Liều thuốc lạc quan của á khôi nhiễm HIV

Đang là một giáo viên mầm non năng nổ, đầy triển vọng thì bỗng nhiên biết mình nhiễm căn bệnh thế kỷ: AIDS. Mất việc và chế độ, người đời kỳ thị, chồng ghẻ lạnh... tất cả tai họa cứ thế giáng xuống đầu chị Tô Thị Tuyết (TP Bắc Giang) đang phải nuôi con nhỏ. Thế rồi, bằng một nghị lực phi thường, chị đã vượt qua mọi khó khăn và rào cản để trở thành người lạc quan, tích cực giúp đỡ những người đang gặp bi kịch khác.

Chị Tuyết đã tự tin hơn trong cuộc sống.

Đòn đau của số phận

Năm 2007, chị Tuyết - giáo viên Trường Mầm non Hoa Sen (TP Bắc Giang) nghỉ để sinh đứa con thứ hai thì trong lần xét nghiệm trước sinh, chị phải nhận tin sét đánh là trong người nhiễm vi rút HIV. Đất dưới chân như sụt lở, chị không tin vào tai mình và phải hỏi đi hỏi lại. Bác sĩ nói chắc như đinh đóng cột rằng, chị đã nhiễm H. Tuyết không thể nào tin nổi điều đó, chị đã đi làm vài xét nghiệm lần nữa với hy vọng là người ta đã nhầm. Nhưng không, các bác sĩ đã đúng.

Sốc nặng, đau khổ, tuyệt vọng, hồ nghi... chị Tuyết lục lọi trong ký ức xem mình đã làm gì để nhiễm bệnh thế kỷ. Chị và chồng đều là người thủy chung, không thể có chuyện bồ bịch để trở thành nguy cơ nhiễm bệnh. Tuyết cho rằng, có thể mình đã nhiễm trong lần phải bỏ thai lưu, hoặc những lần dạy học và tiếp xúc với các em nhỏ mà bố mẹ chúng nhiễm HIV. Nhưng có nghĩ ngợi đến nát óc thì cũng đã “lĩnh án” rồi, một nghịch cảnh oái oăm không thể nào khác được. Không thể nào cưỡng lại, không thể tin nổi, và chẳng lẽ lại đi tìm đường chết?

Chồng sốc, gia đình hoang mang, bố mẹ sợ hãi cách ly. Mọi chuyện cứ rối tinh rối mù khiến người phụ nữ đang nuôi con nhỏ càng kiệt quệ. Ngay cả chồng của chị lúc đó cũng kỳ thị hai đứa con. Sau này, làm các xét nghiệm, biết hai con không hề nhiễm H, anh chồng mới dần vơi kỳ thị. Lúc đầu biết bản thân nhiễm H, Tuyết ngại chẳng muốn gặp người ngoài, và càng hoang mang không biết người ta nghĩ gì về mình. Một thời gian dài chị dường như chỉ ở nhà và nhờ hàng xóm đi chợ, nếu cần mua thứ gì cho sinh hoạt gia đình. Chị rơi vào trầm cảm, lúc nào cũng dằn vặt bản thân.

“Tôi có một người chồng điển trai, làm ngành quân đội, bản thân luôn là một người sống tốt và làm một công việc cũng rất tốt. Tôi hoàn toàn có thể sống cuộc sống hạnh phúc, có tương lai rộng mở nếu như điều đau khổ đó không xảy đến. Khi biết tôi nhiễm HIV, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi tôi thì làm gì mà có thể nhiễm được cái thứ chết người ấy. Ấy vậy mà... Tôi trở lại trường sau thời gian nghỉ thai sản, thì cũng là lúc Ban giám hiệu vận động nghỉ việc. Họ đưa ra tên các học sinh xin chuyển trường, lấy cớ cắt chế độ bảo hiểm của tôi một cách dứt khoát, để tôi hoàn toàn không còn dính líu”, chị Tuyết cho biết.

Không việc làm, chi phí nuôi con đội lên, cuộc sống đã túng thiếu lại cùng quẫn. Tuyết muốn có việc làm, nhưng lúc đó ngoài dạy học ra chị chẳng biết làm gì khác. Chị đi xin việc nhiều nơi nhưng không đâu nhận, có nơi biết chị nhiễm H, lúc chị về họ còn phun thuốc diệt khuẩn chỗ chị ngồi. Chị liền đi học may rồi nhận hàng về may thuê để có thể kiếm chút tiền nuôi mình, nuôi con.

