Loại bỏ “hung thần”

Sau vụ tài xế xe buýt nhảy xuống đường cãi nhau rồi đâm người đi xe máy hôm 27-10, xuất hiện thêm hình ảnh tài xế xe buýt của TP HCM vừa chạy xe vừa buông vô-lăng “tám chuyện” qua điện thoại vào ngày 25-10 do một hành khách quay lại.

Những chuyện buồn về các bác tài xe buýt tại TP HCM nối tiếp khi vào ngày 31-10, trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), xe buýt cán chết một phụ nữ bán hàng rong. Trước đó, ngày 19-10, trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), xe buýt cán chết người phụ nữ đi xe máy…

Chưa nói đến những tai nạn do xe buýt gây ra trước đây, chỉ riêng tháng 10-2016 đã xảy ra những chuyện đau lòng như vậy, cho thấy cần báo động trở lại về thái độ lao động, hành vi ứng xử của nhiều tài xế xe buýt, khi mà mỗi ngày họ đưa đón hàng vạn người dân thành phố.

Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM, từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm, ngân sách TP phải chi hơn 1.100 tỉ đồng trợ giá xe buýt. Thế nhưng, lượng hành khách năm 2016 ước giảm khoảng 11% so với năm 2015, trong đó có nguyên nhân chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ không tốt của nhân viên, tài xế… Ai cũng biết xe buýt rất tiện lợi, là phương tiện chủ lực để phát triển giao thông công cộng nhưng thật nghịch lý khi được nhiều ưu đãi song lại cùng với xe tải, xe container trở thành những “hung thần đường phố”, thành nỗi ám ảnh của người dân khi đi lại trên đường. Theo khảo sát mới đây của Báo Tuổi Trẻ về nhận diện “hung thần đường phố”, xe buýt hay hú còi, giành đường, chèn ép các xe nhỏ hơn đã đứng đầu bảng với 91,3% lựa chọn.

Rõ ràng, không thể xem đây là chuyện nhỏ, bởi không thể giao sinh mạng hành khách trên xe và người tham gia giao thông dưới đường cho những người không đủ năng lực hành nghề và nóng nảy trong ứng xử, xem thường an toàn cộng đồng. Xã hội và nghề nghiệp có những nguyên tắc mang tính yêu cầu tối thượng, đòi hỏi cao về người và nghề. Một bác sĩ tắc trách, gây tổn hại sức khỏe và sinh mạng thường chỉ 1 người nhưng tài xế xe buýt chạy ẩu, gây ra tổn hại sinh mạng nhiều hơn.

Sau các vụ tai nạn, tài xế thường đổ lỗi do áp lực thời gian, phải “đua” để bảo đảm đủ giờ. Đây là ngụy biện khó chấp nhận bởi còn những nghề khác áp lực hơn nhiều mà người hành nghề vẫn chu toàn. Về góc độ quản lý nhà nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông Vận tải sẽ không để cho chủ xe, đơn vị quản lý tài xế áp dụng quy chế hà khắc, vi phạm pháp luật lao động. Phân tích hành vi, đó là coi thường luật giao thông khi chạy lấn tuyến, quá tốc độ; là thiếu đạo đức, lương tâm vì chỉ muốn được việc mình mà chạy ẩu gây tai nạn chết người. Khi cố ý vi phạm pháp luật và gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng thì mọi biện bạch đều khó được đồng tình.

Qua những việc này, người dân mong muốn sàng lọc lại đội ngũ, loại bỏ tài xế kém đạo đức. Muốn xe buýt thân thiện, an toàn, người dân hài lòng thì phải chấm dứt những hành vi phản cảm, phải có đội ngũ tài xế giỏi nghề, đạo đức tốt.

HIỀN MINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/loai-bo-hung-than-20161104230847954.htm