Lối đi nào cho trẻ tự kỷ?

(ANTĐ) - Theo thống kê của Viện Nhi Trung ương, tỉ lệ trẻ mắc hội chứng tự kỷ là 1/150 và con số này ngày càng tăng. Tuy nhiên, cho đến nay, tại Hà Nội vẫn chưa có một trường công lập, một bộ tài liệu, sách vở, chuyên gia dành riêng cho trẻ tự kỷ mà đa số dạy theo kinh nghiệm. Sự quá tải tại các trung tâm, tình trạng trường tiểu học công lập từ chối nhận dạy trẻ tự kỷ... khiến con đường đi cho trẻ tự kỷ vốn đã hẹp ngày càng hẹp hơn.

Hiện nay, tại Hà Nội có 11 trường đặc biệt như: Trung tâm Hy vọng (thuộc Hội cứu trợ trẻ em tàn tật TP Hà Nội), Trung tâm Sao Mai (thuộc Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam), Trung tâm giáo dục đặc biệt Khánh Tâm, Trung tâm can thiệp sớm, trường Mầm non New Star... song đều do tư nhân hoặc các tổ chức phi Chính phủ thành lập. Một hạn chế của những trung tâm tư nhân này là nguồn thu chủ yếu từ học phí, ngoài ra rất hiếm có sự tài trợ khác. Do đó, nhiều trường phải đứng trước sự lựa chọn: thu học phí cao, biến thành hình thức kinh doanh có lợi nhuận. Bên cạnh đó, tình trạng không có tài liệu, sách vở chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ cũng là một vấn đề nan giải đối với các thầy cô. Theo TS Lê Văn Tạc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đặc biệt, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có một chuyên gia nào về lĩnh vực này. Tại khoa Giáo dục đặc biệt, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, giáo dục trẻ tự kỷ chỉ là một chuyên đề và mang tính lý thuyết nhiều hơn thực tiễn. Vì vậy, giáo viên dạy tại các trung tâm trẻ tự kỷ đa số là giáo viên mầm non, tâm lý. Bà Đỗ Thúy Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Sao Mai cho biết: Trong khi trẻ câm điếc có trường Xã Đàn, trẻ khiếm thị có trường Nguyễn Đình Chiểu thì trẻ tự kỷ vẫn chưa hề có một ngôi trường riêng. Tài liệu, sách vở cũng chưa hề có. Trên thực tế, các thầy cô chủ yếu tự mày mò, tự soạn giáo án trên kinh nghiệm nhiều hơn là khoa học. Trong khi trẻ tự kỷ mỗi trẻ một nhận thức khác nhau, có em dạy một tháng đã biết con cá nhưng có em dạy một năm cũng không biết. Chuyện các cô bị học trò tát, đánh là chuyện bình thường. Vì thế hơn bất kỳ một lĩnh vực giáo dục nào khác, dạy trẻ tự kỷ rất vất vả. Nếu không có một sự ưu đãi phù hợp thì khó ai có thể trụ lại với ngôi trường này. Những năm gần đây, Trung tâm Sao Mai và Trung tâm Hy vọng đã có các chuyên gia, tình nguyện viên của các tổ chức phi Chính phủ của Hà Lan, Bỉ, Mỹ đến trao đổi kinh nghiệm và phương pháp dạy trẻ. Điều đó mang đến một ánh sáng mới cho việc giáo dục trẻ tự kỷ đang còn đầy gian nan, bế tắc. Tại Bệnh viện Nhi TƯ, trung bình mỗi năm có hàng trăm trẻ đến khám và điều trị chứng tự kỷ. Số trẻ được điều trị tại khoa Phục hồi chức năng của bệnh viện còn cao hơn nhiều lần, khiến khoa này luôn trong tình trạng chật cứng. Song không phải bố mẹ nào cũng đủ kiên trì và kinh tế cho con theo các lớp phục hồi chức năng này. Trẻ tự kỷ sau khi can