Lo nước sạch cho người dân Ia Pa

Dân gian có câu 'thóc ở đâu - bồ câu ở đó', thế nhưng ở huyện Ia Pa (Gia Lai) lại khác, 'có thóc' nhưng lại không có...'bồ câu'. Điều này đã khẳng định, Ia Pa vẫn còn rất nhiều khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn, nhất là ở Khu trung tâm hành chính của huyện.

Thị trấn... “chết”

Huyện Ia Pa được thành lập từ năm 2002 trên cơ sở sát nhập từ 9 xã của 2 huyện trước đây là Konchoro và thị xã Ayunpa, với dân số 54.500 người; trong đó có đến 72% số dân là người dân tộc thiểu số J'rai và Bahnar. Khu trung tâm hành chính của huyện lỵ được quy hoạch giữa 2 xã Kim Tân và A Ma Rơn với tổng diện tích 1.578 ha. Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết: Đây là "điểm đẹp" bởi vị trí nằm ngay trung tâm của các xã rất thuận lợi về nhiều mặt, hơn nữa có thêm một phần về yếu tố "thiên thời, địa lợi".

Người dân phải đi lấy từng can nước từ sông Ba về dùng.

Theo quy hoạch, sau khi hình thành huyện mới thì tại khu trung tâm huyện lỵ sẽ thành lập thị trấn Ia Pa có dân số từ 4.000 - 6.000 hộ với khoảng 20.000 nhân khẩu. Nhưng sau gần 15 năm hình thành cũng mới chỉ có khoảng 1.000 hộ với khoảng 5.000 nhân khẩu. Mặc dù huyện đã hình thành một số khu dân cư gắn liền với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng "điện - đường - trường - trạm", đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để "thu hút" người dân ở các nơi đến lập nghiệp và phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, nhưng chẳng thấy bóng dáng của người dân. Số lượng dân còn quá ít - một trong những tiêu chí quan trọng không đạt nên từ nhiều năm nay tại khu trung tâm huyện chưa thành lập được thị trấn. Nhiều người còn cho rằng, đây là một thị trấn..."chết".

Một trong những khó khăn lớn nhất tại Khu trung tâm huyện Ia Pa là thiếu nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh phục vụ đời sống của người dân. Lợi thế của Khu trung tâm huyện là có dòng sông Ba chảy qua, huyện đã đầu tư khoảng 8 tỷ đồng xây dựng nhà máy nước có hệ thống lắng lọc với công suất 40 m3/giờ và 320 m3/ngày cung cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư trên địa bàn. Thế nhưng cũng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu về lượng nước, những khu dân cư ở xa nằm ngoài vùng cấp nước của nhà máy, huyện hỗ trợ bà con làm giếng khoan, giếng đào để lấy nước sử dụng.

Sông Ba cạn kiệt nguồn nước.

Đó là chưa nói đến sự cố của nhà máy thường hay xảy ra như vỡ ống nước do áp lực bơm ở độ cao hơn 150 m, bể lắng lọc bị đầy cát... có khi đến cả chục ngày ngừng cấp nước để sửa chữa, bà con phải ra tận dòng sông Ba lấy từng can nước về dùng. Vào mùa nắng hạn những tháng đầu năm 2016, toàn huyện đã có hơn 800 hộ thiếu nước sinh hoạt. Chất lượng nguồn nước sinh hoạt không hợp vệ sinh. Nước sông Ba về mùa mưa thì có nước nhiều nhưng lại đục ngầu, về mùa khô thì cạn kiệt và bị nhiễm bẩn từ chất thải của các nhà máy chế biến sắn, chế biến đường ở thượng nguồn. Nước các giếng khoan, giếng đào hầu hết bị nhiễm vôi phèn, có những giếng nước đục và có mùi hôi.

Thiếu nước sinh hoạt

Anh Trần Văn Nghĩa ở làng Plôm (xã Kim Tân) cho biết: Gia đình mình đến lập nghiệp ở đây được hơn 7 năm nay, đời sống cũng khá ổn định nhưng duy nhất vẫn là lo thiếu nước sinh hoạt. Về mùa mưa thì dùng nước trời, mùa khô thì dùng nước của nhà máy. Tuy biết nguồn nước này chưa đảm bảo vệ sinh nhưng cũng vẫn phải dùng bởi không còn nguồn nước nào khác. Riêng các hộ đồng bào dân tộc trong làng, họ dùng nguồn nước của nhà máy vào việc tắm giặt, còn nấu ăn hoặc uống thì hàng ngày họ ra tận dòng sông Ba đào những hố nhỏ lắng lọc và múc từng can nước về dùng.

Hàng chục hộ cán bộ, công chức ở khu tập thể tại trung tâm huyện Ia Pa cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng nguồn nước sinh hoạt. Hàng ngày, họ phải mua từng can nước khoáng loại 20 lít/bình ở chợ về để sử dụng vào việc ăn, uống. Chị Nguyễn Thị Hồng cho biết: Cuộc sống ở đây đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, khi đối diện với việc thiếu nguồn nước sinh hoạt. Những hộ đông người trung bình mỗi ngày dùng 2 can nước khoáng hết khoảng 30.000 đồng, hộ ít người cũng hết 1 can nước giá 15.000 đồng...

Để giải quyết khó khăn về vấn đề nước sinh hoạt hợp vệ sinh phục vụ đời sống và sản xuất của người dân tại khu trung tâm huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai đã xây dựng phương án đưa nước từ hồ chứa công trình thủy lợi Ayun Hạ về tại khu trung tâm. Đây là phương án mang tính căn cơ và "táo bạo" bởi suất đầu tư để thực hiện là quá lớn đến hơn 100 tỷ đồng, kéo đường ống dẫn nước dài đến hơn 30 km. Nếu phương án được thực hiện thì tại khu trung tâm huyện và một số xã lân cận sẽ có 15.000 người dân được hưởng thụ nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có đến 90% số dân là người dân tộc thiểu số và tưới cho 500 ha các loại cây trồng; đồng thời cải tạo được môi trường sinh thái trong vùng.

Mới đây, Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khi đến kiểm tra tình hình thực tế của tỉnh Gia Lai và đã chấp thuận phương án đưa nước từ hồ chứa Ayun Hạ đến khu trung tâm huyện Ia Pa bằng nguồn vốn trung ương thực hiện các công trình cấp bách. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao cho các bộ, ngành có liên quan cùng với các cấp chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực tế để sớm triển khai thực hiện phương án này có hiệu quả.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết, phương án đưa nước từ hồ chứa Ayun Hạ về tận khu trung tâm huyện giúp người dân trên địa bàn, chắc chắc rằng, người dân tự nguyện đến với Ia Pa ngày càng nhiều hơn và ổn định cuộc sống hơn. Dự kiến đến năm 2020 tại khu trung tâm sẽ có đến hơn 4.000 hộ dân đến lập nghiệp ổn định, đồng thời cơ sở hạ tầng cũng được tỉnh quan tâm đầu tư đúng mức phục vụ tốt đời sống và sản xuất của người dân.

Bài và ảnh: Văn Thông

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/lo-nuoc-sach-cho-nguoi-dan-ia-pa-20160727160851831.htm