Lời hăm dọa 'tống giam Clinton' và 'nền cộng hòa chuối'

Khi Trump phát biểu vận động ở Tallahassee (bang Florida) đêm 25/10, đám đông ủng hộ bên dưới hô vang "Hãy tống giam bà ta", ý nói đến nữ ứng viên của Hillary Clinton đảng Dân chủ.

Nước Mỹ luôn tự hào về giá trị nền dân chủ của quốc gia này, khi các đảng phái không phát động tấn công bạo lực lẫn nhau, giai đoạn chuyển giao quyền lực êm thấm sau mỗi mùa bầu cử, các đối thủ chính trị không đe dọa bỏ tù nhau. Tuy nhiên, giá trị này có nguy cơ bị lung lay trong mùa bầu cử năm 2016 vì lời đe dọa tống giam bà Clinton của ông Donald Trump.

Khi ứng viên đảng Cộng hòa phát biểu ở Tallahassee (bang Florida) ngày 25/10, ông tiếp tục nhắc lại "những hành vi phạm tội của Hillary Clinton" và nhấn mạnh "đây là cơ hội cuối cùng của chúng ta". Đối với các ứng viên, việc chiến thắng ở Florida rất quan trọng với cuộc đua vào Nhà Trắng. Kể từ năm 1924, không ứng viên nào của đảng Cộng hòa chiến thắng mà để thua ở Florida.

Cử tri của Donald Trump gần đây quyết liệt đòi bỏ tù bà Hillary Clinton. Ảnh: AJC.

Hãy tống giam Clinton

Thay vì hưởng ứng lời kêu gọi của Trump hoặc hô vang tuyên ngôn tranh cử của tỷ phú, đám đông ủng hộ ông thể hiện rõ sự phẫn nộ đối với bà Clinton qua việc đồng thanh đòi bỏ tù nữ ứng viên. "Lock her up" (tạm dịch: Hãy tống giam bà ta) gần như trở thành một khẩu hiệu mới của những người ủng hộ ứng viên của đảng Cộng hòa. Câu này vang lên tại tất cả những buổi vận động tranh cử của vị tỷ phú suốt thời gian qua.

Trong giai đoạn nước rút, không chỉ Trump mà nhiều diễn giả khác trong bộ máy tranh cử của ông cũng tăng cường tập trung vào sai phạm của bà Clinton, thay vì những chính sách và phẩm chất của Trump. Nội dung tấn công quan trọng nhất chính là bê bối sử dụng email cá nhân của bà Clinton.

Tại một buổi vận động, Thống đốc bang New Jersey Chris Christie, từng là đối thủ rồi chuyển thành đồng minh của Trump, đã đọc "một danh sách các tội ác của bà Clinton". Sau đó, ông Christie quay sang hỏi cử tri rằng cựu đệ nhất phu nhân có đáng bị luận tội hay không. Đám đông liên tục hô vang "Hãy tống giam bà ta".

Những video và hình ảnh về không khí các buổi vận động của Trump thể hiện rõ sự thù ghét của người dân đối với bà Clinton. Họ mang biểu ngữ, mặc đồng phục tỏ ý mỉa mai. Khi được hỏi nhận định thế nào về ứng viên của đảng Dân chủ, phần lớn các câu trả lời đều là "xấu xa", "kẻ nói dối", "nguy hiểm".

Tuy nhiên, sự căm phẫn dâng lên mức căng thẳng mới kể từ sau vòng tranh luận lần 2 giữa các ứng viên. Khi đó, Trump thẳng thừng đe dọa bà Clinton trên sóng truyền hình trực tiếp, trước sự theo dõi của hàng chục triệu người, rằng: "Nếu tôi trở thành tổng thống thì bà sẽ ngồi tù".

Trump công khai dọa bỏ tù bà Clinton trong buổi tranh luận lần 2, trước sự chứng kiến của hàng chục triệu độc giả. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Giá trị nền dân chủ bị đe dọa

Đêm 21/10 ở Fletcher, bang North Carolina, khi những người ủng hộ Trump nhao nhao hô "bỏ tù Clinton", tỷ phú 70 tuổi trả lời một cách ẩn ý về việc truy cứu trách nhiệm của bà Clinton nếu đắc cử. "Đừng phản đối, hãy bỏ phiếu. Các bạn hãy làm như vậy đi. Chúng ta sẽ chiến thắng. Khi đó chúng ta có rất nhiều biện pháp để lựa chọn".

Bình luận về phản ứng của những người ủng hộ Trump tại Tallahassee ngày 25/10, phóng viên James Fallows của tờ Atlantic nói: "Một cách nghiêm túc thì chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến hiện tượng như phát rồ đòi xử phạt và 'tống bà ấy vào tù' như thế này".

Tờ Los Angeles Times nhận định kịch bản "Tổng thống Trump bỏ tù bà Hillary Clinton" sẽ dẫn đến "hủy diệt cả nền dân chủ Mỹ".

Các chính trị gia chuyên nghiệp hiển nhiên không thể chấp nhận những giọng điệu hung hãn như vậy trong cuộc bầu cử.

Thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnel nói ông phản đối những khẩu hiệu đòi bỏ tù bà Clinton, cũng như bác bỏ khả năng này có thể xảy ra. Còn Thượng nghị sĩ Al Franken của bang Minnesota gọi khẩu hiệu mới của những người ủng hộ Trump thể hiện "một nền cộng hòa củ chuối" (nguyên văn "very banana republic").

"Cộng hòa củ chuối" (banana republic) là khái niệm do nhà văn người Mỹ O. Henry đưa ra trong một cuốn sách xuất bản năm 1904, ám chỉ một quốc gia có chế độ cai trị tham nhũng, độc tài và kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu một loại hàng hóa duy nhất.

Norm Ornstein, nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) nói năm 2016 là lần bầu cử "xấu xa" nhất mà ông từng trải qua. "Dĩ nhiên các đối thủ sẽ nói rất khó chịu về nhau. Nhưng bạn không thể ngờ được chủ đề chính trong một buổi vận động lại thể hiện nhiều sự căm ghét như vậy với đối thủ", ông nói.

Cảnh Toàn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/loi-de-doa-tong-giam-ba-clinton-va-nen-cong-hoa-chuoi-post692927.html