Loay hoay bảo vệ đôi mắt cho trẻ

Theo thống kê ở TP Hồ Chí Minh hiện có trên 30% trẻ trong độ tuổi học sinh tại thành phố bị cận thị. Cả phụ huynh và các cơ quan chức năng đều lo lắng, loay hoay tìm giải pháp bảo vệ đôi mắt cho trẻ trước năm học mới, khi "dịch" cận thị vẫn không ngừng "lây lan".

Trẻ nghiện thiết bị điện tử sẽ dẫn đến cận thị.

Nỗi lo đầu năm học mới

Theo kết quả khảo sát của Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ học sinh mắc cận thị trên địa bàn thành phố chiếm gần 30%, trong đó tập trung nhiều nhất tại các trường chuyên, cụ thể như Trường chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa gần 80% học sinh mắc cận thị. Khảo sát của Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, độ tuổi đến khám cận thị tại bệnh viện cũng tăng theo cấp học. Càng học lên cao thì học sinh bị mắc cận thị càng cao, tỷ lệ học sinh trung học cơ sở cao gấp 2 lần học sinh tiểu học, học sinh trung học phổ thông cao gấp 1,3 lần học sinh trung học cơ sở.

Một năm học mới chuẩn bị bắt đầu, sợ con bị cận thị nên chị Nguyễn Thanh La, ngụ tại quận 2, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư số tiền khá lớn để chống cận thị cho con gái. Chị đặt mua một bút chì chống cận thị với giá 200.000 đồng, một đèn LED chống cận với giá 300.000 đồng và bảng chống lóa 150.000 đồng. Chị La cho biết: “Số tiền đầu tư ban đầu có thể cao, nhưng cũng chỉ bằng giá một cặp kính cận”. Trào lưu mua thiết bị thông minh chống cận thị cho trẻ rộ lên từ năm 2010 và đến thời điểm hiện nay vẫn thu hút nhiều phụ huynh TP Hồ Chí Minh, mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học nào kiểm chứng, đánh giá các thiết bị thông minh trên có tác dụng hiệu quả trong việc ngăn ngừa căn bệnh cận thị vốn đang “bùng nổ” tại các thành phố lớn của nước ta.

Thí điểm trang bị đèn led tại trường học

Mới đây một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đèn LED đã trình UBND TP Hồ Chí Minh đề án đầu tư thay thế toàn bộ đèn led tiết kiệm và chống cận thị cho học sinh trên địa bàn thành phố. Doanh nghiệp sẽ tự bỏ vốn đầu tư ban đầu, sau đó thu lại vốn từ số tiền tiết kiệm điện từ chênh lệch của sử dụng đèn led so với đèn huỳnh quang truyền thống, nếu không có hiệu quả tiết kiệm điện doanh nghiệp cam kết đầu tư miễn phí.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đến ngày 9-8-2016 đã có 7 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đèn led muốn đầu tư theo hình thức trên bắt đầu từ năm học 2016-2017. Các doanh nghiệp cho rằng ánh sáng đèn led giúp học sinh giảm tình trạng mỏi mắt, giảm nguy cơ cận thị. Ngoài ra việc sử dụng đèn led sẽ tiết kiệm từ 35 đến 60% điện năng so với dùng đèn huỳnh quang.

Trước những đề xuất này, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở Giáo dục TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Chưa đánh giá được nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cận thị gia tăng tại TP Hồ Chí Minh. Nếu nói hệ thống chiếu sáng ở các trường học trong thành phố là nguyên nhân ảnh hưởng thì chưa hẳn đúng. Vì tại các vùng nông thôn, trường học còn trang bị thiếu sáng hơn nhưng tỷ lệ trẻ mắc cận thị lại thấp”. Do đó, Sở Giáo dục - Đào tạo sẽ trình UBND thành phố kế hoạch phối hợp cùng Sở Y tế tiến hành một nghiên cứu cụ thể để sớm tìm nguyên nhân gây cận thị và đưa ra các biện pháp giảm thiểu tình trạng cận thị cho học sinh trên địa bàn thành phố.

Cũng bởi chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh việc sử dụng đèn led có thể giảm nguy cơ cận thị cho trẻ em, nên theo cơ quan chức năng, UBND thành phố cân nhắc và cho thí điểm để nghiên cứu. Cụ thể, có thể chọn các trường học xây mới và các trường đã xuống cấp có nguồn ánh sáng thấp cần thay hệ thống đèn chiếu sáng từ huỳnh quang qua công nghệ led để khảo sát và cho thí điểm. Việc lựa chọn đơn vị được đầu tư trang bị chiếu sáng đèn led cho trường học cũng cần được tổ chức đấu thầu công khai. Trong quá trình thực hiện thí điểm UBND thành phố sẽ giao cho Sở Điện lực đánh giá kết quả khách quan, trung thực về tiết kiệm điện năng. Còn tác động đèn led giúp học sinh giảm nguy cơ cận thị sẽ được nghiên cứu thêm.

Tuệ Diễm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/844278/loay-hoay-bao-ve-doi-mat-cho-tre