Loạn thu phí giới thiệu việc làm

PN - Chưa biết có tìm được một công việc phù hợp hay không, người lao động khi đến các trung tâm giới thiệu việc làm đã phải chịu những khoản "phí không tên": từ phí giới thiệu, tư vấn đến phí giữ hồ sơ, phí điện thoại, tem thư...

Đến những trung tâm giới thiệu việc làm (TT GTVL) được xem là đáng tin cậy nhất tại TP.HCM như TT Hỗ trợ sinh viên, TT GTVL Thanh Niên... người lao động (NLĐ) đặt rất nhiều hy vọng tìm được việc làm. Nhưng chưa biết có tìm được việc hay không, NLĐ đã phải nộp một khoản "phí không tên". Lời nói... mất tiền mua Ngày 21/7, tôi đến TT GTVL Thanh Niên thuộc Thành Đoàn TP.HCM (4A Phạm Ngọc Thạch, Q.1) tìm việc. Một nhân viên tư vấn đưa tờ phiếu "Đăng ký thông tin tìm việc", bảo điền đầy đủ thông tin cá nhân. Liếc qua bảng đăng ký, anh liền cau mày: "Mới học 12 thì làm được gì hả? Thôi, ra kia coi có việc gì thích hợp thì vào đây đăng ký”. Tôi đăng ký bán hàng thì anh này "hướng dẫn": "Nộp 20.000đ”. Tôi thắc mắc: "Tiền gì vậy anh?", "Phí giới thiệu" - anh cộc lốc và hí hoáy ghi vào thẻ tìm việc. "Liệu có tìm được việc không anh?". Thấy tôi "nhiều lời", anh này tỏ vẻ khó chịu: "Bạn chỉ được gọi khi có công ty nhận hồ sơ”. Tôi vẫn chần chừ chưa chịu nộp tiền, anh này giật lại tấm thẻ xin việc và nói: "Ở đây không lừa ai, đồng ý thì nộp tiền, không thì về". Trung tâm GTVL Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM - nơi miễn phí cho sinh viên tìm việc Tại TT Hỗ trợ sinh viên (SV) thuộc Hội SV Việt Nam TP.HCM (33 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1), mới 9g sáng mà đã có hơn 50 SV chen nhau đăng ký tìm việc. Chờ khoảng 30 phút mới đến lượt, câu đầu tiên tôi được hỏi là: "Tốt nghiệp chưa?". Sau này tôi mới biết, SV chưa ra trường thì nộp 15.000đ, đã tốt nghiệp nộp 25.000đ. Văn phòng Tư vấn việc làm Thanh Niên, Hội LHTN VN (145 Pasteur, P.6, Q.3, TP.HCM) thì có hẳn quy định mức thu và hoàn trả lệ phí đối với NLĐ. Theo đó, phiếu đăng ký tìm việc là 5.000đ/lần, thời hạn sáu tháng; phí GTVL dành cho SV có thu nhập từ 50.000đ/ngày trở xuống là 20.000đ, trên 50.000đ/ngày là 30.000đ/lần; lao động có thu nhập từ 800.000đ - 1.500.000đ/tháng sẽ phải nộp 30.000đ - 60.000đ. Tất cả các khoản phí trên đều không được hoàn lại. TT Hỗ trợ phát triển kinh tế và cung ứng lao động Q.5 (462 - 464 An Dương Vương, P.4, Q.5, TP.HCM), thì thu 30.000đ phí GTVL, có thời hạn ba tháng. TT GTVL KCX - KCN TP.HCM (35 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) thu phí 20.000đ; bán bản khai xin làm việc là 7.000đ (gồm hai tờ giấy). NLĐ phỏng vấn đạt mà muốn đổi công ty khác, lại phải nộp phí. Ngay cả TT GTVL Votec thuộc LĐLĐ TP.HCM (CT 29 - 30 Tam Đảo, Q.10, TP.HCM) thu phí "rẻ” nhất thì cũng 5.000đ. Mới đây, TT Hỗ trợ SV tổ chức buổi phỏng vấn thử tại Nhà Văn hóa SV TP.HCM với hơn 200 bạn trẻ tham gia. Tuy nhiên, muốn được "thử" cũng phải đóng 10.000đ. Hỏi ban tổ chức thì được trả lời: Đó là tiền... âm thanh, ánh