Lộ diện hình ảnh tên lửa đạn đạo liên lục địa lớn nhất của Nga

Viện thiết kế tên lửa Makeyev vừa công bố hình ảnh đầu tiên về loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Nga RS-28 Sarmat.

Lộ diện hình ảnh tên lửa đạn đạo liên lục địa lớn nhất của Nga

Tên lửa Sarmat, hiện đang trong quá trình phát triển tại Viện thiết kế tên lửa Makeyev (ở thành phố Miass, phía Đông dãy núi Ural) là câu trả lời của Nga trước mối đe dọa đến từ những hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (Moskva cho rằng chúng làm mất cân bằng chiến lược toàn cầu).

Hôm Chủ nhật (23/10), Viện Makeyev đã tiết lộ hình ảnh của loại vũ khí bí mật này (dự kiến đưa vào sản xuất trong năm 2018).

Bức hình này được đăng kèm với một đoạn văn bản ngắn có nội dung cho biết Makeyev đã nhận chỉ thị từ chính quyền để thiết kế và phát triển Sarmat.

Theo đó, từ tháng 06/2011, Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng cấp quốc gia để phát triển Sarmat. Hệ thống tên lửa này được phát triển để tạo ra biện pháp răn đe hạt nhân hiệu quả cho các lực lượng chiến lược Nga.

Dưới đoạn văn bản có chữ ký của hai trưởng cục thiết kế là V. Degtar và Y. Kaverin.

Sarmat ra đời để thay thế cho các tên lửa đạn đạo RS-36 được đưa vào biên chế quân đội Liên Xô trong giai đoạn những năm 1970 và 1980. Với khả năng tải lớn, loại tên lửa này được dự đoán mang tới 10 đầu đạn hạng nặng hoặc 16 đầu đạn hạng nhẹ, hoặc kết hợp giữa nhiều đầu đạn và thiết bị mồi bẫy để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Khi dự đoán về sự xuất hiện của loại tên lửa mới, điều khiến các chuyên gia quân sự nước ngoài bối rối nhất là khả năng tên lửa RS-28 sẽ được trang bị một loại đầu đạn hạt nhân siêu vượt âm (project 4202), có khả năng đạt được tốc độ từ Mach 7 - 12 sau khi tách khỏi tên lửa.

Loại đầu đạn này dự kiến sẽ được triển khai từ giữa năm 2020 - 2025, có khả năng vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại nào.

Các tên lửa Sarmat sẽ là biện pháp đáp trả hiệu quả của Moskva trước các hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ bố trí gần biên giới Nga, cũng như chương trình đòn tấn công toàn cầu (Prompt Global Strike) của Lầu Năm Góc, trong đó sử dụng số lượng lớn tên lửa hành trình thông thường để áp đảo đối phương.

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/lo-dien-hinh-anh-ten-lua-dan-dao-lien-luc-dia-lon-nhat-cua-nga-20161025090200709.htm