tạo và làm việc nhóm của các bạn trẻ một cách công bằng, giải thưởng được chia theo hai lứa tuổi: Tiểu học và Trung học (Trung học cơ sở và Trung học phổ thông).

Giải Nhất lứa tuổi tiểu học đã được trao cho phim “Cuối cùng bố mẹ cũng nói chuyện với con” của đội Master Hand Children gồm 5 bạn học sinh đến từ các trường tiểu học Ngọc Khánh, Ngôi sao Hà Nội, Kim Đồng, Archimedes Academy.

Hàng ngày chúng con có rất nhiều chuyện muốn chia sẻ và mong được bố mẹ lắng nghe – Đó là thông điệp nhóm Master Hand Children muốn gửi gắm qua phim. (Ả:nh: T/L)

Câu chuyện của bộ phim xoay quanh cậu bé Tom cô đơn trong chính ngôi nhà của mình khi bố mẹ luôn bận rộn với công việc, phó mặc em cho người giúp việc. Cuối cùng chính em đã phải tìm cách để có thể nói chuyện với bố mẹ mình.

Bộ phim "Cuối cùng bố mẹ cũng nói chuyện với con!"

Giải Nhất lứa tuổi trung học thuộc về phim “Bức tranh nguệch ngoạc” của đội KWN trường THCS Alpha.

Bức tranh nguêch ngoạc – Giải nhất lứa tuổi Trung học là lời nhắc nhở người lớn tôn trọng sự khác biệt, sự sáng tạo của trẻ. (Ảnh: T/L)

Phim gửi gắm thông điệp ý nghĩa, đối với trẻ em nói riêng, với mỗi người nói chung, cần tôn trọng sự sáng tạo, sự khác biệt, lắng nghe và khích lệ những phát hiện, cách thể hiện mới, đừng vội xem thường, bác bỏ hay áp đặt theo bất cứ một khuôn mẫu nào.

Bộ phim "Bức tranh nguệch ngoạc"

Hai phim ngắn “Cuối cùng bố mẹ cũng nói chuyện với con” và “Bức tranh nguệch ngoạc” sẽ tiếp tục tham dự vòng thi quốc tế Kid Witness News được tổ chức tại Nhật Bản năm 2017.

Bên cạnh chiếu phim và trao giải, buổi lễ cũng là dịp gặp gỡ với hai đội thi vừa giành giải thưởng trong cuộc thi KWN toàn cầu diễn ra vào tháng 9 năm 2016 tại Rio de Janeiro (Brazil).

Đó là đội KWN Panatrip (lứa tuổi tiểu học) với giải thưởng “Kịch bản phim xuất sắc” và đội KWN Trường THPT chuyên – Đại học Sư phạm Hà Nội với giải thưởng “Ý tưởng xuất sắc”.

Tại đây, các em nhỏ, các bạn trẻ đã chia sẻ về hành trình KWN của mình từ lúc mới chập chững tiếp xúc với máy quay đến khi hoàn thành phim, từ Việt Nam vươn ra thế giới.

Phát biểu tại lễ trao giải, đại diện công ty Panasonic Vietnam, ông Yamamoto Masahiro - Giám đốc phòng kế hoạch kinh doanh và phát triển thương hiệu cho biết: “Panasonic luôn hướng tới mục tiêu tạo ra “Một cuộc sống tốt đẹp hơn, Một thế giới tươi đẹp hơn” cho tất cả mọi người.

Trải qua 10 năm thực hiện tại Việt Nam, chương trình KWN đã giúp học sinh Việt tiếp cận với môn nghệ thuật điện ảnh từ rất sớm, hướng dẫn các em sử dụng ngôn ngữ điện ảnh để nói lên nhận thức, mối quan tâm của các em.

Đó là điều mà không phải ai cũng có cơ hội thực hiện. Qua chương trình này chúng tôi mong muốn sản phẩm của Panasonic không chỉ có giá trị sử dụng mà còn đồng hành cùng các em học tập những kiến thức mới, khám phá bản thân và xã hội, vun đắp tính giáo dục, tính nhân văn cho thế hệ trẻ Việt Nam”.

Linh Hương

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/van-hoa/loi-nhac-nho-kheo-leo-cua-con-tre-voi-nguoi-lon-qua-nhung-bo-phim-ngan-post172956.gd