Lo ngại năng suất 'ăn theo' tài nguyên

Những ngành có năng suất lao động cao của Việt Nam như năng lượng, thép, hóa chất vẫn chủ yếu dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư.

Môi trường kinh doanh Việt Nam được đánh giá cao nhờ sự ổn định về chính trị và xã hội, có sức hấp dẫn đối với thương nhân và các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, năng suất lao động bị đánh giá là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Đáng lưu ý, trong ngành công nghiệp, theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương), những ngành có năng suất lao động cao như năng lượng, thép, hóa chất vẫn chủ yếu dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư.

Trong khi đó, việc tăng năng suất phụ thuộc phần lớn từ đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học và phương thức quản lý hiện đại.

Trong 8 ngành công ngiệp quan trọng nhất (gồm: dệt may, da giày, nhựa, thép, hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, điện, điện tử-tin học), ngành năng lượng có mức giá trị gia tăng cao nhất, ước tính trên 350.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng khoảng 6,4%/năm. Ngành điện, điện tử-tin học có mức giá trị gia tăng cao và tốc độ tăng trưởng cũng rất cao, tới 38,6%. Ngành cơ khí chế tạo có mức giá trị gia tăng và tăng trưởng đều tốt. Ngành nhựa và hóa chất dù mức giá trị gia tăng không cao nhưng tốc độ tăng trưởng cũng tương đối tốt…

Trong các ngành công nghiệp được so sánh, nếu tính năng suất lao động bằng giá trị gia tăng trên số lao động thì ngành năng lượng có năng suất lao động rất cao (năm 2015 vào khoảng trên 1 tỷ đồng/người lao động). Song năng suất lao động của ngành cao là do dựa vào tài nguyên và gia tăng đầu tư.

Tương tự, những ngành khác như thép, hóa chất cũng chủ yếu dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên sẵn, còn việc tăng năng suất nhờ đóng góp của đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học và phương thức quản lý hiện đại còn hạn chế.

Điều này có nghĩa là giá trị gia tăng tăng lên hoàn toàn dựa trên tăng yếu tố đầu vào mà không có sự cải thiện về năng suất.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam chia sẻ hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều hạn chế về công nghệ so với các nước trong khu vực; khả năng đầu tư và chuyển giao công nghệ mới phụ thuộc vào nguồn tài chính hạn hẹp…

Để có thể cạnh tranh tốt trong hội nhập, ông Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý về nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) là vấn đề cốt lõi sống còn.

Nếu doanh nghiệp không thay đổi, không cải tiến, không điều chỉnh theo hướng giảm chi phí sản xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả thì sẽ tụ hậu, bị doanh nghiệp nước ngoài vượt xa.

Trong thời gian vừa qua, nhằm thúc đẩy áp dụng cung cách quản lý hiện đại và áp dung công nghệ tiên tiến, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các doanh nghiệp hoặc xây dựng các mô hình điểm.

Đơn cử như Công ty May 10, Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông, khi áp dụng các mô hình quản lý mới, tỷ lệ lỗi hỏng và thời gian sản phẩm chạy trên chuyền đã giảm, nhờ đó năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tăng lên.

Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cho rằng thực tế, dù giá nhân công cạnh tranh nhưng năng suất lao động của Việt Nam thấp gây khó khăn khi tiếp cận các đơn hàng nước ngoài.

Theo bà Xuân, một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, khi áp dụng hiệu quả mô hình sản xuất tiên tiến, phương pháp quản lý hiện đại và ứng dụng khoa học công nghệ, bài toán năng suất sẽ có lời giải.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/lo-ngai-nang-suat-an-theo-tai-nguyen/293858.vgp