Lời nguyền của biển?

TP - Những gì vừa xảy ra ở vùng biển Thanh Hóa gợi ngay ám ảnh Formosa, sự cố môi trường biển lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Liệu đây có thể là “lời nguyền” của biển vì hàng loạt hành động coi thường biển một cách khó hiểu thời gian dài?

Câu chuyện xả thải của Formosa còn nóng hổi mà cơ quan chức năng xử lý cứ như chưa hề có kinh nghiệm gì khi cá chết ở vùng biển huyện Tĩnh Gia hai tuần đầu tháng 9. Xét nghiệm mẫu nước ở vùng cá chết rồi bố cáo căn nguyên là thủy triều đỏ.

Bất cứ ai làm nghiên cứu cũng đều hiểu, để xác định bất cứ quan hệ nhân quả nào, phải hồi cứu và thu thập tất cả các số liệu nguy cơ tiềm ẩn khả năng thành tác nhân. Cá chết không chỉ ở tầng nước mặt mà cả tầng đáy, nơi cư trú các loài có sức bền lớn hơn.

Dựa vào trí tuệ vừa tích lũy từ Formosa cũng có thể nghĩ ngay đến các yếu tố khác ngoài thủy triều đỏ. Vậy mà ta dường như không theo hướng ấy, không truy ngay các khu công nghiệp xung quanh. Ta cũng chẳng chịu mang cá đi xét nghiệm để sớm khoanh nhóm nguyên nhân.

Không cần chờ đến 20/9, thời điểm Bộ trưởng Tài nguyên&Môi trường yêu cầu phải có kết quả, cũng có quyền đặt nghi ngờ Khu kinh tế Nghi Sơn, nơi cạnh vùng có cá chết và hiện diện 67 cơ sở công nghiệp. Hầu như chưa cụm nào ở đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nghĩa là cơ quan chức năng lẫn bà con không biết chất thải được xử lý thế nào trước khi phóng ra biển.

Thu hẹp hiềm nghi nữa có thể là Dự án Nhà máy Lọc - Hóa dầu Nghi Sơn từng không ít lần súc rửa đường ống dẫn dầu trên biển. Khởi công từ tháng 10/2013, Dự án Nghi Sơn với mức đầu tư 9 tỷ USD dự kiến khai thác thương mại từ cuối năm 2017. Dự án trải trên 400 ha từng được kỳ vọng làm thay đổi tỉnh nghèo Thanh Hóa và cả nước.

Năm 2015, cả nước có 18 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích đất liền và mặt nước biển gần 8.000 km2. Dưới nửa diện tích ấy được lấp đầy mà đã hiển lộ rủi ro làm biển bẩn. Phần đông trong số gần 150 dự án với 39 tỷ USD đều dễ gây tổn hại môi sinh.

Chúng là những lọc hóa dầu, liên hợp gang thép, những cơ khí công nghiệp nặng hay sản xuất động cơ ô tô. Vậy mà, kể từ khi khu kinh tế ven biển đầu tiên được thành lập ở Chu Lai năm 2003, ta vẫn chưa ra nổi chiến lược ứng phó ô nhiễm biển đúng nghĩa nào.

Năm 2007, Hội nghị Trung ương 4 khóa X ban hành Chiến lược Biển đến năm 2020. Mục tiêu đến 2020 thành quốc gia giàu từ biển chẳng nghĩa gì nếu để ô nhiễm nối tiếp ô nhiễm, cá chết chồng chất cá chết.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi-chuyen-hom-nay/loi-nguyen-cua-bien-1051272.tpo