Liệu cho vay tiêu dùng có đang 'lừa' khách hàng?

Nhiều người cho rằng họ “bị lừa” khi vay tiêu dùng với lãi suất cao và kèm theo các điều khoản ràng buộc chặt chẽ. Tuy nhiên, đây liệu có phải toàn bộ sự thật về lĩnh vực cho vay tiêu dùng hay không?

Lãi suất cao để bù đắp rủi ro

Nhiều người cho rằng, vay tiêu dùng tại các công ty tài chính bị chịu mức lãi suất quá cao so với ngân hàng.

Nếu khách hàng dành thời gian tìm hiểu về quy định pháp lý cơ bản liên quan đến hoạt động của các công ty tài chính trước khi ký hợp đồng, thì sẽ thấy các điều khoản có phần phức tạp và mức lãi suất mà các đơn vị này đưa ra là hoàn toàn hợp lý.

Trước hết, cần hiểu rõ rằng, mức lãi suất cho vay của các công ty tài chính được xác định dựa trên căn cứ bao gồm: giá của các khoản cho vay, mức độ rủi ro thực tế đối với từng khách hàng và được pháp luật bảo hộ.

Có nhiều yếu tố đóng góp vào giá của khoản cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính như: chi phí vốn đầu vào, chi phí quản lý khoản vay, rủi ro thực tế của từng khách hàng,…

Cụ thể, do không có chức năng huy động vốn trực tiếp từ người dân và doanh nghiệp giống ngân hàng, để có vốn dành cho các khoản vay tiêu dùng, các công ty tài chính phải vay lại từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, sử dụng vốn điều lệ hoặc phát hành trái phiếu nên chi phí vốn đầu vào thường cao hơn nhiều lần.

Bên cạnh đó, do giá trị các khoản cho khách hàng vay tiêu dùng thường khá thấp, thậm chí rất thấp (từ vài triệu đến vài chục triệu đồng), kỳ hạn ngắn (khoảng 6 – 18 tháng), địa bàn rộng, bao gồm cả những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa,… nên các chi phí như thẩm định, thu hồi nợ, quản lý khoản vay, phí phục vụ,… cũng bị đẩy lên cao hơn hẳn so với các loại hình cho vay khác.

Ngay cả việc bố trí nhân sự để đảm bảo thời gian xem xét hồ sơ và giải ngân nhanh, thậm chí chỉ từ 10 – 20 phút cũng là yếu tố gia tăng chi phí cho vay của các công ty tài chính.

Bên cạnh đó, các công ty tài chính thường cung cấp khoản vay tiêu dùng bằng hình thức tín chấp (không có tài sản thế chấp), mà chỉ căn cứ theo giấy tờ cá nhân của khách hàng nên rủi ro không thể thu hồi khoản nợ cũng thường xuyên ở mức cao.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc các công ty tài chính cho vay với lãi suất cao hơn ngân hàng là điều dễ hiểu bởi họ chấp nhận rủi ro cao khi cho vay tín chấp, và chấp thuận cho vay đối với những khách hàng dưới “chuẩn” của ngân hàng.

Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay của các công ty tài chính cũng không cố định mà được điều chỉnh theo từng đối tượng khác nhau, tùy vào hồ sơ của từng khách hàng và mức rủi ro của khoản vay tín chấp.

Theo số liệu chính thức, hầu hết các khách hàng của công ty tài chính đều đang vay ở mức lãi suất khoảng 30%/năm, tức là chỉ tương đương lãi suất cho vay qua thẻ (với điều kiện rất khó đáp ứng…) của một số ngân hàng. Trong khi đó, tỷ lệ những người phải vay tiêu dùng với lãi suất cao (trên 50%) chỉ chiếm chưa đến 5% tổng số khách hàng.

Giải thích cho việc những khách hàng này phải vay với lãi suất cao, các chuyên gia kinh tế cho biết do hồ sơ vay của những người này quá yếu. Bản thân các công ty tài chính cũng rất “run” khi duyệt vay cho các đối tượng này vì chẳng khác nào họ phải “cầm dao đằng lưỡi”.

“Không đọc kỹ điều khoản vay rồi nghĩ mình bị lừa”

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì dù ở nền kinh tế nào thì lãi suất vay tín dụng tiêu dùng bao giờ cũng cao hơn ở các ngân hàng. Còn việc áp dụng mức lãi suất như thế nào là phụ thuộc vào 2 điều kiện khi vay, đó là thế chấp và tín chấp.

Khách hàng khi đã quyết định đi vay thì phải xem xét, cân nhắc khả năng lựa chọn gói vay phù hợp với điều kiện chi trả lãi hàng tháng. Một khi đã đồng ý ký vào hợp đồng vay thì phải chấp nhận mức lãi suất này.

Cũng có nhiều người khi đi vay thì không đọc hợp đồng, đến khi trả lãi lại cho rằng mình bị lừa vì số tiền lãi quá cao. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty tài chính đều phải tuân thủ quy định công bố đầy đủ thông tin về lãi suất và quy định trả nợ trước khi ký hợp đồng với khách hàng.

“Đây là điều đã xảy ra rất nhiều. Bởi vậy, khi đi vay thì khách hàng cần đọc thật kỹ và hiểu rõ hợp đồng rồi mới ký, nếu khúc mắc là phải hỏi ngay để tránh sự việc không đáng có sau này”, TS Phong khuyến cáo.

Quang Minh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/lieu-cho-vay-tieu-dung-co-dang-lua-khach-hang/