Lo ngại gia tăng tội phạm ở khu vực ngoại thành

(HNM) - Một thực tế đáng lo ngại trong thời gian gần đây là tình hình phạm pháp hình sự tại một số địa bàn ngoại thành Hà Nội có xu hướng gia tăng, có nơi tăng đến hàng chục phần trăm. Nhiều vụ án xảy ra có tính chất rất nguy hiểm, gây bất an cho những vùng quê vốn thanh bình.

Đầu năm mới Giáp Ngọ, vùng quê Ba Vì xôn xao bởi vụ án giết người, gây rối trật tự công cộng (TTCC) xảy ra tối mùng 1 Tết tại xã Tòng Bạt. Hàng chục đối tượng thanh, thiếu niên tham gia ẩu đả và kết cục là có một người chết, hàng chục đối tượng bị bắt giữ. Theo đánh giá của CATP, những vụ việc có tính chất tương tự gần đây diễn ra không ít tại các huyện. Nhiều vụ "trai làng" đánh lộn, gây rối TTCC, thậm chí giết người vì những nguyên nhân nhỏ như va chạm trong sinh hoạt, trên bàn nhậu, lúc vui chơi. Bên cạnh đó còn có những vụ việc gây mất ANTT xuất phát từ tranh chấp kinh tế, đất đai, nợ nần, vay lãi. Các vụ cướp tài sản, cướp giật cũng xảy ra.

Tại một số địa bàn đã xuất hiện hiện tượng thanh, thiếu niên hư liên kết thành ổ nhóm để phạm pháp. Báo cáo trước BCĐ 197 thành phố, BCĐ 197 một số huyện cho biết, trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập, tàng trữ, sử dụng vũ khí, thậm chí cả súng tự chế để giải quyết những mâu thuẫn bột phát, tạo nên sự phức tạp về ANTT và gây tâm lý lo lắng cho nhân dân.

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo lãnh đạo BCĐ 197, là do đời sống kinh tế còn khó khăn, nhiều hoạt động tín dụng đen xuất hiện dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên có lối sống buông thả, đua đòi, coi thường đạo đức xã hội, sớm sa vào tệ nạn như sử dụng ma túy, cờ bạc. Thượng tá Nguyễn Văn Viện, Trưởng CA huyện Hoài Đức cho biết, nguyên nhân phạm pháp phức tạp còn do trong một số vụ án, vì sợ bị trả thù nên bị hại không hợp tác với cơ quan CA, gây khó khăn cho quá trình điều tra, xử lý vụ án. Ngoài ra, về chủ quan, công tác phối hợp giữa các lực lượng liên quan trong bảo đảm ANTT, phòng chống phạm pháp hình sự còn nhiều hạn chế, chưa đủ mạnh để phòng ngừa, trấn áp. Phó Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ 197 thị xã Sơn Tây Phan Thị Hảo phân tích thêm, nguyên nhân tiềm ẩn mất ANTT là do công tác phòng ngừa tội phạm, nhất là phòng ngừa xã hội chưa có chiều sâu. Công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại cơ sở chưa thực hiện đồng bộ. Công tác quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dịch vụ nhạy cảm, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng chưa cao...

Về các nguyên nhân có tính chất xã hội, theo nhận định chung của cơ quan chức năng, trong tương lai gần chưa thể khắc phục được. Vì vậy, để phòng ngừa tội phạm, tệ nạn không cách gì khác là phải khắc phục những tồn tại chủ quan. Bên cạnh sự nỗ lực tấn công, trấn áp tội phạm và tệ nạn, BCĐ 197 các huyện cho rằng, về lâu dài cần làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình diễn biến tội phạm, tệ nạn để có đối sách phù hợp. Do tính chất di động của tội phạm ở ngoại thành, BCĐ 197 huyện Thạch Thất đề xuất CA các huyện cần có sự phối hợp chặt chẽ với phòng CSĐT tội phạm về TTXH và các đơn vị khác để triệt xóa các băng nhóm, đối tượng người địa phương khác gây án.

Ngoài các biện pháp cụ thể trên, BCĐ 197 các huyện đều thống nhất cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, một mặt để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia tích cực vào công tác bảo đảm ANTT tại địa phương, mặt khác để răn đe tội phạm, tệ nạn, làm tốt công tác phòng ngừa xã hội. Về vấn đề này, Sở Tư pháp cũng đã khẳng định năm 2014 sẽ ưu tiên phổ biến giáo dục, pháp luật cho địa bàn nông thôn, ngoại thành, địa bàn giáp ranh, khu vực đang đô thị hóa và tập trung vào đối tượng thanh, thiếu niên... Hy vọng rằng với các giải pháp tổng thể, tình hình ANTT tại khu vực ngoại thành sẽ ổn định.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phap-luat/661872/lo-ngai-gia-tang-toi-pham-o-khu-vuc-ngoai-thanh