thiệp tại các trường đặc biệt có thể hòa nhập với học sinh bình thường không? Đến nay, câu hỏi này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng không nên tách trẻ tự kỷ ở một ngôi trường riêng, song cũng có ý kiến ngược lại. Mặc dù Bộ Giáo dục Đào tạo đã có quy định các trường tiểu học công lập phải nhận học sinh tự kỷ nhẹ nhưng trên thực tế hầu hết các trường đều từ chối. Sự kỳ thị với trẻ tự kỷ vẫn hiện hữu ở nhiều nơi, nhiều lúc. Trong khi các trung tâm giáo dục đặc biệt thường chỉ nhận trẻ đến 16 tuổi. Vậy sau 16 tuổi các em biết đi đâu? Còn rất nhiều vấn đề cần có lời giải với các gia đình có trẻ bị hội chứng tự kỷ song hiện tại vẫn chỉ biết hy vọng vào một phép nhiệm màu trong ngày mai. T ôi có một cháu trai 9 tuổi, đang theo học tại Trung tâm Sao Mai. 9 năm qua là hành trình khổ ải, gian nan đối với tất cả mọi người trong gia đình tôi. Cháu mắc bệnh tăng động giảm chú ý, không lúc nào ngồi yên, buổi chiều đón con về cho đến đêm, hai vợ chồng phải đưa cháu đi khắp nơi, có hôm 2, 3h sáng vẫn ở ngoài đường. Ngày nghỉ cả nhà phải ra công viên ở vì không bao giờ cháu chịu ở trong nhà. Cháu rất dễ nổi cáu và có thể đập phá bất cứ cái gì. Những ngày đầu đi học, các cô giáo thường xuyên bị cháu tát, đấm, đá. Nhưng bây giờ cháu đã đỡ đi rất nhiều, tuy không thể như trẻ bình thường nhưng cũng biết nghe lời hơn. Tại CLB gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội, gồm 400 gia đình khá nhiều cháu như vậy, nhiều cháu còn nặng hơn. Trong những lần giao lưu CLB, vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm nhất là những phương pháp giáo dục mới trên thế giới với trẻ tự kỷ. Hiện nay, tại nhiều nước tiên tiến, người ta đã có đội ngũ và phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ khá hiệu quả. Tuy nhiên tại Việt Nam, trong khi lĩnh vực nào cũng có chuyên gia thì riêng giáo dục trẻ tự kỷ lại chẳng có một ai. Trường học do Nhà nước thành lập cũng không có. Những trung tâm như Sao Mai, Hy vọng luôn trong tình trạng quá tải. Còn những trung tâm tư nhân khác cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, cũng không có các chuyên gia nước ngoài sang dạy học, học phí cao. Tất cả những điều này là sự thiệt thòi rất lớn cho trẻ tự kỷ. Cách đây 20 năm khi đi khảo sát, chúng tôi đã phát hiện nhiều trẻ em bị các triệu chứng như trẻ bị tự kỷ. Tuy nhiên ngày ấy người ta chưa biết đến căn bệnh mang tên “hội chứng tự kỷ” mà cho rằng chúng bị tâm thần nên không hề có sự can thiệp, giáo dục nào cả. Chỉ những năm gần đây, khi thế giới có sự nghiên cứu về căn bệnh này, chúng ta mới quan tâm. Mặc dù trẻ tự kỷ cần được đến trường bình thường khung pháp lý đã có nhưng tính khả thi không cao. Hầu hết các trường tiểu học công lập không nhận trẻ tự kỷ, trừ những trường thực nghiệm. Sự quá tải trong các trung tâm giáo dục đặc biệt trong khi nhu cầu ngày càng cao đã khiến nảy nở các trường tư dạy trẻ tự kỷ. Chất lượng mỗi nơi một kiểu, không ai kiểm soát và đánh giá được. Chúng tôi coi