Loạt bo mạch chủ hỗ trợ nền tảng Skylake so tài

Những bo mạch chủ xứng tầm cho Intel Skylake Đánh giá bo mạch chủ Asus Maximus VIII Ranger hỗ trợ Intel Skylake Đánh giá bo mạch chủ chơi game Asus Z170I Pro Gaming Đánh giá bo mạch chủ MSI Z170A Gaming M7 hỗ trợ Intel Skylake Chi tiết bộ xử lý Intel Skylake trang bị trên Surface Pro 4 và Surface Book

Những bo mạch chủ xứng tầm cho Intel Skylake Đánh giá bo mạch chủ Asus Maximus VIII Ranger hỗ trợ Intel Skylake Đánh giá bo mạch chủ chơi game Asus Z170I Pro Gaming Đánh giá bo mạch chủ MSI Z170A Gaming M7 hỗ trợ Intel Skylake Chi tiết bộ xử lý Intel Skylake trang bị trên Surface Pro 4 và Surface Book

Với hầu hết người dùng hiện nay, có thể nói việc khiến họ phải thay đổi toàn bộ hệ thống máy tính của mình gần như chỉ khi một nền tảng máy tính mới ra đời, mang đến những thay đổi rõ rệt từ hiệu năng hoạt động cho đến mức tiêu hao điện năng thấp, vốn được hình thành từ những công nghệ mới trong thiết kế bo mạch chủ cũng như chipset và bộ xử lý.

Asus Maximus VIII Ranger

Sự xuất hiện của bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 6 (tên mã Intel Skylake), kéo theo đó là hàng loạt các dòng bo mạch chủ sử dụng chipset Intel H170, Intel Z170, Intel B150 rồi đến Intel H110 đã thật sự mang đến sự thay đổi đáng kể cho một hệ thống PC của tương lai.

Bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 6 về cơ bản được sản xuất trên quy trình sản xuất 14nm, nổi bật bởi khả năng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hơn, ít tỏa nhiệt hơn, nhưng vẫn đảm bảo mang đến hiệu suất hoạt động vượt trội. Dòng chipset thế hệ mới từ Intel Z170, Intel H170 đến Intel H110 cũng như Intel B150 bên cạnh việc hỗ trợ bộ nhớ RAM DDR4 với xung hoạt động cao hơn, băng thông giao tiếp giữa CPU và chipset được mở rộng hơn, còn hỗ trợ những chuẩn giao tiếp tốc độ cao như USB 3.1 (băng thông lên đến 10Gb/s) hay SATA Express (băng thông giao tiếp có thể lên đến 32Gb/s).

Không chỉ vậy, những dòng bo mạch chủ (BMC) trang bị chipset thế hệ mới còn được các nhà sản xuất bo mạch chủ trang bị nhiều công nghệ độc quyền, chú trọng hơn vào thiết kế. Tất cả những cải tiến này không chỉ mang đến cho người dùng một bộ móng đẹp ở hình thức, mà còn tiềm ẩn hiệu năng xử lý mạnh hơn.

Bo mạch chủ Asus Z170I Pro Gaming

Những công nghệ hữu dụng và rất riêng

Không chỉ ngoại hình bắt mắt, những mẫu bo mạch chủ hỗ trợ Skylake còn mang trên mình những công nghệ giúp cải thiện hiệu năng cho toàn bộ hệ thống cũng như mang lại những trải nghiệm thú vị cho người dùng như chip TPU giúp điều tiết điện thế cho CPU khi ép xung, bộ khuếch đại âm thanh tích hợp AMP mang đến thế giới âm thanh sống động hay hỗ trợ bộ nhớ DDR4 tốc độ cao. Các bo mạch chủ cao cấp còn được các nhà sản xuất trang bị những công nghệ độc quyền tạo nên lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường PC dù không mấy sôi động như những năm trước đây nhưng cũng không kém phần khóc liệt trong cuộc chiến giành thị phần.

Với MSI, đó chính là bảng mạch OC Dashboard giúp game thủ hay những người yêu thích ép xung có được một giải pháp ép xung đơn giản mà đạt hiệu quả cao nhất. Một tiêu chuẩn đồ bền cao hơn với Military Class 5 khi sử dụng các tụ điện Titanium độ bền cao, công nghệ chế tác Steel Armor áp dụng giao tiếp PCIe giành cho card đồ họa. Cơ chế bảo vệ BIOS đầy tiện dụng với BIOS Flashback giúp người dùng dễ dàng khôi phục lại các thiết lập hay cập nhật BIOS thông qua USB mà không cần phải gắn CPU hay RAM vào bo mạch chủ như trước đây. Đặc biệt hơn hết vẫn là sự hợp tác giữa MSI với SteelSeries, một thương hiệu nổi tiếng trên thị trường gaming gear, giúp cho bo mạch chủ cao cấp của hãng luôn có những hỗ trợ tốt nhất cho game thủ.