sáng. "Sống chết mặc bây" Các TT GTVL còn "bát nháo" trong việc thu phí nhà tuyển dụng. Đơn cử như TT Hỗ trợ phát triển kinh tế và cung ứng lao động Q.5 thu phí 100.000 đ/người khi cung ứng cho doanh nghiệp; TT GTVL Thanh Niên thu 8% tháng lương đầu/người. Cách thu phí "hai đầu" này đã đem lại cho các TT GTVL một khoản tiền không nhỏ. Nếu chỉ tính riêng việc thu phí NLĐ thì thử làm một phép tính nhỏ: mỗi ngày nếu có 50 người tìm được việc ở TT Hỗ trợ SV thì TT này thu được từ 750.000đ - 1.150.000đ. Trong khi đó, chỉ riêng dịp hè, TT Hỗ trợ SV, TT GTVL Thanh Niên có trung bình khoảng 200 người đến tìm việc/ngày. Chưa kể, TT còn thu phí từ nhà tuyển dụng. Thu tiền như thế nhưng các TT GTVL lại làm việc theo kiểu "sống chết mặc bây". TT không tìm hiểu trực tiếp các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, mà thường là chỉ ngồi tại chỗ tiếp nhận thông tin qua điện thoại hoặc fax rồi đăng thông báo. Tại TT GTVL Thanh Niên, TT Hỗ trợ SV... NLĐ phải ghi thật nhiều mã số việc làm ra giấy, khi đến bàn đăng ký mới biết các đầu việc đó còn hay không. Các TT GTVL đều "hứa hẹn": "Nếu lao động không được tuyển sẽ được giới thiệu việc khác, nhưng phải có chữ ký xác nhận của nơi đó”. Nhưng thực tế đâu dễ dàng như vậy. Bạn Trần Thị Anh (SV ĐH KHXH&NV TP.HCM) bức xúc: "Có những nơi khi đến mới biết việc làm không giống như thông báo. Có những nơi địa chỉ không rõ ràng, tìm không ra làm sao có chữ ký xác nhận". Chính vì vậy, NLĐ nản nên... bỏ ngang. Vậy là mất tiền, muốn đăng ký thì lại tiếp tục nộp tiền. Sai quy định Trao đổi với chúng tôi về việc thu phí NLĐ, ông Nguyễn Văn Sang - Phó GĐ TT GTVL Thanh Niên cho biết: "20.000đ là phí thông tin liên lạc". Bà Lê Thị Ngọc Liên - Phó GĐ TT GTVL KCX - KCN TP.HCM thì nói: "Đây là phí tem thư, điện thoại, có đáng bao nhiêu, mục đích là phục vụ NLĐ thôi mà”. Trong khi, theo Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính - Bộ LĐ-TB-XH (số 95/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH, ngày 7/8/2007) quy định: "Các TT GTVL không được phép thu của NLĐ các khoản: tư vấn; giới thiệu việc làm; cung ứng lao động và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động". TP.HCM hiện có 40 TT GTVL được cấp phép, trong đó có 10 TT GTVL trực thuộc các đơn vị Nhà nước. Nhưng khi chúng tôi khảo sát tại tám TT (trực thuộc cơ quan Nhà nước), thì chỉ có TT GTVL TP (Sở LĐ-TB-XH) và TT GTVL SV-HS (ĐH Kinh tế TP.HCM) thực hiện đúng tinh thần Thông tư trên. Ông Lê Thành Tâm - GĐ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết: Các TT GTVL lấy lý do thu phí NLĐ để lưu giữ hồ sơ, phí điện thoại, tem thư... là không đúng. Theo quy định, mức phạt hành chính đối với các TT vi phạm từ 15 - 20 triệu đồng. "Trong thời gian tới, Thanh tra Sở sẽ tiến hành kiểm tra để sớm chấn chỉnh tình trạng thu phí tùy tiện" - ông Tâm nói. Xuân Lộc

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/vieclam/2009/Pages/Loan-thu-phi-gioi-thieu-viec-lam.aspx