Lo sợ Mỹ - Trung chiến tranh thương mại, các tập đoàn lớn của nền kinh tế này đang tìm về Đông Nam Á

Kể từ khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, căng thẳng kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một dâng cao khi ông chủ mới của Nhà Trắng cáo buộc cường quốc Châu Á đánh cắp việc làm của người dân Mỹ.

Tuy nhiên, có một điều thú vị là không phải người dân Mỹ hay Trung Quốc mới là những người lo lắng nhất cho cuộc chiến thương mại tiềm tàng này, thay vào đó Đài Loan mới là nền kinh tế đang đứng ngồi không yên trước cuộc xung đột trên.

Nền kinh tế Đài Loan đang phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu đầu tư thương mại giữa 2 nước Mỹ-Trung và bất kỳ một cuộc chiến thương mại nào xảy ra giữa 2 nước cũng khiến cả thị trường Đài Loan chao đảo.

Nguy cơ của một cuộc chiến thương mại này là hoàn toàn có thật khi Tổng thống Trump đã liên tục chỉ trích Trung Quốc là nguyên nhân khiến người lao động Mỹ mất việc cũng như cáo buộc nước này thao túng thị trường tiền tệ để cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều chuyên gia thậm chí đã lo ngại vị tân tổng thống sẽ phá vỡ chính sách “Một Trung Quốc thống nhất” đã tồn tại nhiều năm, qua đó bắt đầu cho một cuộc xung đột toàn diện.

May mắn thay, Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình và cam kết tôn trọng chính sách này của Trung Quốc.

Trong khi mối quan hệ Mỹ-Trung đang trở nên bất ổn thì nhiều tập đoàn lớn của Đài Loan đã xem xét tái định vị một số khâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.

Tập đoàn Foxconn, chuyên cung ứng cho Apple và có nhiều nhà máy ở Trung Quốc đại lục đã tuyên bố đầu tư 7 tỷ USD để xây dựng nhà máy tại bang Pennsylvania nhằm hưởng ứng lời kêu gọi đưa việc làm trở lại Mỹ của Tổng thống Trump. Công ty này cũng cho biết có thể mở rộng công suất nhà máy ở Mỹ từ 3-5 lần nếu cần thiết.

Trong khi đó, các công ty dệt may và da giày của Đài Loan đang chuyển dần nhà máy sang các nước Đông Nam Á khác như Việt Nam, Bangladesh.

Rõ ràng, những biến động về chính trị giữa 2 nước Mỹ-Trung đang khiến chính quyền Đài Loan lo lắng. Số liệu chính thức cho thấy xuất khẩu chiếm tới 62% trong số 550 tỷ USD GDP năm 2016 của Đài Loan. Riêng Trung Quốc đại lục là đối tác thương mại lớn nhất của nền kinh tế này với 74 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thị trường Mỹ đứng thứ 3 với 12%.

Mối quan hệ Mỹ-Đài Loan cũng vô cùng khăng khít khi nền kinh tế Châu Á này nhiều năm được hưởng lợi từ thặng dư thương mại với Mỹ. Số liệu phía Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại với Đài Loan năm 2016 của nước này đạt tới 13 tỷ USD.

Trong khi đó, hàng loạt các tập đoàn đa quốc gia như Microsoft, Dupont hay IBM có nhà máy, trung tâm nghiên cứu cũng như những dự án đầu tư vào thị trường Đài Loan. Gần đây nhất, nhà sản xuất kính Corning đã đầu tư hàng tỷ USD vào 2 nhà máy lớn nhất thế giới của hãng tại Đài Loan.

Cố gắng tìm đường thoát thân

Theo Viện SOAS của trường đại học London, việc nền kinh tế Đài Loan phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác thương mại Mỹ, Trung khiến thị trường này nằm ở thế bị động, nhất là khi nhiều chuỗi cung ứng của Đài Loan chủ yếu phục vụ cho 2 quốc gia trên.

Nhận thức được nguy cơ trên, Đài Loan đã cố gắng tái cơ cấu lại nền kinh tế nhưng vấp phải khá nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế Đài Loan đã chậm lại khoảng 1%/năm trong những năm gần đây. Xuất khẩu thì giảm 13% so với mức đỉnh năm 2014.

Chính quyền Đài Loan từng kỳ vọng Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là động lực mới thúc đẩy thương mại và đây là lý do chính khiến các công ty Đài loan chuyển nhà máy sang những nước thành viên như Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại ký án tử cho TPP ngay ngày đầu nhận chức, qua đó chấm dứt hy vọng của Đài Loan.

Về phía Trung Quốc đại lục, việc chính quyền Bắc Kinh không hài lòng với những nhà lãnh đạo mới của Đài Loan đang khiến tình hình căng thẳng hơn. Số du khách Trung Quốc đại lục sang Đài Loan đã giảm nhiều kể từ khi nhà lãnh đạo mới, bà Thái Anh Văn lên nắm quyền. Chính quyền Bắc Kinh cũng khuyến khích người tiêu dùng nước này sử dụng các sản phẩm bán dẫn nội địa thay vì của nước ngoài khi mặt hàng này vốn là thế mạnh của Đài Loan.

Trước động thái này, bà Thái Anh Văn cũng tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á nhằm làm giảm sự phụ thuộc kinh tế với Trung Quốc đại lục, đồng thời hướng nền kinh tế phát triển trở thành một khu vực công nghệ cao ở Châu Á.

Băng Tâm

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/lo-so-my-trung-chien-tranh-thuong-mai-cac-tap-doan-lon-cua-nen-kinh-te-nay-dang-tim-ve-dong-nam-a-2500457.html