Asus cũng chẳng kém cạnh khi trang bị cho bo mạch chủ cao cấp nhất của mình một bảng điều khiển ép xung OC Panell II có giao diện ấn tượng và chuyên nghiệp, kèm với đó là những tính năng độc quyền như cảm ứng dưới 0 độ, dây nóng cho VGA. Hãng còn trang bị thêm bộ ứng dụng 5-way Optimization cho phép người dùng dễ dàng ép xung của mình chỉ bằng một click chuột. Không chỉ dừng lại ở đây, cơ chế Keybot II cũng sẽ cho phép dễ dàng tạo những cụm phím Macro và gán cho những phím chức năng (F1 - F10) để dễ dàng kích hoạt những tính năng mà mình đã thiết lập.

Hay như Gigabyte cũng đã để lại dấu ấn của riêng mình khi là nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới tích hợp chip xử lý âm thanh 4 nhân Creative Sound Core3D lên bo mạch chủ và cũng là nhà sản xuất mang để một giải pháp khép kín trong việc xử lý âm thanh khi sử dụng trọn bộ giải pháp từ phấn cứng đến phần mềm của thương hiệu Creative. Ngoài ra, nhà sản xuất này còn mạ vàng lên từng tiếp điểm của socket CPU giúp tăng tiếp xúc cũng như sự ổn định trong quá trình ép xung. Cùng với đó, Gigabyte cũng đã có những công nghệ riêng để hỗ trợ việc ép xung như IC hỗ trợ ép xung Turbo B-Clock, cơ chế cập nhật BIOS thông qua USB Q-Flash Plus mà không cần phải gắn CPU hay RAM lên bo mạch chủ.

MSI Z170A Gaming M7

Mỗi sản phẩm mỗi vẻ

Hiện tại, bo mạch chủ hỗ trợ bộ xử lý Skylake trên thị trường đã khá đa dạng về thương hiệu. Test Lab cũng đã có dịp được trải nghiệm khá nhiều các bo mạch chủ hỗ trợ bộ xử lý thế hệ mới nhất này của Intel. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất vẫn là bộ tứ bo mạch chủ Asus Maximus VIII Ranger , Asus Z170I Pro Gaming, MSI Z170A Gaming M7 và MSI H170 Gaming M3. Đây hiện được xem là những sản phẩm tốt nhất mà hãng từng giới thiệu trong dòng bo mạch chủ Skylake hướng đến phân khúc người dùng cao cấp cũng như trung cấp.

Về cở bản các mẫu bo mạch chủ Skylake mới này đều sử dụng bảng mạch PCB đen đặc trưng của dòng sản phẩm cao cấp và game thủ. Điểm khác biệt dễ nhận biết nhất là ốp tản nhiệt dành cho cụm tụ nguồn MosFET cũng như dành cho chipset. Riêng phiên bản Z170A Gaming M7 còn được MSI trang bị thêm ốp nhôm ở các cụm cổng giao tiếp vừa giúp ngăn bụi từ bên ngoài vừa giúp làm giảm bớt ảnh hưởng do nhiệt độ thoát ra từ các MosFET.

Bên cạnh những đặc trưng của dòng BMC Skylake như hỗ trợ bộ nhớ DDR4, ổ cứng SSD M.2 thông qua giao tiếp PCIe x1, giao tiếp SATA Express với băng thông lên đến 10Gb/s, giao tiếp USB 3.0 Gen 1 10Gb/s, DAC âm thanh tích hợp, kết nối Gigabit Ethernet với những công nghệ tăng tốc và bảo vệ riêng biệt, các sản phẩm của MSI cũng như Asus đều có những nét đặc trưng riêng của mình.

Với MSI là công nghệ Gaming LAN giúp ổn định và tăng tốc độ truyền tải dữ liệu của đường truyền Internet, khả năng tương thích tốt với các bộ gear game Steel Series, công nghệ chế tác Steel Armor được MSI áp dụng trong việc sản xuất và đóng chân khe PCIe dành cho card đồ họa lên bo mạch Z170A Gaming M7 giúp cho các cổng giao tiếp này cứng cáp và có thể chịu được những card đồ họa nặng ký. Đặc biệt hơn, MSI Z170A Gaming M7 ngoài việc được trang bị thêm một bo mạch OC Dashboard tối ưu cho việc ép xung nhờ trang bị nút ép xung nóng với 6 tùy chọn khác nhau.

Trong khi đó, Asus với công nghệ 5-way Optimization được xem như một cầu nối hoàn hảo giữa phần mềm, phần cứng và phần dẻo - giúp người dùng dễ dàng theo dõi hoạt động của toàn bộ hệ thống, quạt tản nhiệt xuyên suốt quá trình sử dụng. Bo mạch chủ Asus Z170I Pro Gaming không chỉ ấn tượng bởi thiết kế nhỏ gọn mà còn hấp dẫn người dùng khi được tích hợp cả kết nối Wi-Fi 2 băng tần hỗ trợ công nghệ MU-MIMO, giúp máy có thể kết nối với nhiều thiết bị cùng lúc với tốc độ truyền tải nhanh và ổn định.