Và cuộc đời Tuyết, dù đau đớn tột cùng thì người ta vẫn thấy có một điều may mắn là chồng và hai đứa con của chị không hề nhiễm H. Tuyết chân tình cho biết, thời gian trước và kể cả trong quá trình mang thai hai vợ chồng vẫn quan hệ bình thường. Có người đặt dấu hỏi và cho rằng đây là một chuyện vô lý, bởi trong trường hợp này anh chồng rất dễ “dính”. Thế mà điều đó đã không xảy ra. Đó là điều mà Tuyết thấy may mắn, nghĩ rằng ông trời còn chưa lấy hết mọi thứ của mình. Điều đó giúp chị gắng gỏi sống vì con. Dù lúc đó người chồng đã quyết định ly thân với vợ.

Vượt qua kỳ thị

Chìm trong nước mắt, và phải đến khi được tham gia vào một dự án của Mỹ về chống kỳ thị với người nhiễm H, được hoạt động trong Trung tâm Phòng chống HIV/ AIDS Bắc Giang, chị Tô Thị Tuyết mới dần lấy lại được niềm tin trong cuộc sống. Được động viên, chị Tuyết tích cực hoạt động hơn, trở thành một đồng đẳng viên năng nổ của CLB “Tình thương và hy vọng”. Tiếp tục, chị được bầu làm trưởng nhóm tự lực “Vì ngày mai tươi sáng”, tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của tỉnh nhà.

Nhưng có lẽ, chị Tuyết thật sự tạo được bước ngoặt trong cuộc đời và trở nên khá nổi tiếng, có uy tín kể từ khi chị tham gia và đoạt giải Ba cuộc thi “Dấu cộng duyên dáng 2010” - thực chất là cuộc thi dành cho những phụ nữ nhiễm HIV. Chị cho biết: “Lúc đó tôi nghĩ chỉ đăng ký thi để giao lưu thôi, chứ chẳng nghĩ sẽ xuất hiện trên ti vi, trên mạng internet đâu. Lúc đó đi thi, gia đình cũng còn phản đối tôi mà bởi mọi người nghĩ rằng, đã mang bệnh rồi, chẳng có gì hay ho nữa mà thi với thố. Bản thân tôi lúc đó còn khá rụt rè, mặc cảm. Sau khi được một số bè bạn động viên, tôi cũng nhận ra mình chẳng có tội gì cả. Và những người như tôi cần phải làm cái gì đó để giảm kỳ thị, phải cất lên tiếng nói của mình”.

Trong suốt quá trình thi, Tuyết đã thể hiện một quan điểm rõ ràng, rằng mọi người hãy thông cảm và chia sẻ với người nhiễm H, nhìn họ tích cực hơn, giúp họ sống bình yên trong cộng đồng. Chị đã mang đến cuộc thi thông điệp hình ảnh sống động về những phụ nữ nhiễm HIV bằng xương bằng thịt vẫn đang sống khỏe mạnh, xinh đẹp. Suốt những ngày tháng hoạt động xã hội, chị đã gặp rất nhiều hoàn cảnh đáng thương, những người nhiễm H sống cô đơn trong chính gia đình mình, cộng đồng mình. Số tiền 8 triệu đồng có được, ngoài trang trải cho hai con, chị cũng dành một phần giúp đỡ trẻ em nghèo. Cái được nhất của chị là đã giúp nhiều người biết chị, biết nghị lực và cách chị đấu tranh với bệnh tật, với sự kỳ thị thế nào và tuyên truyền chống kỳ thị người nhiễm H ra sao.

Càng nhiều người biết thì càng nhiều người thông cảm, hiểu cho chị, cho những người bệnh như thế. Ngoài ra, chị còn kêu gọi tạo điều kiện việc làm cho người nhiễm H, bởi đó là cách tốt nhất giúp họ sống tốt trong cộng đồng, tránh để những người phụ nữ nhiễm bệnh đi trả thù đời, đổ bệnh cho người khác bằng cách hành nghề mại dâm.

Ngôi sao dẫn đường

Phải khẳng định Tuyết có nét xinh đằm thắm, dịu dàng. Bộ quần áo chị tự may cũng rất phù hợp với phong cách giản dị của chị. Gần 10 năm làm giáo viên mầm non không chỉ tạo thêm cho chị vẻ mềm mại cả trong giao tiếp lẫn cách sống. Ngần ấy năm bị bệnh, cho đến lúc này vẫn chưa đủ tàn phá nhan sắc chị, sức khỏe của chị. Chị vẫn khỏe như người bình thường và chưa phải dùng thuốc để điều trị. Điều đó với chị cũng là một may mắn lạ lùng.

