Lo nhà máy TQ bức tử sông Hậu: Lời ngọt khó tin

Hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn trong quá trình sản xuất giấy vừa mang tính 'đánh lừa' vừa chưa rõ ràng.

Chuyên gia độc lập Nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL, ThS.Nguyễn Hữu Thiện cho biết, ông vẫn chưa nhận được các báo cáo về Bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mới của Công ty sản xuất giấy Lee & Man nhưng công ty đã thông tin trên truyền hình rằng họ đã gửi bản ĐTM cho cơ quan chức năng và có niềm tin rằng chắc chắn sẽ được duyệt để thông qua và thực hiện chạy thử.

Tuy nhiên, đứng dưới góc độ chuyên gia, ông Thiện đặt ra các câu hỏi liên quan tới hệ thống xử lý thải và các hóa chất sử dụng trong nhà máy yêu cầu Lee& Man phải có các thông tin và báo cáo minh bạch.

Những thông tin mà Lee & Man cung cấp cho báo chí vừa qua chưa thể hiện điều gì mới, đặc biệt liên quan tới lượng chất thải rắn mà cụ thể là bùn thải trong quá trình sản xuất giấy thì chưa rõ ràng.

Đại diện Lee& Man Patrick Chung trả lời truyền thông. Ảnh: Báo tin tức

Đại diện Lee& Man Patrick Chung trả lời truyền thông. Ảnh: Báo tin tức

Câu hỏi thứ nhất mà ông Thiện đặt ra cho Công ty Lee & Man là các bản đánh giá tác động môi trường đã được tham vấn cộng đồng hay chưa. Đây là điều đã được quy định trong Điều 6 của Luật Tài nguyên. Nếu bản ĐTM mà công ty này nói là bản mới được thông qua thì cần phải minh bạch mục tham vấn cộng đồng này.

Thứ hai là lượng cân bằng vật chất được sử dụng trong quá trình sản xuất giấy tức là các loại hóa chất được sử dụng là gì, lượng hóa chất nhập khẩu về là bao nhiêu, lượng hóa chất đã được sử dụng, sử dụng ở những quy trình nào, còn lại bao nhiêu và đi đâu?

Thứ ba, chất thải cuối cùng tức bùn thải hoặc chất thải rắn được mang chôn đi đâu, công ty nào xử lý.

"Không thể để xảy ra tình trạng mang bùn thải đóng bao đi chôn ở những khu vực khác như tình trạng không rõ ràng xảy ra ở Công ty Fomosa trước đây" - ông Thiện nói.

Theo ông Thiện, trong bản ĐTM năm 2008 mà công ty này thực hiện có nhắc tới "tác nhân làm sạch" dùng 330kg/ngày, "tác nhân tẩy" là 22kg/ngày... nhưng không cụ thể tên loại hóa chất, tên hóa chất, các thành phần trong đó có đạt tiêu chuẩn hay không.

Thứ tư là vấn đề về lượng nước và hệ thống xử lý nước thải trong quy trình vận hành. Theo ĐTM năm 2008 của nhà máy giấy Lee& Man, nhu cầu cấp nước cho nhà máy sản xuất bao bì cứng là 79.130m3/ngày đêm ứng với công suất 420.000 tấn/ ngày đêm. Tới khi họp với truyền thông vừa qua, Lee& Man lại khẳng định chỉ sử dụng 20.000 m3/ngày đêm. Vậy công suất nhà máy là bao nhiêu?

Hệ thống xử lý nước thải là dùng công nghệ gì, từ quốc gia nào phải nêu được cụ thể thì cơ quan nhà nước và nhân dân mới có các biện pháp để quản lý, giám sát.

Một bể chứa chất thải của Lee & Man. Ảnh: Người đô thị

"Mỗi công nghệ xử lý thải từ mỗi nước sẽ cho chất lượng nước thải khác nhau. Từ đó sẽ xem nước đó có thể tái sản xuất vào việc gì. Nhưng nếu chỉ nói chung chung công nghệ hiện đại nhất từ Mỹ, Thụy Điển thì nhà đầu tư nào cũng sẽ nói được như vậy" - ông Thiện phân tích.

Chưa kể, Lee & Man có ý tưởng về Hồ sinh thái có sức chứa 40.000m3 nhưng chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện chỉ ra các mâu thuẫn ở đây.

"Ý tưởng hồ sinh thái sinh ra để nuôi cá, nhằm minh chứng với dư luận rằng nước thải của họ không làm chết cá. Nhưng sự vận hành của hồ này ra sao chưa ai rõ. Đây còn có thể là một cách đánh lừa dư luận.

Chúng ta có thể đặt ra các khả năng, cá thả vào là cá được nuôi tại đó hay là cá thả từng ngày một, trước khi có đoàn kiểm tra thì thả vào hay không, loại cá được nuôi là cá gì, có độc tố hay không... Chưa kể, nếu cá trong bể sinh thái không chết, cũng không có nghĩa là cá đó không nhiễm các chất độc hại" - ông Thiện nhận định.

Theo vị chuyên gia về ĐBSCL, các nhà khoa học và dư luận vẫn có thiện chí đầu tư song các thông tin minh bạch về các vấn đề xả thải, sử dụng thì đặc biệt yêu cầu công khai.

"Quan điểm của chúng ta hiện nay là không phải đả phá công ty này mà chúng ta với vị thế là chủ nhà thì có quyền để lo lắng xem công ty này đầu tư vào chúng ta ra sao, phải xem xét đầy đủ các yếu tố đầu tư có liên quan. Đặc biệt đây lại là địa điểm nhạy cảm nên chúng ta có quyền để quan ngại và yêu cầu họ phải giải thích, làm rõ các yếu tố trên.

Theo vị chuyên gia, sông Hậu là một địa bàn rất nhạy cảm về thủy sinh, hệ sinh thái nước ngọt và nước mặn. Thủy hải sản vừa là nguồn thực phẩm vừa là kế sinh nhai của người dân ở đây.

Khu vực ĐBSCL là khu vực có hệ thống sông ngòi chằng chịt, có sự liên thông và bán liên triều của Biển Đông. Nếu ảnh hưởng ô nhiễm ở đây thì nguồn nước từ cả trong sông tới ngoài biển sẽ có thể xảy ra các vấn đề môi trường.

Khu vực ĐBSCL là địa bàn có tiềm năng lớn về cá nước ngọt cho sản lượng chung của đất nước. Việt Nam lại cũng là một trong 4 nước có lượng cá nước ngọt xuất khẩu lớn nhất trên thế giới. Nếu làm mất nguồn lợi thủy sản ở đây thì chúng ta sẽ mất đi thành quả này.

"Đã có hàng loạt các công trình, dự án đủ điều kiện cho phép, đầy đủ các giấy phép môi trường, được sự nhất trí cao của cơ quan chức năng nhưng gây ra những thảm họa môi trường. Thế giới cũng có các quy định, hiệp ước liên quan về việc xã hội dân sự có quyền yêu cầu các công ty có dấu hiệu tác động tiêu cực tới môi trường công khai minh bạch các thông tin trong các trường hợp nghi vấn. Đây là điều chúng ta được phép làm, đừng nên học lại bài học môi trường của Fomosa thêm một lần nữa" - ông Thiện kết luận.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/lo-nha-may-tq-buc-tu-song-hau-loi-ngot-kho-tin-3322234/