Lời Bác Hồ dạy bộ đội hải quân

(baodautu.vn) Sớm quan tâm chỉ đạo xây dựng và phát triển lực lượng hải quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm sâu sắc và định hướng tầm chiến lược đối với nhiệm vụ bảo vệ biển trời Tổ quốc của lực lượng Hải quân nhân dân anh hùng.

Sau khi chỉ đạo thành lập Cục Phòng thủ bờ biển (ngày 7/5/1955) - tiền thân của Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày nay, ngày 31/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng cá Cát Bà (Hải Phòng). Nói chuyện với bà con ngư dân ở đây, Người dạy: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Tư tưởng của Người là, phải làm chủ tiềm năng của biển, bảo vệ biển và khai thác các nguồn lợi từ biển để phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước và đời sống của nhân dân.

Năm 1961, khi đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ hải quân, Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời căn dặn của Bác với các chiến sĩ hải quân ngày ấy ẩn chứa sâu xa luận điểm của Người, là sự khái quát rất ngắn gọn và dễ hiểu về lịch sử truyền thống của Tổ quốc, về tiềm năng của biển nước ta và trách nhiệm của mọi thế hệ người Việt Nam phải biết khai thác, quản lý và bảo vệ biển.

Sau ngày hòa bình được lập lại, nhưng đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam lại ra sức phá hoại Hiệp định Genève, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo lực lượng hải quân: “Phải trên cơ sở học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, đồng thời biết kế thừa và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam cũng như truyền thống đánh giặc của ông cha ta”.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Người, các lực lượng vũ trang trên biển có nhiều cách đánh thông minh, sáng tạo. Tiêu biểu nhất là các chiến dịch tiễu phỉ trên quần đảo Đông Bắc, tiến công đuổi tàu khu trục Ma Đốc của Hạm đội 7 Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta ngày 2/8/1964; đánh thắng trận đầu vào ngày 5/8/1964 khi Đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc; đánh thắng chiến dịch phong tỏa bằng thủy lôi vào ven biển và các cửa sông, góp phần đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ đối với miền Bắc.

Trên chiến trường miền Nam, chỉ riêng ở Quảng Trị trong 7 năm (1966 - 1973), đặc công hải quân tổ chức đánh trên 300 trận, đánh chìm 339 tàu thuyền của địch, phá hủy hàng ngàn tấn phương tiện chiến tranh. Đặc biệt là năm 1961, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 125 với mật danh “Đoàn tàu không số” được xây dựng để mở đường chiến lược trên biển, được anh em gọi là “Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông” để vận chuyển, chi viện cho miền Nam. Chỉ 15 năm (từ 1961 đến 1975), “Đoàn tàu không số” đã cùng với các lực lượng hải quân đưa hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và phương tiện vũ khí tiến đánh, giải phóng các đảo và quần đảo Trường Sa, góp phần giành thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.

Ngày nay, nằm ở vị trí trang trọng nhất của Bảo tàng Hải quân (TP. Hải Phòng), khách tham quan vẫn thấy bức ảnh Bác Hồ đứng giữa hai người lính, chiếc áo đại cán của Người mở phanh, không cài cúc. Đó là ảnh Bác Hồ chụp cùng Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Bá Phát và Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài, trong buổi lễ tuyên dương sau chiến thắng ngày 5/8/1964. Nhân dịp này, Bác viết trong thư khen “Các chú đã đánh đuổi tàu chiến Mỹ, bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái, như vậy là rất tốt”.

Thiếu tá Phạm Ngọc Minh (Phòng trưng bày) lý giải về chi tiết chiếc áo của bác không cài khuy rằng, khi bức ảnh này được chụp xong, nhiều người đã hỏi ý kiến Bác tại sao lại chủ động để mở khuy áo trước ống kính. Bác bảo, để thể hiện tinh thần dám đánh Mỹ của người Việt Nam.

Điểm lại vài dòng lịch sử đó, có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra không gian chiến lược, vai trò to lớn của biển đảo đối với quốc phòng và an ninh quốc gia, đồng thời dành sự quan tâm đặc biệt tới nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của lực lượng hải quân.

Thực hiện lời dạy và tâm huyết của Người, trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm tới bảo vệ, giữ vững chủ quyền và phát triển các vùng biển đảo. Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định mục tiêu phấn đấu “đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo. Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI, đề cập kinh tế biển (bao gồm cả vùng biển, ven biển và hải đảo), Đảng ta một lần nữa đề ra định hướng rất quan trọng là cần phải “phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta”.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/chuyende/601d3ee77f00000100ebb5a048a390ca