'Lộ diện' quán quân cuộc thi khởi nghiệp Start-up Uni mùa đầu tiên

Với phần thể hiện đầy thuyết phục, nhóm M.a.D gồm 8 sinh viên ĐH FPT đã giành giải Nhất cuộc thi Start-up Uni 2016. Sản phẩm Friendly Guide của nhóm M.a.D là ứng dụng di động hỗ trợ khách tham quan tại các bảo tàng, khu triển lãm nghệ thuật, nhà truyền thống.

Tối qua, 2/11/2016, đêm chung kết cuộc thi “Start-up Uni: Become a unipreneur” đã diễn ra tại Đại học FPT Hà Nội. Năm đội thi đại diện cho năm dự án xuất sắc nhất đã có những màn trình bày và phản biện ấn tượng.

Là mùa giải đầu tiên nhưng “Start-up Uni: Become a unipreneur” đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả, đặc biệt là các bạn sinh viên, không chỉ bởi những dự án xuất sắc mà còn bởi sự góp mặt của các khách mời đặc biệt. Tham dự đêm chung kết tối 2/11 là sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục khởi nghiệp và các doanh nhân thành đạt như: ông Nguyễn Đức Long - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ cao Hòa Lạc; ông Nguyễn Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn EDX; ông Phan Thế Dũng - Tổng Giám đốc RikkeiSoft; ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT; ông Trần Xuân Khôi - Phó Tổng giám đốc FPT Software; ông Nguyễn Thanh Phát - Quản lý IBA Việt Nam…

Ban giáo khảo của cuộc thi khởi nghiệp

Bên cạnh đó không thể thiếu thành phần Ban giám khảo – hội đồng với những chuyên gia đánh giá khách quan và chính xác để tìm ra những dự án tiềm năng: ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Ban KH&CN, Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, ông Phan Viết Hoàn - CEO Mywork, ông Trần Hữu Đức - Giám đốc FPT Ventures, ông Tạ Ngọc Cầu - Giám đốc cơ sở Hòa Lạc ĐH FPT, ông Trần Thế Trung - Viện trưởng Viện Công nghệ FPT.

Theo TS Tạ Ngọc Cầu, cuộc thi khởi nghiệp Start-up Uni không chỉ là sân chơi mà còn là “sân làm việc” nghiêm túc.

Phát biểu tại đêm chung kết, TS. Tạ Ngọc Cầu cho rằng, trải qua 5 tháng kể từ ngày phát động, Start-up Uni không chỉ là sân chơi, mà còn là “sân làm việc” nghiêm túc để tạo nên những doanh nghiệp. “Chúng tôi mong muốn làm sao để 5 nhóm lọt vào vòng chung kết ngày hôm nay sẽ được hỗ trợ về pháp lý, về ý tưởng, được kết nối với các ngân hàng để tạo vốn. Đồng thời được các doanh nhân, các nhà đầu tư xem xét ý tưởng và năng lực của các em, để từ đó mở ra cho các em những cơ hội lớn”, TS. Tạ Ngọc Cầu chia sẻ.

Theo thể lệ của đêm chung kết, ở vòng 1, 5 đội thi xuất sắc nhất trình bày đề án của mình trước Hội đồng giám khảo bao gồm: M.a.D với sản phẩm quan sát vật thể thật qua thiết bị điện tử, V-team với dịch vụ hệ thống khách sạn tiện lợi mang tên “Be Loved Hostel”, SE Team với phòng thí nghiệm ảo dành cho sinh viên, Kadima với website dạy lập trình trực tuyến và Biệt Đội Khẩn Cấp với phần mềm hỗ trợ phượt thủ. Mỗi dự án là một ý tưởng thú vị nhằm giải quyết những vấn đề nhức nhối, cấp thiết của xã hội hiện nay, đồng thời đặt ra những bài toán kinh doanh và tài chính. Năng lực của các đội thi càng được thể hiện rõ nét qua vòng 2 và vòng 3 với phần “thách thức chéo” giữa các đội và những câu hỏi thử thách từ phía Hội đồng chuyên môn.

Đại diện đội thi trình bày trước Ban giám khảo cuộc thi khởi nghiệp Start-up Uni 2016.

Với phần thể hiện đầy thuyết phục, nhóm M.a.D team gồm 8 thành viên đến từ ĐH FPT đã giành giải Quán quân của cuộc thi Start-up Uni mùa đầu tiên. Sản phẩm Friendly Guide của nhóm M.a.D là một ứng dụng di động hỗ trợ khách tham quan tại các bảo tàng, khu triển lãm nghệ thuật, nhà truyền thống.

Bằng các lập luận chặt chẽ và những trải nghiệm có thật của mình, M.a.D đã chứng minh được sản phẩm có thể tối ưu hóa việc trưng bày ở bảo tàng, chia sẻ thông tin du lịch. Từ đó, nâng cao trải nghiệm người dùng, tăng giá trị nhận diện và tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Theo sát và về nhì là đội Kadima, tiếp đến V-team, SE Team và Biệt đội khẩn cấp.

Nhóm M.a.D gồm 8 thành viên đến từ Đại học FPT đã trở thành quán quân mùa đầu tiên của Start-up Uni.

Kết thúc cuộc thi, ngoài giải thưởng tiền mặt với tổng giá trị là 50.000.000 đồng, 5 nhóm xuất sắc của đêm chung kết sẽ được tham quan và làm việc với 3 doanh nghiệp startup vượt trội. Đồng thời tham gia quá trình ươm tạo doanh nghiệp theo chương trình hợp tác giữa Đại học FPT và HBI tại các vùng miền trong cả nước. Đây là cơ hội để các bạn hoàn thiện kế hoạch khởi nghiệp, tạo tiền đề cho những bước phát triển mới trong tương lai và ngày càng đến gần hơn với “giấc mơ hiện thực hóa”.

“Start-up Uni: Become a unipreneur” là cuộc thi khởi nghiệp do Đại học FPT, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ cao Hòa Lạc (HBI), Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao TP. HCM (SHTPIC) và Đại học Nông Lâm TP. HCM phối hợp tổ chức. Cuộc thi nhằm khuyến khích những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, ứng dụng công nghệ. Đồng thời mong muốn khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo của thế hệ trẻ, tìm kiếm và tôn vinh những tác giả có dự án khởi nghiệp xuất sắc trên cả nước.

Vân Anh

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/khoi-nghiep/lo-dien-quan-quan-cuoc-thi-khoi-nghiep-start-up-uni-mua-dau-tien-145334.ict