Lo tiền đóng học cho con

Cứ dịp tựu trường, phần lớn phụ huynh học sinh lại nơm nớp lo về những khoản tiền phải đóng góp đầu năm. Từ tiền xây dựng (hoặc sửa chữa) trường lớp, đến tiền ghế ngồi, tiền quỹ hội phụ huynh, tiền khuyến học, tiền nước uống, tiền vệ sinh, khoản đóng góp cố định, khoản không cố định...

Thậm chí có trường còn gửi “thư ngỏ” kêu gọi sự tự nguyện của phụ huynh… Dù là khoản nào đi chăng nữa, bắt buộc hay không bắt buộc, các bậc phụ huynh cũng phải răm rắp làm theo hoặc bị tạo sức ép buộc phải chấp hành.

Những khoản thu vô hình, thiếu minh bạch đè nặng lên vai các bậc cha mẹ ngày đầu năm học. Đáng buồn hơn, tình trạng lạm thu trường học đang trở thành vật cản lớn trong tiến trình đổi mới giáo dục, làm chệch đường ray đổi mới nền giáo dục nước nhà chỉ vì những lợi ích vật chất trước mắt.

Vẫn biết, ngành giáo dục đào tạo và nhiều địa phương đã nỗ lực, quyết tâm chống lạm thu trường học bằng việc ban hành văn bản hướng dẫn các hoạt động thu chi đầu năm, trong đó nghiêm cấm các khoản thu trái quy định, nhưng thực tế việc chống lạm thu tiền trường ít phát huy tác dụng. Nhìn danh sách liệt kê các khoản tiền phải đóng cho con, không ít phụ huynh có tâm trạng bức bối, nhưng chẳng biết phải làm thế nào, không đóng thì sợ con mình bị trù dập, mà đóng thì ấm ức. Lý do được nhiều trường đưa ra là kinh phí được cấp hạn hẹp, việc vận động phụ huynh đóng góp cũng nhằm tạo điều kiện cho con em mình có điều kiện học tập tốt hơn.

Có điểm giống nhau, phần lớn các trường đều thu một khoản gọi là tiền “xây dựng trường”, hay tiền sửa chữa, bảo dưỡng trường lớp với khoản đóng góp không nhỏ. Khi khoản thu này bị phản ứng thì nhanh chóng được chuyển thành khoản thu “xã hội hóa”. “Xã hội hóa” cho quỹ nhà trường đã đành, còn có cả khoản “xã hội hóa” riêng của lớp nữa. Có trường còn hợp thức hóa một số khoản thu bằng cách ra chủ trương để hội cha mẹ học sinh bàn thảo, tạo ra một quỹ để phục vụ cho việc mua sắm đèn, quạt, điều hòa, máy chiếu, máy tính và một số trang thiết bị khác. Chưa hết, có trường thu thêm tiền quét lớp, tiền an ninh, tiền trông xe, tiền phụ huynh đóng góp khi đưa đón con.

Các khoản này nghe có vẻ là tự nguyện, nhưng với nhiều gia đình khó khăn thì đó là gánh nặng. Có nhiều gia đình ở một trường mầm non phải nghiến răng đóng cho con khoản tiền không nhỏ để mua điều hòa nhiệt độ kèm theo một khoản phí hằng tháng để vận hành nó vào mùa hè! Tiếng là các khoản thu tự nguyện, nhưng nếu không đóng hoặc có ý kiến thì lại sợ ảnh hưởng đến việc học tập của con mình, nên phần lớn phụ huynh đành ngậm bồ hòn, đóng cho xong chuyện.

Đa số hiệu trưởng các trường đều cho rằng, việc tăng các khoản phí đầu năm học là để sắm sửa trang thiết bị, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Những khoản thu tự nguyện là do ban đại diện phụ huynh học sinh đưa ra và được sự đồng thuận của tất cả phụ huynh, nhà trường không đứng ra thu những khoản này. Có trường còn lách luật (Luật Giáo dục quy định học sinh chỉ phải đóng học phí, ngoài ra không phải đóng góp thêm bất cứ khoản nào) kêu gọi phụ huynh đóng góp thông qua các khoản “tài trợ”. Phần lớn việc chi những khoản tiền này đều do ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện và những người này vẫn phụ thuộc vào nhà trường, không có chính kiến riêng, ít người dám đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của học sinh. Thực tế, không ít hội cha mẹ học sinh dù biết đó là khoản thu phi lý, nhưng vẫn tiếp tay cho nhà trường bằng việc đứng ra thu. Nên khi phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng muốn xử lý cũng không thể có bằng chứng.

Xem ra, việc giải quyết tận gốc tình trạng lạm thu dịp đầu năm học vẫn là vấn đề nan giải. Nếu tình trạng này tiếp tục bị né tránh, không được ngăn chặn triệt để, nguy cơ lâu dài sẽ làm nền giáo dục nước nhà phát triển chệch hướng. Còn trước mắt, gây khó khăn chồng chất cho các gia đình công chức nghèo có con đang theo học ở nhiều cấp học.

Yến Nhi

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/goc-nhin/lo-tien-dong-hoc-cho-con-20160928220644598.htm