Lợi-hại của các nhà máy điện hạt nhân nổi ở châu Á

Các nhà máy điện hạt nhân nổi có thể là nguồn cung cấp năng lượng thay thế cho các quốc gia nhỏ, các thành phố cảng hay các hòn đảo ngoài khơi khan hiếm tài nguyên. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà máy điện này có phải cũng sẽ tạo ra những nguy cơ về an ninh và an toàn tương tự các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền hay không?

Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng một lò phản ứng nổi cơ động và cỡ nhỏ vào vào năm 2017.

Phát triển điện hạt nhân tại châu Á đã có những bước tiến vượt bậc. Nhiều nhà bình luận đánh giá việc sử dụng lò phản ứng hạt nhân nổi là khả thi và phù hợp với các quốc gia Đông Nam Á.

Công nghệ xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi có nhiều lợi thế đặc biệt, trong đó có khả năng tăng cường an toàn và an ninh hạt nhân, loại trừ nguy cơ ô nhiễm nguồn đất và giúp cho người dân tránh bị ảnh hưởng từ các tai nạn hoặc thảm họa hạt nhân, đồng thời giảm thiểu nguy cơ bị tấn công khủng bố. Tính an toàn cũng cao hơn nhờ nguồn nước làm mát dồi dào giúp ngăn chặn những sự cố như khi lõi nhiên liệu trong lò phản ứng hạt nhân tan chảy. Các lò phản ứng hạt nhân nổi nhỏ có thể dễ dàng di chuyển khỏi khu vực nếu có nguy cơ sóng thần hay thảm họa thiên nhiên, đồng thời có thể tới được cả các khu vực hạn chế về năng lượng.

Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra các sự cố, việc sử dụng nguồn điện bên ngoài là điều khó khả thi. Việc ngăn chặn nguy cơ rò rỉ phóng xạ sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn so với ở trên đất liền. Dù ở xa các khu dân cư song phóng xạ tại các nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố cũng có thể theo gió lan đi rất xa. Sự cố trên biển cũng dẫn đến nguy cơ rò rỉ phóng xạ và hủy hoại hệ sinh thái biển.

Phần lớn khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Biển Đông đều là nơi dễ hứng chịu thiên tai như động đất, sóng thần và bão. Đặc điểm địa lý của khu vực Đông Nam Á khiến việc lựa chọn địa điểm đặt nhà máy điện hạt nhân nổi là điều không hề đơn giản, vì phần lớn các vùng biển bao quanh các quốc gia quần đảo đều thuộc tuyến đường biển thương mại nhộn nhịp nối liền Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và các nước vùng Đông Dương.

Vấn đề an ninh khi vận chuyển các vật liệu phóng xạ bằng đường biển, việc bảo vệ vật lý các cơ sở hạt nhân nổi khỏi sự phá hoại và tấn công khủng bố cũng là những thách thức quan trọng tại Đông Nam Á.

Dù có nhiều lợi ích và là một lựa chọn hấp dẫn, song những câu hỏi về an ninh và an toàn hạt nhân đối với việc phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi cần được giới hoạch định chính sách khu vực nghiêm túc cân nhắc khi sử dụng loại công nghệ này.

Đ.Ánh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/loi-hai-cua-cac-nha-may-dien-hat-nhan-noi-o-chau-a.aspx