Lỗ và nợ tại SBS

Theo báo cáo kiểm toán 2012 của CTCK Sài Gòn Thương tín (Sacombank SBS), tỉ lệ vốn khả dụng của SBS tại thời điểm cuối năm 2012 đã dương trở lại (0,57%), so với con số này hồi giữa năm 2012 là -17%. Dù vậy, tỉ lệ này vẫn không đáp ứng được quy định của UBCK về an toàn tài chính.

Đơn vị kiểm toán BCTC 2012 của SBS là Ernst & Young VN dù không đưa ra ý kiến ngoại trừ, nhưng cũng đã đưa ra ba lưu ý. Ernst & Young VN cho biết, tại ngày 31.12.2012, vốn chủ sở hữu của SBS vẫn âm 251 tỉ đồng, do Cty phát sinh lỗ lũy kế 1.768 tỉ đồng. Kiểm toán cũng lưu ý Cty chưa thanh toán cho trái chủ khoản nợ gốc đã quá hạn trị giá 130 tỉ đồng, khoản phải trả 59 tỉ đồng liên quan tới các hợp đồng mua CP chưa niêm yết, khoản phải trả môi giới CK 70 tỉ đồng đã quá hạn thanh toán…. Điều này gây ra mối nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của SBS trong tương lai gần.

Trong báo cáo của SBS, LNST của Cty cả năm 2012 chỉ còn âm 137,6 tỉ đồng, giảm lỗ tới 91,6% so với con số của năm 2011 là 1.652,3 tỉ đồng. SBS đã có bản giải trình đối với BCTC. Trong bản giải trình này, Cty cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô không tốt, TTCK phán ảnh tiêu cực, giá CP giảm mạnh, thanh khoản sụt giảm, vì vậy đã ảnh hưởng tới doanh thu hoạt động môi giới và hoạt động tại sở giao dịch sụt giảm.

Bên cạnh đó, trước tình hình thua lỗ, Cty đã chủ động thu gọn bộ máy hoạt động và chỉ còn giữ lại một chi nhánh Hà Nội và định biên nhân sự từ 211 nhân viên xuống còn 123 nhân viên để giảm chi phí quản lý. Đối với việc ngừng hoạt động đầu tư, SBS cho rằng, việc này cũng tác động làm giảm doanh thu về hoạt động đầu tư. Nhưng quyết định này giúp Cty giảm chi phí hoạt động kinh doanh, do không phải trích lập dự phòng cho hoạt động này. Bởi nếu không, có thể số thua lỗ của SBS còn cao hơn nhiều. Do đó, đây là một trong số những nhân tố chính giúp LNST của Cty giảm lỗ một cách ấn tượng.

Đáng chú ý trong mục lưu ý số 2, kiểm toán cho biết, trong danh mục đầu tư CK tại ngày 31.12.2011, Cty đã nắm giữ 12.266.357 CP SBS trị giá 301 tỉ đồng. Đây chỉ là một trong số các khoản đầu tư tài chính bị giảm giá được liệt kê. Các Cty đã niêm yết được SBS đầu tư có thể kể đến như CTCP địa ốc Sài Gòn Thương tín (với 167,5 tỉ đồng), CTCP SPM (với 75,1 tỉ đồng), CTCP vận tải biển VN (81,9 tỉ đồng), NH Ngoại thương Lào (31 tỉ đồng). Bên cạnh đó còn các mã niêm yết khác với giá trị đầu tư lên tới 97,9 tỉ đồng. Ngoài ra, SBS còn đầu tư vào các mã chưa niêm yết và hai chứng chỉ quỹ là Quỹ đầu tư CK y tế Bản Việt và Quỹ đầu tư tăng trưởng VN (VF2). Tổng cộng các khoản đầu tư tài chính bị giảm giá của SBS là 1.064,8 tỉ đồng.

Nếu xem xét kỹ các mục đầu tư trên của SBS thì thấy có dấu hiệu lòng vòng trong hoạt động đầu tư của Cty này vì thực chất Cty đã mua CP của chính mình với giá trị đầu tư vào CP SBS lên tới 301 tỉ đồng. Tuy nhiên, các CP này được Cty mua gián tiếp thông qua vốn ủy thác cho một số đối tác khác để thực hiện kinh doanh CK. Chính vì thế, theo ý kiến của ban TGĐ SBS, đối với CP SBS mà Cty đầu tư thì Cty đã không phân loại các CP này là CP quỹ trên các BCTC tại ngày 31.12.2011, vì cho rằng các CP này được mua gián tiếp và đã được thanh lý toàn bộ trong tháng 3.2012. Đến ngày 31.12.2012, Cty không còn nắm giữ bất kỳ CP SBS nào.

Dù việc đầu tư của SBS được ủy thác như thế nào, nhưng kết quả đã rõ và với tình trạng này, theo khuyến cáo của CTCK APEC thì những thông tin mới đưa ra về kết quả kinh doanh trên cho thấy có thể còn nhiều CTCK và NH đưa ra kết quả kinh doanh quý IV và năm 2012 không khả quan. “NĐT cần lưu ý để có quyết định đầu tư phù hợp” - APEC khuyến nghị.

Trong định hướng hoạt động của năm 2013, SBS cho biết sẽ tiếp tục trình ĐHCĐ đề án tái cấu trúc toàn diện bao gồm tái cấu trúc nguồn vốn tự có, tái cấu trúc về cơ cấu tổ chức và tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Được biết, đề án này đã được trình ĐHCĐ bất thường trong năm 2012 và đã không được thông qua.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-doanh/lo-va-no-tai-sbs/102898.bld