đây là vấn đề xã hội và muốn giải quyết được những khó khăn này cần sự vào cuộc của nhiều ban ngành khác nhau, sự quan tâm của xã hội bằng một ngôi trường riêng cho trẻ tự kỷ với những phương pháp giáo dục hiệu quả nhất. Đồng thời có lẽ chúng ta cũng cần có sự đào tạo những chuyên gia một cách bài bản về lĩnh vực này vì hiện tại con số trẻ tự kỷ đã khá cao và còn tăng trong thời gian tới. Hiện nay số học sinh theo học tại trung tâm là 233 cháu và đã 2 tháng nay chúng tôi có thông báo không nhận nữa vì đã quá tải. Hiện dưới phòng khám còn rất nhiều hồ sơ nhưng phải đợi. Nếu như ở trường ngoài có học sinh vào, có học sinh ra thì ở đây đầu vào luôn chiếm số lượng lớn, còn đầu ra không đáng kể, đa số các em học trường kỳ. Có một trường hợp cháu bé Nguyễn Thị L bị tự kỷ nhẹ, sau khi điều trị tại trung tâm cháu đã tiến bộ rõ rệt, gia đình và nhà trường nhất trí cho ra bên ngoài học. Nhưng sau 2 năm cháu phải quay lại và còn trong tình trạng nặng, tất cả những kỹ năng học được đều mất hết. Điều đó, cho thấy rằng, trẻ bị tự kỷ nếu cứ cố tình cho học với trẻ thường sẽ ngày càng nặng thêm vì không có bạn chơi cùng, không theo được chương trình học. Khi có đoàn kiểm tra, cô giáo còn phải nhắc gia đình cho cháu nghỉ ở nhà, như thế là rất thiệt thòi và rõ ràng có sự phân biệt đối xử. Bởi trẻ tự kỷ sẽ mãi mãi là tự kỷ, nếu được can thiệp sớm và có phương pháp giáo dục phù hợp thay vì ngày càng lùi đi thì sẽ đỡ chậm hơn. Ở đây bình thường mỗi lớp chỉ có 10 cháu và 2 cô, trong những giờ học đặc biệt như trị liệu ngôn ngữ, trị liệu tâm lý… 1 cô dạy 1 cháu. Thuận lợi của trung tâm so với các trường tư là trong những năm gần đây liên tục có các tình nguyện viên nước ngoài đến giúp đỡ về chuyên môn, các kỹ năng dạy trẻ, tài liệu tham khảo hướng dẫn giáo viên. Tuy nhiên do là một tổ chức phi Chính phủ mang tính nhân đạo, thu bao nhiêu chi bấy nhiêu, không kinh doanh lời lãi. Học phí không được quá cao trong khi đó là nguồn thu duy nhất của trung tâm để trả lương cho giáo viên nên gây khó khăn trong vấn đề tài chính. Trung tâm mới được thành lập năm 2007, với tổng số 25 cháu chia làm 3 lớp, mỗi lớp 2 cô, độ tuổi từ 2-6 tuổi. Ở đây chúng tôi chỉ nhận những cháu bị tự kỷ nhẹ. Hiện nay cơ sở vật chất vẫn còn rất khó khăn, chúng tôi vẫn phải đi thuê nhà, trang thiết bị còn rất sơ sài. Tuy nhiên giáo viên ở đây đều là các cô giáo đã từng dạy ở trường mầm non, tôi cũng từng là giáo viên tốt nghiệp khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm, cũng đã có 5 năm làm việc tại trung tâm giáo dục đặc biệt nên rất có kinh nghiệm dạy trẻ tự kỷ. Một số em sau một thời gian học tại đây đã có tiến bộ rõ rệt, bố mẹ cũng ngạc nhiên khi con em họ có sự thay đổi như vậy. Trung tâm ra đời đáp ứng được nhu cầu của các gia đình ở khu vực này có con bị tự kỷ nhẹ mà không thể đưa đến các trung tâm giáo dục đặc biệt lớn khác. Học phí tại trung tâm là 2 triệu đồng/tháng.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=75020&channelid=5