Lời cảnh tỉnh về tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện

Trong quá trình kinh doanh, sản xuất điện, trạm biến áp (TBA) là phần quan trọng, không thể thiếu. Các TBA được bố trí theo trục truyền tải để cung cấp điện đến khách hàng, vì vậy công tác bảo đảm an toàn về người và tài sản tại khu vực đặt TBA luôn phải được đặt lên hàng đầu khi quản lý vận hành. Sự cố xảy ra tại TBA quận Hà Đông thật đáng tiếc, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh về tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện.

Để bảo đảm an toàn, quá trình đầu tư xây dựng, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng các TBA đều phải tuân thủ các quy định trong Luật Điện lực và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Điện lực; một số quy định khác do Bộ Công Thương ban hành; các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành...

Trạm biến áp Ao Sen trên đường Trần Phú (quận Hà Đông) bị “nhốt” trong quán cà phê. Ảnh: Ngọc Hà

Theo đó, trong quá trình đầu tư phát triển lưới điện theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt, các TBA truyền tải và phân phối điện phải được thiết kế, chế tạo thiết bị, xây dựng công trình phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn Việt Nam, bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, an toàn xây dựng, an toàn phòng, chống cháy nổ; các công trình chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được thử nghiệm, hiệu chỉnh, nghiệm thu đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn. Vị trí đặt trạm cũng phải được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình vận hành, các đơn vị quản lý phải định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật và đại tu thiết bị, bảo đảm cho hệ thống vận hành an toàn theo quy định; cùng với đó, thường xuyên kiểm tra phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Về cơ bản các quy định bảo đảm an toàn lưới điện nói chung, TBA nói riêng đã rõ, nhưng ngoài các quy định trên, vấn đề bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cũng là một trong những điều kiện quan trọng để ngăn ngừa thiệt hại khi xảy ra sự cố. Đáng tiếc là bất chấp các biển cảnh báo nguy hiểm, nhiều người dân vẫn hằng ngày “mưu sinh” ngay dưới chân các TBA, cột điện cao thế. Tại phố Thuốc Bắc (quận Hoàn Kiếm), một quán trà đá, đồ ăn sáng chiếm dụng phần vỉa hè dưới chân TBA kinh doanh, thậm chí, sử dụng tủ điện làm nơi để đồ, dù đã có biển cảnh báo “nguy hiểm - cấm lại gần”.

Tương tự, nhiều TBA tại khu phố cổ, như: Hàng Bồ, Hàng Chiếu, Hàng Lược, Chả Cá, Hàng Khoai… cũng đang bị xâm phạm. Trên đường Văn Tiến Dũng (quận Bắc Từ Liêm), hàng loạt các quán bia hơi, rửa xe “mọc lên” san sát cạnh TBA. Vào những ngày nắng nóng, các hộ kinh doanh kê cả bàn ghế ngay tại hành lang lưới điện để phục vụ khách hàng. Nhiều tủ điện cũ kỹ, dùng lâu năm chưa được thay mới, cũng được "trưng dụng" dùng làm nơi bán hàng. Trên địa bàn quận Hà Đông, có hộ xây dựng quán cà phê bao quanh chân TBA...

Thực trạng “mưu sinh” dưới chân các TBA đã diễn ra từ nhiều năm nay và dù đã được các lực lượng chức năng cảnh báo, nhắc nhở nhưng đa số người dân vẫn thờ ơ với sự an toàn của chính mình. Việc cảnh báo nguy hiểm vẫn chỉ xuất phát từ một phía, còn có tuân thủ hay không lại chủ yếu nằm ở ý thức của người dân. Nhiều vụ hỏa hoạn, chập, nổ do vi phạm các quy định về an toàn lưới điện, TBA, trụ điện dường như vẫn chưa là bài học đáng nhớ cho những người còn thờ ơ, thiếu ý thức trong việc bảo đảm hành lang an toàn lưới điện.

Sự cố xảy ra ngày 17-11 tại TBA Bùi Thị Cúc 4 (phố Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) chính là lời cảnh tỉnh đối với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, trong việc tuyên truyền, ngăn chặn và có các biện pháp kiên quyết đối với những trường hợp vi phạm. Quan trọng hơn hết vẫn là ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về an toàn điện và hành lang lưới điện.

Nghị định số 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp nêu rõ, đối với các trạm điện lắp đặt trên cao không có tường rào bao quanh, khoảng cách an toàn tương ứng 2-3m (trạm điện áp 22-35kV). Nhà và công trình xây dựng không được xâm phạm đường ra vào trạm điện, không xâm phạm hành lang an toàn. Bên cạnh đó, Điều 53, Luật Điện lực cũng quy định rõ: “Không được xây dựng nhà ở, công trình và trồng cây cao hơn 2m trong hành lang an toàn trạm điện, không xâm phạm đường ra vào cửa trạm...”.

Thanh Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/855636/loi-canh-tinh-ve-tinh-trang-vi-pham-an-toan-hanh-lang-luoi-dien