Lò giết mổ Long Hiệp: Liên tiếp phát hiện thịt heo 'ngậm nước'

Tại Chợ đầu mối Bình Điền liên tục phát hiện thịt heo có nguồn gốc xuất phát từ lò giết mổ gia súc Long Hiệp có rỉ dịch, không đảm bảo vệ sinh an toàn, buộc phải chuyển làm thức ăn chăn nuôi.

Người dân bức xúc, cử tri cũng đã nhiều lần phản ánh đến nhà chức trách địa phương, cơ quan ngôn luận cũng đã đề cập... Đặc biệt, Chi cục Thú y TP.HCM cũng liên tiếp gửi thông báo "phàn nàn" với Chi Cục Thú y tỉnh Long An sau khi Trạm kiểm tra vệ sinh Thú y tại Chợ đầu mối Bình Điền liên tục phát hiện thịt heo có nguồn gốc xuất phát từ Lò GMGS Long Hiệp có rỉ dịch, không đảm bảo vệ sinh an toàn, buộc phải chuyển làm thức ăn chăn nuôi. Thế nhưng tại địa phương, các cơ quan chức năng vẫn khẳng định nước thải của Lò giết mổ nhiều tai tiếng này "trong suốt" và trong 10 năm qua chưa phát hiện trường hợp heo bị bơm nước như cử tri phản ánh!

Heo bơm nước liên tục bị phát hiện tại lò giết mổ

Sau khi các cơ quan ngôn luận liên tiếp có những phản ánh về việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và dấu hiệu bơm nước vào heo ở Lò giết mổ gia súc Long Hiệp do Dương Văn Nghĩa làm chủ (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức), các cơ quan chuyên môn tỉnh và huyện Bến Lức đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, kiểm tra hoạt động của Lò giết mổ gia súc nhiều tai tiếng - nơi xuất phát lượng thịt heo có chứa nước liên tục được phát hiện số lượng lớn tại chợ đầu mối Bình Điền trong thời gian gần đây.

Dù nước thải ra môi trường của cơ sở giết mổ Long Hiệp nhiều năm qua luôn trong tình trạng đen ngòm, hôi thối thế này nhưng cơ quan chức năng Long An vẫn khẳng định nước trong suốt.

Theo thông tin từ huyện Bến Lức, ngày 19/9/2016, Cơ quan chức huyện Bến Lức đã chính thức có thông báo về kết quả kiểm tra về tình trạng xả thải gây ô nhiễm kênh Phước Toàn, kênh 228 và hành vi bơm nước vào heo của lò giết mổ Long Hiệp do ông Dương Văn Nghĩa làm chủ khiến cử tri và nhân dân địa phương bức xúc.

Theo thông báo này thì trước đó (ngày 9/9/2016), các cơ quan chức năng huyện đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Long An và UBND xã Long Hiệp đã tiến hành kiểm tra thực tế Lò Giết mổ Long Hiệp, tuyến kênh Phước Toàn và kênh 228.

Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, Đoàn kiểm tra ghi nhận hiện trạng nước ở kênh 228 đoạn từ Quốc lộ 1A đến cống qua kênh Phước Toàn có màu đen, bốc mùi hôi thối. Cùng đó, kênh Phước Toàn đoạn từ tỉnh lộ 833B đến khu xử lý nước thải của Lò mổ Long Hiệp nước có màu đen và cũng bốc mùi hôi.

Riêng về hành vi bơm nước vào heo trước khi tổ chức giết mổ, Đoàn kiểm tra chỉ có cơ hội tiếp cận được báo cáo của địa phương và các ngành chức năng. Với kết quả, Lò giết mổ Long Hiệp trong quá trình 10 năm hoạt động, các ngành thường xuyên kiểm tra chuyên ngành, đột xuất nhưng chưa phát hiện việc bơm nước vào heo của cơ sở này như cử tri phản ánh.

