Lo ngại nạn 'quân xanh, quân đỏ' khi đấu giá tài sản

Sáng 24-10-2016, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đấu giá tài sản và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.

Bổ sung quy định hành vi cấm đối với đấu giá viên

Theo báo cáo giải trình dự án luật, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể các hình thức đấu giá, phương thức đấu giá. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc, tính toán về quy mô, mức độ hình thành giao dịch đấu giá trực tuyến vì rất tốn kém.

Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho rằng đấu giá trực tuyến là hình thức đấu giá tiên tiến được một số quốc gia trên thế giới áp dụng. Với mục tiêu xây dựng Luật Đấu giá tài sản áp dụng ổn định, lâu dài thì việc quy định hình thức đấu giá trực tuyến là cần thiết. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu và để đảm bảo tính khả thi, tại khoản 3 Điều 81 giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này căn cứ vào tình hình thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đấu giá tài sản

Về xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại, một số ý kiến đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.

UBTV Quốc hội cho biết sẽ tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, đồng thời bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan làm cơ sở áp dụng chế tài xử lý mạnh mẽ hơn đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản.

Dự thảo Luật Đấu giá tài sản gồm 8 chương, 81 điều, quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại và quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Luật phải triệt tiêu nạn "cò", xã hội đen

Thảo luận tại hội trường, Đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng không nên quy định một Hội đồng thi kiểm tra về kỹ năng của người thực hành nghề đấu giá, nếu có chỉ có thể tăng thời gian thực tập hành nghề lên.

Về việc tổ chức đấu giá tài sản, ĐB Hoàng Văn Cường góp ý: "Không nên thành lập trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, bởi lẽ cơ quan quản lý Nhà nước là cơ quan quản lý bán tài sản mà giờ lại thành lập ra cơ quan bán tài sản thì có nghĩa "mình quản lý mình". Điều này giống như "vừa đá bóng, vừa thổi còi", không khách quan".

ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) đánh giá dự thảo luật lần này có tính đột phá, để ngăn chặn tình trạng thông đồng hay "quân xanh quân đỏ" là tình trạng đang nhức nhối hiện nay trong quá trình quản lý đấu giá bán tài sản. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, an toàn ĐB Hoàng Thị Thu Trang kiến nghị ngoài đấu giá viên, một phiên đấu giá có sự tham gia tích cực của nhiều đối tượng khác như thư ký, chuyên viên…

"Đây có thể là một nhóm người có khả năng vi phạm rất là lớn, song dự thảo luật chưa đề cập đến. Vì vậy tôi đề nghị bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, hành vi cấm", Đaaij biểu Hoàng Thị Thu Trang nói.

ĐB Trang nêu thực trạng một số tham gia đấu giá tài sản không chỉ có "cò" mà thậm chí có cả xã hội đen: "Mặc dù không tham gia trực tiếp nhưng bằng mọi cách uy hiếp người tham gia đấu giá. Cá biệt như ở Nghệ An có những trường hợp sử dụng vũ khí nóng, chi phối làm ảnh hưởng đến công tác đấu giá thu hồi bất chính, vô hiệu hóa các quy định pháp luật Nhà nước gây hoang mang trong nhân dân. Do vậy, những quy định mới mang tính đột phá của dự thảo hy vọng sẽ triệt tiêu nạn "cò", xã hội đen trong bán đấu giá tài sản".

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long:

Cố gắng hết sức để luật được chặt chẽ

Bên hành lang Quốc hội sáng 24-10, trả lời phóng viên xoay quanh một số vấn đề của Dự thảo Luật Đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Luật Đấu giá tài sản đã luật hóa quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến công tác bán đấu giá tài sản.

-PV: Thưa Bộ trưởng, Dự thảo Luật lần này liệu có khắc phục được tình trạng "quân xanh quân đỏ" trong đấu giá tài sản?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Chúng tôi đã cố gắng đến mức tối đa quy định rõ trách nhiệm của người có tài sản bán đấu giá, của tổ chức bán đấu giá tài sản, đặc biệt là quy trình ký kết hợp đồng xác định giá khởi điểm, các quy định về niêm yết một cách rất chặt chẽ, công khai… Hy vọng với những quy định chặt chẽ trong dự án luật sẽ góp phần xử lý được tình trạng "quân xanh quân đỏ" trong bán đấu giá.

-Có nên mở rộng cho các loại hình doanh nghiệp khác tham gia tổ chức bán đấu giá không, thưa Bộ trưởng?

-Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đặc thù của ngành Tư pháp nên chỉ hạn chế một số loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, đây là đối nhân và chịu trách nhiệm vô hạn.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/lo-ngai-xa-hoi-den-uy-hiep-va-nan-quan-xanh-quan-do-khi-dau-gia-tai-san/705826.antd