Lối đi gian truân của smartphone thương hiệu Việt ​

Một số smartphone thương hiệu Việt như Mobiistar, Bphone, Asanzo hiện đã có chỗ đứng trên thị trường và được người dùng quan tâm. Song, hướng đi nào để phát triển bền vững mới là điều quan trọng…

Với Mobiistar, hãng này đang đứng thứ 3 trong danh sách các hãng di động có thị phần tại Việt Nam, nhưng thực tế giá trị thu được vẫn còn thấp so với các hãng khác. Hai tên tuổi mới nổi gần đây, Bphone của Bkav và Asanzo của công ty chuyên làm tivi Asanzo, đang được kỳ vọng sẽ tạo thêm “sân chơi” cho điện thoại thương hiệu Việt. Nhưng…

Trước tiên cần nói đến Asanzo, dù hãng đã tuyên bố hùng hồn về việc hệ thống có hàng chục ngàn điểm bán trên khắp cả nước và đã tiêu thụ hàng chục ngàn “chú dế”, nhưng đến nay sản phẩm thương mại vẫn chưa chính thức được bán ra. Tại lễ ra mắt 2 chiếc điện thoại di động của Asanzo, công ty này giới thiệu một cách “cầu thị”, đại ý chúng tôi làm được như thế, rất mong giới truyền thông, người dùng quan tâm ủng hộ. Điều này khác xa với thực tế chiến lược truyền thông của Asanzo: sẵn sàng cạnh tranh với các thương hiệu lớn, bằng sản phẩm chất lượng với giá thành rẻ… Với Asanzo, có lẽ phải chờ sản phẩm thương mại chính thức và xem số lượng bán thực tế thì mới biết được giá trị thực của những chiếc di động thương hiệu Việt này.

Còn với Bphone 2017, sản phẩm đã được chính thức bán ra, người dùng đã cầm trên tay và khen - chê đều có; nhưng ở đây điều cần nói nhiều hơn là tinh thần của Bphone. Sau thất bại của Bphone thế hệ đầu tiên (2015), Bkav đã gần như thay đổi nhiều thứ. Họ đã lắng nghe nhiều hơn để Bphone 2017 không còn “số một thế giới”, mà là sản phẩm có những giá trị chung hơn, như thiết kế trung tính, cấu hình tương đối… Bkav đã kỳ vọng, đặt mục tiêu bứt phá vào một sản phẩm, nên Bphone gánh trọng trách không hề nhỏ. Nói cách khác, nếu Bkav chỉ đơn thuần làm chiếc di động rồi bán thì sẽ “nhẹ gánh” và dễ làm - dễ bán hơn, chứ không gập ghềnh như hiện nay. Và chưa hết, nếu Bkav muốn Bphone có đẳng cấp một sản phẩm thương hiệu Việt mang tầm quốc gia và “đi” khắp nơi, thì Bkav cần chứng minh năng lực sản xuất Bphone với tính chất công nghiệp, chứ không phải là sản phẩm được sản xuất theo số lượng nhất định - như kiểu sản phẩm ra đời từ phòng Lab.

Bphone 2017

Còn với Mobiistar, hãng này trụ vững trên thị trường từ nhiều năm qua với phương châm “Tận hưởng nhiều hơn”, nghĩa là người dùng có thể bỏ ra số tiền thấp nhất nhưng có thể mua được sản phẩm tốt nhất (trong cấu hình và phân khúc giá). Điều này đã giúp người dùng còn khó khăn tài chính thêm cơ hội tiếp xúc dễ dàng hơn với những giá trị mới của công nghệ di động. Hãng cũng đầu tư nghiêm túc từ thiết kế (phần cứng, phần mềm) đến khâu tiếp thị, chăm sóc khách hàng để ngày càng hoàn thiện tốt hơn… Nói như thế không phải vì để khen Mobiistar, mà để nhìn thấy Asanzo còn rất hời hợt. Cách kinh doanh với Asanzo giống như kiểu đi buôn, thấy “có khả năng” thì nhảy vào kiếm phần, nhưng quên rằng chiếc di động thì khác xa sản phẩm tivi. Với di động, chỉ cần một vài chi tiết về phần cứng hay phần mềm bị lỗi thì lắm khi cả lô hàng vài ngàn chiếc sẽ thành “đồ chơi”. Điều quan trọng với Asanzo là chất lượng của sản phẩm, không phải là sự ồn ào bằng truyền thông.

Thử so với sản phẩm của Apple là iPhone và không thể tách rời trong thế giới smartphoe là Samsung và OPPO. Samsung vốn quá lớn mạnh, từ tiềm lực tài chính đến sản phẩm, quảng bá và cả nhà máy sản xuất nên hãng này đang đứng đầu thị phần tại Việt Nam cũng là điều đương nhiên.  Theo sát Samsung là OPPO, hãng này vừa đưa vào vận hành Brand Shop thứ hai tại TPHCM (trong kế hoạch 108 Brand Shop khắp cả nước vào năm 2017). Phía OPPO cho biết, họ đã chuẩn bị kế hoạch Brand Shop từ vài năm trước để khởi động giai đoạn mới, hướng lên phân khúc cao cấp. Cao cấp, không chỉ ở nghĩa là sản phẩm cao cấp, mà là cả hệ sinh thái và cả bảo hành, trải nghiệm. Cho nên Brand Shop của OPPO là nơi mà ở đấy có tất cả các dịch vụ, trải nghiệm tốt nhất cho chiếc di động lẫn người dùng di động. Ngày khai trương Brand Shop của OPPO tại quận 7, phía OPPO Việt Nam cho rằng: Trước đây và hiện nay, các sản phẩm chủ lực của hãng vẫn là trung cấp và đã bước đầu đạt được giá trị cũng như vị thế trên thị trường, nên đây là thời điểm để tiến đến thị phần cao cấp. Tức OPPO đang “bán” trải nghiệm cao cấp ở Brand Shop, trước khi bán sản phẩm cao cấp.

Vài nét hình dung về thị trường di động tại Việt Nam thực tại để thấy rằng lối đi cho smartphone thương hiệu Việt không phải là dễ dàng. Bkav nếu muốn đưa Bphone 2017 đến người dùng thì cần có chiến lược khác hơn; Mobiistar cần bứt phá quyết liệt hơn, đầu tư nhiều hơn và thậm chí nên có cả sự mạo hiểm; còn Asanzo hãy để sản phẩm nói lên giá trị của nó và hãy chứng minh sự bài bản, nghiêm túc của mình.

Có thể thấy, lối đi cho smartphone thương hiệu Việt vẫn đầy gian truân chứ không thẳng tắp như hình ảnh truyền thông hay thấy…

KIM THANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/loi-di-gian-truan-cua-smartphone-thuong-hieu-viet-463592.html