Loại cầu thủ đá xấu

Đội tuyển U-19 Việt Nam vừa gút danh sách 22 cầu thủ sẽ lên đường tập huấn châu Âu và Nhật Bản mà không có tên hậu vệ Hoàng Văn Khánh…

Sau trận U-19 Việt Nam thua khách U-19 Tottenham 2-3, bầu Đức đã nhanh nhảu xuống sân thăm hỏi cầu thủ Oduwa bị gãy chân, phải chống nạng. Cầu thủ trẻ mặc chiếc áo đỏ của một CĐV Việt Nam tặng đứng giữa sân với gương mặt buồn rầu. Anh gặp nạn ở một tình huống hậu vệ Hoàng Văn Khánh truy cản từ phía sau trong vòng cấm khiến chủ nhà bị quả phạt đền…

Không rõ bầu Đức đã nói gì với Oduwa nhưng sau đó ông bày tỏ một thái độ giận dữ rồi phân bua: “Cầu thủ đó không phải của Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG”.

Chắc hẳn Hoàng Văn Khánh sẽ rất buồn khi không có tên ở đội tuyển U-19 Việt Nam bởi rất khó cho các cầu thủ ở “lò” bóng đá khác chen chân với những cầu thủ do HLV Guillaume dạy dỗ từ nhỏ. Nếu như một cầu thủ khác của HA Gia Lai - Arsenal JMG là Tiến Hoài cũng không có tên do chấn thương thì việc loại Văn Khánh của SL Nghệ An chắc chắn không vì lý do chuyên môn thì bởi yếu tố đạo đức.

Tiền đạo Oduwa của U-19 Tottenham bị gãy chân, phải chống nạng do cú vào bóng của Văn Khánh (ảnh trái). Ảnh: ANH ĐỒNG

Rõ ràng đây là một cái giá phải trả quá đắt của một cầu thủ trẻ với một lỗi hành vi chưa từng thấy trong đội hình U-19 Việt Nam từng đá các giải Đông Nam Á, châu Á và vừa được vinh danh Fair Play 2013.

Quanh việc loại cầu thủ đá xấu trong một tích tắc làm gãy chân đồng nghiệp cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Dư luận kịch liệt lên án hành động chơi xấu làm tổn hại sức khỏe cầu thủ đội bạn nhưng vẫn nói lại về cách chơi của đội tuyển U-19 Việt Nam cần có những chiêu trò và thậm chí là tiểu xảo trong bóng đá. Người ta phân tích ở một cuộc đua trên sân cỏ không chỉ cứ “một màu” ngoan ngoãn và ngây thơ mà khi cần thiết phải gia tăng mức độ láu lỉnh nhằm chiếm ưu thế. Có thể thấy rất rõ ở hàng phòng ngự U-19 Việt Nam nhiều khi “hiền” quá nên không làm cho các tiền đạo đối phương “sợ” hoặc sự ngại ngần va chạm là thiếu quyết liệt khi đặt vào tình huống có thể gây nguy hiểm cho cầu môn. Nói như HLV Lê Thụy Hải khi xem U-19 Việt Nam là: “Đá đẹp mà không thắng thì cũng vứt!”.

Tuy nhiên, phần lớn ý kiến không đồng tình với cái cách dạy cho cầu thủ làm trò và đối phó, đặc biệt là lứa trẻ dễ dẫn đến thói quen xấu cho đến tuổi trưởng thành. Cái ranh giới giữa tiểu xảo chấp nhận được trong bóng đá với hành vi bạo lực rất mong manh và chỉ với một khoảnh khắc ở tình huống cụ thể sẽ rất khó cho cầu thủ phân định rạch ròi.

Vấn đề của người yêu bóng đá đẹp đang dành sự yêu mến cho các cầu thủ U-19 Việt Nam phần lớn thuộc Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG mới biết mang giày móng đá bóng là cách thể hiện rất ngoan từ đôi chân đến cái đầu. Đấy là điều hiếm thấy ở làng bóng Việt Nam bởi sự thiếu đồng bộ trong việc ươm mầm cầu thủ trẻ và thường chăm chút cho khả năng chuyên môn hơn là dạy cách ứng xử fair play.Chợt nhớ đến chia sẻ của HLV Guillaume khi đưa học trò đến nhận giải nhất Fair Play do báo Pháp Luật TP.HCM vừa tổ chức: “Nếu dạy cầu thủ đá xấu, chúng tôi đã không thể nhận giải thưởng này”.

CÔNG TUẤN

Bầu Đức từng cấm học viện thi đấu với cầu thủ “lò” SL Nghệ An

Năm ngoái, đội U-19 SL Nghệ An có một trận đấu giao hữu với thầy trò Guillaume trên sân Pleiku. Nghe kể các cầu thủ của mình bị đối phương đá rắn, nhiều lần phải nằm sân và rời sân bằng cáng, bầu Đức “xót của” đã giận dữ mắng thuộc cấp rồi cấm tiệt cầu thủ Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG có thêm một trận đấu nào khác tương tự.

Nguồn PLO: http://plo.vn/the-thao/loai-cau-thu-da-xau-445163.html