Liên quan đến thông tin phản ánh của cử tri về việc bơm nước vào heo, trong 10 năm hoạt động, nhà chức trách địa phương và cơ quan quản chuyên ngành không phát hiện bất kỳ một vụ nào. Tuy nhiên tại chợ đầu mối Bình Điền, Trạm kiểm tra vệ sinh Thú y - Chi cục Thú y TP.HCM liên tục phát hiện lượng lớn thịt heo có chứa nước đang được mua bán ở đây có nguồn gốc xuất phát từ Lò giết mổ Long Hiệp.

Theo đó, Phòng Thanh tra chuyên ngành Thú Y - Chi cục Thú y TP.HCM liên tiếp có thông tin nhanh diễn biến tình hình kinh doanh thịt rỉ dịch gửi Chi cục Thú y tỉnh Long An để "phàn nàn" về tình hình kinh doanh thịt heo, thịt trâu bò rỉ dịch, không đảm bảo vệ sinh an toàn. Nguyên do phần lớn số thịt rỉ dịch, không đảm vệ sinh an toàn cho người tiêu dùng có xuất phát từ các lò mổ trên địa bàn tỉnh Long An. Trong đó, phần lớn thịt có dấu hiệu bơm nước, không đảm bảo vệ sinh có nguồn gốc xuất phát từ Lò giết mổ Long Hiệp.

Đơn cử, qua kiểm tra tình hình kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối Bình Điền, ngày 18/6/2016, Trạm kiểm tra vệ sinh Thú y đã phát hiện 200kg và 35 con heo rỉ dịch có nguồn gốc xuất phát từ Lò giết mổ gia súc Long Hiệp và đã được Chi cục Thú y tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Tiếp đó, thịt heo "bẩn" từ cơ sở giết mổ Long Hiệp tiếp tục tuồn vào chợ đầu mối Bình Điền bằng giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Thú y tỉnh Long An bị Trạm kiểm tra vệ sinh Thú ý TP.HCM kịp thời phát hiện, buộc phải luộc chín để chuyển sang làm thức ăn chăn nuôi.

Theo đó, ngày 9-10-11/7/2016, số thịt heo rỉ dịch không đảm bảo vệ sinh từ Lò giết mổ Long Hiệp tuồn vào chợ đầu mối nông sản Bình Điền bị phát hiện, ngăn chặn là 270kg, 63 con heo; ngày 13/7/2016 là 160kg; ngày 17/7/2016, 790kg và 38 con heo... Đáng chú ý, theo thông báo này thì cử tri xã Long Hiệp đã từng có kiến nghị về việc gây ô nhiễm môi trường, bơm nước vào heo của lò giết mổ Long Hiệp.

Tuy nhiên, theo thông báo này thì lý do cơ quan chức năng chưa xử lý trong thời gian qua, thậm chí gia hạn thêm thời gian hoạt động cho lò giết mổ này là do nhận được đơn khiếu nại của người dân đối với Lò giết mổ Long Hiệp này?

Năng lực của Chi cục Thú y tỉnh Long An đến đâu?

Theo phản ánh của cử tri và UBND xã Long Hiệp, huyện Bến Lức đã thay đổi kế hoạch di dời Lò giết mổ Long Hiệp đến cuối năm 2017. Như vậy người dân phải tiếp tục chịu đựng, tiếp tục sống chung với ô nhiễm hơn 1 năm nữa. Nhưng đây cũng chỉ là kế hoạch nên chưa chắc đã được thực hiện.

Sở dĩ dư luận địa phương không mấy kỳ vọng, trông chờ vào kế hoạch "giải thoát môi trường" cho xã Long Hiệp vì trước đó, Lò giết mổ Long Hiệp cũng đã có kế hoạch di dời vào năm 2015 và người dân sống quanh khu vực này cũng đã trải qua những tháng ngày hoạt động cuối cùng, cũng là thời gian đỉnh điểm của sự ô nhiễm. Thế nhưng cuối cùng những chịu đựng của người dân không có kết quả vì quá thời hạn hoạt động cơ sở này vẫn hoạt động giết mổ ở cơ sở này vẫn diễn ra bình thường, mặc cho người dân bức xúc và cử tri nhiều lần lên tiếng

Theo Quyết định điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Long An được UBND tỉnh ký ngày 18/12/2013, đến năm 2015, cơ sở giết mổ Long Hiệp có công suất 500 con/ngày tại xã Long Hiệp (huyện Bến Lức) do ông Dương Văn Nghĩa làm chủ sẽ chính thức đóng cửa vào năm 2015. Thay vào đó, cơ sở này di sẽ dời về xã Nhựt Chánh (huyện Bến Lức), với công suất thiết kế giết mổ dự kiến trên 1.000 con heo/ ngày.

