Loay hoay xây dựng thương hiệu gạo sạch

Thông tin về một số lô gạo của Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ bị trả về do không đạt chất lượng là thông tin rất đáng chú ý. Cũng vì vấn đề chất lượng, hàng chục năm nay Việt Nam vẫn loay hoay chưa xây dựng được thương hiệu gạo và dù là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng người trồng lúa nước ta chưa đạt thu nhập như mong muốn.

Thua ngay trên sân nhà

Theo thống kê của Bộ NN& PTNT, 9 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu 3,76 triệu tấn gạo, thu về gần 1,7 tỷ USD, giảm 16,4% về khối lượng và 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu gạo giảm mạnh là do chất lượng gạo thấp dẫn đến cạnh tranh kém, thị trường nhập khẩu giảm mạnh.

Hiện lượng gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo thấp cấp, gạo chất lượng cao ít nên giá trị thấp. Do chưa có thương hiệu nên gạo Việt Nam khó thâm nhập được các thị trường lớn và bị cạnh tranh gay gắt từ gạo Thái Lan, Ấn Độ và một số nước xuất khẩu khác. Theo thống kê của VFA, 6 tháng đầu năm đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác - đặc biệt mới đây là thị trường Mỹ - trả về do không đạt chất lượng.

Xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu nước ta chưa được như mong muốn.

Không chỉ thua trên thị trường quốc tế mà ngay tại thị trường trong nước, gạo Việt Nam cũng bị “lép vế”. Thời gian qua, Việt Nam vẫn tự hào mỗi năm xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo/năm, nhưng ít ai nhắc đến thị trường tiêu thụ nội địa có tổng sản lượng tới 21 triệu tấn, gấp 3 lần khối lượng xuất khẩu nhưng đang bị bỏ ngỏ.

Hiện trên thị trường gạo nội địa, ngoài 10% sản phẩm được tiêu thụ trong kênh siêu thị, số còn lại được bán trôi nổi tự do trên thị trường nên không quản lý được chất lượng hay nguồn gốc sản phẩm, giá cả, kênh phân phối… Đa phần các hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn chạy theo lợi nhuận pha trộn các sản phẩm với nhau để có giá thấp hơn khiến người tiêu dùng không biết gạo Việt Nam có những loại nào mà lựa chọn.

Bà Nguyễn Tú Anh, đại diện Công ty Nông nghiệp Gap cho rằng: Đối với thị trường lúa gạo trong nước, người có thu nhập cao chọn ăn gạo Thái, gạo Campuchia, còn người thu nhập thấp thì ăn gạo Việt Nam. Mặc dù gạo Việt Nam có nhiều vùng nổi tiếng như Nam Định, Điện Biên, Đồng Nai… nhưng do không có thương hiệu, không được xúc tiến quảng bá nên vẫn “mờ nhạt” ngay tại thị trường trong nước.

Đâu là hướng đi?

Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về lúa gạo, người khởi xướng xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại Việt Nam băn khoăn: Đối với hàng nông sản, gạo là mặt hàng có tiềm năng, có số lượng xuất khẩu lớn song việc quan tâm xây dựng thương hiệu cũng như chất lượng đang bị bỏ ngỏ. “Đã đến lúc gạo Việt Nam cần kết thúc giai đoạn sản xuất tràn lan, chạy theo số lượng” - Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định.

Thực tế, nếu xác định lợi thế quốc gia là nông nghiệp, trong đó mũi nhọn là ngành lúa gạo thì Việt Nam phải có chiến lược xây dựng thương hiệu và truyền thông cấp quốc gia cho ngành này. Để xây dựng thương hiệu gạo, cần quy hoạch lại sản xuất, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân trên cơ sở cùng có lợi, đặc biệt chọn lựa bộ giống chuẩn để mở rộng sản xuất. Bộ giống lúa này được xem là tài sản quốc gia nên phải được đầu tư một cách bài bản và có chiến lược.

Đồng quan điểm trên, ông Võ Minh Khải, Giám đốc Công ty Viễn Phú nổi tiếng với sản phẩm gạo hữu cơ đầu tiên của Việt Nam thẳng thắn cho rằng: Nếu sản xuất chạy theo số lượng, doanh nghiệp và nông dân mạnh ai nấy làm thì lượng gạo Việt Nam xuất đi bị trả về sẽ tăng khiến thị trường xuất khẩu gạo bị thu hẹp. Lúc đó không chỉ có lúa gạo mà nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Để có được những sản phẩm đạt chuẩn, cần tuân thủ quy định nghiêm ngặt về quản lý chất lượng, tập trung đầu tư lớn để cho ra sản phẩm chất lượng, đồng thời xây dựng kênh phân phối và có kế hoạch quảng bá bài bản.

Ông Võ Minh Khải cũng cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu gạo thành công, việc đầu tiên là phải xây dựng được kênh phân phối và chiến thắng trên thị trường nội địa. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần coi việc tập trung đầu tư công nghệ để làm giảm tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch là việc làm cấp bách cần làm ngay.

Thời gian qua, mặc dù Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo đã đề cập đến các vấn đề trên, nhưng các bộ, ngành cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để hiện thực hóa những quy định mà nghị định yêu cầu. Đây là vấn đề cấp thiết bởi Việt Nam sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh về giá nếu như tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch cao. Ngoài những yếu tố trên, Nhà nước cũng như các bộ, ngành liên quan cần có chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp quảng bá, xây dựng thương hiệu cũng như có những chương trình xúc tiến mang tầm quốc gia, quốc tế...

Việt Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/853015/loay-hoay-xay-dung-thuong-hieu-gao-sach