MSI H170 Gaming M3

Hiệu năng hoạt động ấn tượng

MSI Z170A Gaming M7, MSI H170 Gaming M3 cũng như Asus Maximus VIII Ranger và Z170I Pro Gaming đều được Test Lab thử nghiệm với cấu hình chuẩn gồm bộ xử lý Intel Core i7-6700K, ổ SSD Panram Velocity 240GB, đồ họa rời Palit GeForce GTX-750Ti Storm Dual, nguồn Andyson Titannium N700 700W và Windows 10 Home. Trong bộ 4 sản phẩm thử nghiệm, MSI Z170A Gaming M7 và Asus VIII Ranger trang bị 16GB RAM hoạt động ở chế độ kênh đôi với 4 thanh DDR4 Panram 4GB 2.400Hz. Riêng bộ đôi MSI H170 Gaming M3 và Asus Z170I Pro Gaming được thử nghiệm với 8GB RAM cũng như thử nghiệm hiệu năng của đồ họa tích hợp Intel HD Graphics 530.

Với bộ công cụ đo hiệu năng tổng thể PCMark8, MSI Z170A Gaming M7 đạt 5.199 điểm, cao hơn khá nhiều so vơi số điểm mà Asus Maximus VIII Ranger đạt được với 4.722 điểm. Trong khi đó, bo mạch chủ MSI H170 Gaming M3 và Asus Z170I Pro Gaming được thử nghiệm với 8GB RAM cùng đồ họa tích hợp Intel HD Graphics 530 lần lượt đạt 3.898 điểm và 3.614 điểm, mức chênh lệch đến hơn 20% với với điểm số mà Asus Maximus VIII Ranger đạt được và gần 30% so với kết quả của MSI Z170A Gaming M7. Thực chất đây cũng là điều hiển nhiên bởi không chỉ kém về dung lượng bộ nhớ RAM, cả hai bo mạch chủ MSI H170 Gaming M3 và Asus Z170I Pro Gaming còn thiếu sự trợ giúp từ đồ họa rời Palit GeForce GTX-750Ti Storm Dual.

Sự chênh lệch giữa đồ họa rời và đồ họa tích hợp còn được thể hiện rõ khi chạy thử bộ công cụ CineBench R15 trong phần đánh giá OpenGL. MSI Z170A Gaming M7 vẫn thể hiện ưu thế dẫn đầu khi đạt được 136,39 khung hình/giây, liền sau là bo mạch chủ Asus Maximus VIII Ranger với 125,4 khung hình/giây. Trong khi đó, hai BMC còn lại với đồ họa tích hợp cho kết quả lần lượt là 53,36 khung hình/giây (ASUS Z170I Pro Gaming) và 52,22 khung hình/giây (MSI H170 Gaming M3).

Mặc dù trong phép thử hiệu năng CPU, điểm số 4 bo mạch chủ này chênh lệch không nhiều với cách biệt giữa ngưỡng cao nhất và điểm thấp nhất chỉ 164 điểm. Dẫn đầu vẫn là MSI Z170A Gaming M7 với 921 điểm, tiếp đến là Asus Maximus với 915 điểm, Asus Z170I Pro Gaming với 879 điểm và MSI H170 Gaming M3 đạt 757 điểm.

Có thể nhận thấy rõ một điều là dù chip đồ họa tích hợp mà điển hình ở đây là Intel HD Graphics 530 đã có nhiều cải thiện về hiệu năng hoạt động vẫn đủ “sức” đảm đương các ứng dụng đồ họa phổ biến - nhưng sự chênh lệch giữa đồ họa tích hợp và đồ họa rời vẫn còn khá lớn. Chính vì thế, tùy vào nhu cầu sử dụng mà việc ráp một bộ PC được xây dựng trên một nền tảng hoàn toàn mới với những vi xử lý Intel SkyLake mà có thể linh động trong việc chọn thêm đồ họa rời hoặc không để giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu.

Vì cơ bản, một hệ thống PC với bộ xử lý Intel Core i7-6700K, 8GB RAM DDR4 và sử dụng ổ cứng SSD cũng đã dư sức đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng thường ngày, từ giải trí với phim ảnh độ nét cao, trò chơi thể thao điện tử, cho đến những tác vụ xử lý đồ họa hình ảnh chuyên nghiệp.

PC World VN, 01/2016

Nguồn PC World: http://pcworld.com.vn/articles/preview/2016/05/1246085/loat-bo-mach-chu-ho-tro-nen-tang-skylake-so-tai/