Cũng theo thông báo này, ngoài Lò giết mổ Long Hiệp, trên địa bàn xã Long Hiệp còn có 2 trường hợp giết mổ khác hoạt động thường xuyên mỗi đêm. Sau xác minh thực tế, cơ quan chức năng huyện Bến Lức đề nghị ngành Thú y tỉnh Long An tăng cường thanh tra, kiểm tra Lò giết mổ Long Hiệp. Riêng ngành thú y huyện cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiểm tra chéo và phối hợp xã kiểm tra 2 trường hợp giết mổ ở 2 ấp Long Bình và Phước Tỉnh.

Theo Trưởng trạm thú y Bến Lức - ông Huỳnh Văn Hoang, toàn tỉnh Long An hiện có 30 cơ sở giết mổ gia súc tập trung được cấp phép, tập trung nhiều nhất vẫn là các huyện giáp ranh với TP.HCM như huyện Đức Hòa, Bến Lức và Cần Giuộc. Trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn Long An phát hiện 8 trường hợp có hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ. Và nhiều trường hợp nghi bị bơm nước như heo mệt mỏi, bụng to.

Mới đây, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh - Lê Thị Mai Khanh đề xuất các ngành chức năng nên xem xét buộc đóng cửa các cơ sở để những tồn tại, hạn chế kéo dài mà không có biện pháp khắc phục.

Thời gian qua, ngành Thú y TP.HCM và Long An đã phối hợp chia sẻ thông tin trong việc kiểm soát, kiểm tra sản phẩm ở các cơ sở này. Thiết nghĩ, nếu những thông tin về lượng lớn thịt heo rỉ dịch, biểu hiện bị bơm nước trước khi giết mổ, có nguồn gốc xuất phát từ Lò giết mổ Long Hiệp của Trạm kiểm tra vệ sinh Thú ý chợ đầu mối Bình Điền - TP.HCM được Chi cục Thú y tỉnh Long An phối hợp duy trì, tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở vi phạm từ “gốc” thì chất lượng thịt trên thị trường mới được người tiêu dùng yên tâm?

Hiện dư luận đang đặt nhiều nghi vấn xung quanh trách nhiệm, năng lực của lực lượng Chi cục Thú y tỉnh Long An khi để heo bơm nước được giết mổ trên địa bàn trước khi tuồn vào TP.HCM tiêu thụ? Vì sao, trong các cuộc tiếp xúc với các ngành chức năng, người dân phản ánh, cử tri lên tiếng, Chi cục Thú y chỉ rõ với mong muốn được phối hợp... nhưng thịt heo chứa nước từ Lò giết mổ Long Hiệp và một số khác tiếp tục đưa vào chợ đầu mối Bình Điều tiêu thụ? Thậm chí heo rỉ dịch bị Chi cục Thú y TP.HCM ngăn chặn, buộc luộc chín để chuyển sang làm thức ăn chăng nuôi thì trước đó Chi cục Thú y tỉnh Long An lại cấp giấy chứng nhận để đưa về TP.HCM tiêu thụ?

Dư luận sẽ nghĩ gì khi heo được giết mổ ở lò giết mổ tập trung như Lò giết mổ Long Hiệp, được cơ quan chuyên ngành Thú y kiểm soát, cấp giấy kiểm dịch nhưng khi vào TP.HCM tiêu thụ thì buộc chuyển sang làm thức ăn... chăn nuôi?

Nhóm PVPL/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/lo-giet-mo-long-hiep-lien-tie%cc%81p-pha%cc%81t-hie%cc%a3n-thit-heo-nga%cc%a3m-nuo%cc%81c-p41870.html