Trước đây chị khóc nhiều lắm, giờ thì chẳng điều gì có thể làm chị khóc. Chị đã vượt qua nghịch cảnh, qua cái ngưỡng để biết sống thế nào cho tốt với mình, con cái và người thân cũng như những phận người kém may mắn. Để có được điều đó, Tuyết bảo phải tạo cho mình sự vững vàng, có niềm tin để sức khỏe cứ ở bên mình mãi.

Hơn một năm nay, vào buổi sáng Tuyết dạy học cho các em nhỏ nhiễm H ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang, chiều lại làm ở phòng khám của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh nhà và nhiều công việc xã hội khác. Chương trình dạy học đã được lãnh đạo trung tâm cho chị hoàn toàn tự quyết, cốt sao tốt cho các em chịu thiệt thòi. Bởi 8 em tại đây ngoài nhiễm bệnh, phải điều trị thường xuyên thì đều đã mất cả cha lẫn mẹ. Những tâm hồn non nớt, các em lúc này chẳng khác gì ngọn đèn trước gió, nhưng các em vui vì có một ngọn đèn lớn hơn soi sáng động viên. Tuyết thấy mình còn may mắn hơn các em, hơn nhiều người khác. Bởi ít ra, ông trời còn ban cho chị niềm vui khác, một sức chiến đấu dẻo dai.

Chị nói, lớp có 11 em nhưng vài em đã mất đi vì không đủ sức chống lại bệnh tật. Và trong lớp học có 8 đứa trẻ nhiễm H chị thương nhất em Hoàng Mai Linh nay không còn bố mẹ, ông bà cũng chẳng có trách nhiệm gì. Em gầy gò, xiêu vẹo như chính con chữ của em viết. Hai năm nay em còn đau khớp chân, đi lại khó khăn do tác dụng phụ của thuốc điều trị. “Em Linh cô đơn và thân phận, nhưng cũng rất kiên cường, và đến hôm nay em ấy còn sống được cũng là một kỳ tích. Tôi đi làm tình nguyện gặp những ông già chẳng may nhiễm H, họ sống trong lo lắng, cô đơn lắm. Lúc tuổi già người ta cần nhất là sự chăm sóc, gần gũi của con cái. Nay lại bị con cái kỳ thị, xa lánh thì chẳng còn gì đau khổ bằng”, Tuyết buồn bã nói.

Nhìn những cặp mắt ngây thơ của các em nhỏ trong cái lớp học cũng rất nhỏ, bất cứ ai cũng thấy bùi ngùi. Một phần cho những đứa trẻ thiệt thòi, một phần cảm thông cho chị Tuyết - cũng là một người mẹ. Đành rằng chị tự tin, nghị lực, quyết tâm nhưng tương lai của hai đứa con khiến chị không thể không suy nghĩ. Và hơn thế, có một điều chắc chắn là chị sẽ phải tận mắt chứng kiến từng ngày, căn bệnh bào mòn cơ thể của các em nhỏ, lấy đi mạng sống của các em.

Ông Tá Quang Vĩnh - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Bắc Giang cũng không giấu được cảm xúc khi nói về Tuyết: “Chị ấy thương người, thương bọn trẻ, cảm thông với người khác. Do điều kiện có hạn, nên chúng tôi mới chỉ ký hợp đồng với chị Tuyết theo từng năm, với mức lương khá khiêm tốn, chỉ 1,6 triệu đồng thôi nhưng chị ấy luôn dành những gì tốt nhất cho trẻ em ở trung tâm”.

Mong mỏi nhất của Tuyết lúc này là một công việc ổn định, có thể nuôi được bản thân và chăm sóc cho hai con. Chị cũng muốn có điều kiện để học lên đại học, dù đó là tại chức, để củng cố thêm kiến thức cho mình. Nghe mà thấy tim mình nhoi nhói đau. Đó là một khó khăn, thử thách. Và với Tuyết, lạc quan là một liều thuốc tốt để giúp chị vững tin sống. Hy vọng chị sẽ vẫn biết cách sử dụng liều thuốc ấy để đạt được ước vọng

Nguồn CAND: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/nguoitrongcuoc/2012/12/56365.cand