Loại bỏ asen vô cơ trong nguồn nước sinh hoạt

Asen tồn tại trong nước nguồn ở hai dạng là As3+ và As 5+ nhưng ảnh hưởng lớn nhất tới con người là As3+...

* Xin hỏi asen là chất gì? Tại sao asen vô cơ rất độc mà asen hữu cơ trong nước mắm lại vô hại? Làm sao loại bỏ được asen vô cơ trong nguồn nước sinh hoạt?

Bạn Vũ Kim Thoa (huyện Thái Thụy, Thái Bình)

Asen là một nguyên tố hóa học có ký hiệu As. Asen là một á kim gây ngộ độc khét tiếng và có nhiều dạng thù hình: màu vàng (phân tử phi kim) và một vài dạng màu đen và xám (á kim) chỉ là số ít mà người ta có thể nhìn thấy.

Người ta chia các hợp chất có chứa asen thành 2 nhóm gồm:

Asen hữu cơ: phần lớn nằm trong thực vật và mô thịt động vật. Đây là dạng asen vô hại đối với con người.

Asen vô cơ: có thể nằm trong đất đá hoặc dưới dạng hòa tan vào nước. Đây chính là dạng asen có độc tính cao, chủ yếu xuất phát từ quá trình sản xuất công nghiệp.

Nói nước nhiễm nhiều asen là từ rất nhiều nguyên nhân nhưng sau đây là những nguyên nhân chính: Nước chảy qua các địa tầng có chứa nhiều asen; sự suy thoái của nước ngầm làm cho các tầng khoáng chứa asen bị phong hóa và chuyển những asen khó tan thành dạng có thể tan trong nước; các nguồn nước có thuốc trừ sâu chứa asen được sử dụng trong nông nghiệp và nước thải của các nhà máy có chứa hóa chất asen thải ra môi trường và ngấm xuống nguồn nước ngầm.

Asen tồn tại trong nước nguồn ở hai dạng là As3+ và As 5+ nhưng ảnh hưởng lớn nhất tới con người là As3+.

Cách xử lý nước bằng công nghệ xử lý bằng dàn mưa:

- Nước nguồn hay nước giếng khoan thường tồn tại dưới dạng Fe2+ và Mn2+. Sau khi gặp oxy nước ngầm sẽ chuyển đổi thành Fe3 và Mn4+ cùng lúc quá trình oxy hóa xảy ra thì việc tiếp xúc với oxy sẽ làm giảm một phần asen có trong nước nguồn.

- Nếu có điều kiện nên làm dàn mưa thành nhiều tầng để tăng quá trình oxy hóa.

- Dàn mưa được làm bằng ống nhựa đục các lỗ khoan nhỏ, tốt nhất nên đục lỗ khoan 1 hoặc 2mm, không nên đục lỗ to sẽ không tốt cho quá trình oxy hóa.

- Biện pháp oxy hóa trên chỉ có thể làm giảm một lượng nhỏ asen chứ không xử lý được triệt để nhưng đó là khâu rất quan trọng trong quá trình xử lý nước nhiễm asen.

Cách xử lý nước nhiễm asen bằng bể lắng (phơi nước):

- Đây là phương pháp xử lý asen mà dân gian thường sử dụng. Cách phơi nước hay gọi là lắng cũng gần giống với cách làm dàn mưa chỉ khác nhau là nước được lắng tĩnh rồi tự chảy vào bể sử dụng. Dùng ánh nắng mặt trời và oxy để lắng và loại bỏ asen khỏi nước nguồn.

- Phương pháp này giống dàn mưa xử lý asen không được hiệu quá.

Cách xử lý bằng bể lọc cát và dùng vật liệu lọc tổng hợp xử lý asen:

Bể lọc tốt nhất nên chia làm hai ngăn, một ngăn làm bể lắng và một ngăn làm bể lọc (lưu ý bể lắng phải cao hơn bể lọc để nước có thể tự chảy qua). Cách bố trí vật liệu lọc trong bể lọc thủ công: Dưới cùng dùng một lớp sỏi dày khoảng 10cm. Lớp II: dùng cát vàng hạt to đổ dày khoảng 30cm. Lớp III: Than hoạt tính 10cm. Lớp IV: vật liệu lọc tổng hợp 10cm (hàm lượng mangan chiếm 40%). Lớp V: cát vàng hoặc cát đen hạt nhỏ 10 - 15cm.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/loai-bo-asen-vo-co-trong-nguon-nuoc-sinh-hoat-post179321.html