Lo lắng là phải!

Cảm xúc chung nhất qua các ý kiến góp cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là lo lắng.

Với một thiết kế chương trình mà ngay từ khi công bố lấy ý kiến, nhiều người cho là quá lý tưởng đến mức khó khả thi so với thực tế và tương lai gần thì cảm xúc chủ đạo ấy là điều dễ hiểu.

Trong bất kỳ sự đổi mới nào của giáo dục, người thầy luôn đóng vai trò quan trọng. Chương trình lần này càng thể hiện rõ điều đó. Dự thảo chương trình ghi rõ: “Các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn…”. Thế nhưng, đây lại là nhân tố đáng lo ngại trong tiến trình đổi mới này.

Khoan bàn đến việc các trường sư phạm chưa có những chuyển động lớn để đào tạo ra một thế hệ giáo viên mới đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, cũng chưa nói đến lực lượng hiện tại sẽ được tập huấn như thế nào để thích nghi và chịu thay đổi trong môi trường mới, Ban Soạn thảo chương trình đề xuất năm 2018 sẽ thực hiện chương trình mới đại trà từ lớp 1, thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và 10 nhưng trong những ngày chuẩn bị thi học kỳ 2 năm học này vẫn còn có những giáo viên tiểu học bắt buộc học sinh (HS) phải học thuộc lòng những bài văn cho sẵn! Đổi mới sẽ đến đâu nếu giờ này việc các giáo viên đề nghị nâng điểm cho HS vẫn còn là chuyện bình thường? Hay chuyện ngày mai thi học kỳ nhưng tối nay đã có ai đó “rỉ” cho HS mình biết đề rồi phát tán trên mạng xã hội?... Khi giáo viên chưa được chuẩn bị đầy đủ và chưa sẵn sàng tâm thế đổi mới thì làm sao không khỏi lo lắng về hiệu quả thực hiện trong lúc chỉ còn một năm nữa thôi dự kiến chương trình giáo dục tổng thể sẽ vận hành!

Điều kiện và cơ sở vật chất để thực hiện còn quá cách biệt giữa thực tế và mục tiêu đặt ra cũng khiến nhiều người lo ngại. Có thể hình dung vài nét chính về hình ảnh của một HS trong vài năm nữa, theo dự thảo: Sẽ được học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học, khuyến khích thực hiện điều này ở các trường THCS và THPT có đủ điều kiện. Sẽ được học theo định hướng nghề nghiệp từ cấp THPT, nghĩa là học theo nhu cầu và năng lực của bản thân chứ không bắt mọi người đều phải học giống nhau như hiện nay. Bên cạnh các môn học, còn có các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chuyên đề… Nghe có vẻ hay nhưng quản lý các cấp đều lắc đầu kêu than “khó mà làm được”.

Họ kêu là có cơ sở. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay, cả nước có hơn 62% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày. Để triển khai chương trình mới thì phải đảm bảo đủ cơ sở vật chất, trường lớp cho gần 40% còn lại. Đó là tính chung chứ riêng từng nơi, con số này còn thấp hơn. Chẳng hạn ở TP.HCM, Q.Tân Phú chỉ được khoảng 23%, Q.Bình Tân khoảng 37%, H.Bình Chánh chừng 40%... Trong vòng một vài năm để cho mọi HS tiểu học ở những nơi này được học 2 buổi/ngày là bất khả thi. Đó là chưa kể sĩ số lớp học luôn vượt chuẩn quy định. Nhiều trường ở Hà Nội sĩ số HS/lớp có khi lên đến 60 trong khi quy định là 35… Mọi người lo ngại khi điều kiện thực tế không đáp ứng được thì những mục tiêu tốt đẹp mà chương trình đề ra, chẳng hạn “quan tâm phát triển năng lực của từng HS” sẽ khó lòng thực hiện. Nếu ép phải làm thì người ta sẽ bóp chỗ này, thắt chỗ kia dẫn đến những biến dạng. Bài học về đổi mới đánh giá HS tiểu học hay chương trình trường học mới VNEN vẫn còn đó.

Đây chỉ là những khó khăn dễ nhìn thấy. Còn những điều như tư duy, quan điểm, cách nhìn nhận, đánh giá cũng là một vấn đề. Sự đổi mới sẽ đi đến đâu khi một nhà giáo có cách tiếp cận vấn đề khác một chút nhằm khơi gợi sự sáng tạo nơi người học thì đã bị cơ quan quản lý “hỏi thông tin”!

Đồng ý với GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, rằng “không đi thì không bao giờ đến được”. Nhưng thật sự khó mà yên tâm khi đi trên con đường chưa hoàn thiện phần nền, còn lắm “ổ gà”, “ổ voi”, đầy những cảnh báo với nhiều nghi ngại không đến được đích.

Nhiên An

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/lo-lang-la-phai-834617.html