LienVietPostBank: Hướng đến mục tiêu “Ngân hàng của mọi người”

ICTnews - Trao đổi với BĐVN nhân kỷ niệm 4 năm thành lập ngân hàng, TS.Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, LienVietPostBank đặt mục tiêu đến 2015 sẽ có Chi nhánh cấp tỉnh, TP ở tất cả 63 địa phương và đến khoảng năm 2018 sẽ cung cấp các dịch vụ ngân hàng đến 90% số xã, phường trong cả nước.

LienVietPostBank đặt mục tiêu đến 2015 sẽ có Chi nhánh cấp tỉnh, TP ở tất cả 63 địa phương.

Nhìn lại chặng đường phát triển của LienVietPostBank trong 4 năm qua, xin ông cho biết đâu là những thành quả nổi bật nhất?

LienVietBank (nay là LienVietPostBank) ra đời trong bối cảnh nền kinh tế VN gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được những thành quả to lớn và từng bước khẳng định được thương hiệu trên thương trường. Với triết lý kinh doanh “An toàn-Hiệu quả-Thượng tôn pháp luật”, trong 4 năm qua, các chỉ số cơ bản như tổng tài sản, lợi nhuận, cổ tức và mạng lưới của LienVietPostBank luôn tăng trưởng mạnh mẽ, đưa ngân hàng vươn lên Nhóm các ngân hàng TMCP hàng đầu ở VN, Top 100 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam trên bảng xếp hạng VNR500 (đứng thứ 87 năm 2011). Đồng thời, LienVietPostBank còn là ngân hàng TMCP đầu tiên được lựa chọn để phục vụ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Mạng lưới cung cấp dịch vụ với hơn 10.000 điểm giao dịch gắn trong hệ thống bưu cục, điểm BĐVHX phủ khắp 63 tỉnh, thành là kết quả lớn nhất mà ngân hàng có được nhờ việc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) góp vốn vào Ngân hàng TMCP Liên Việt bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và bằng tiền. Đây là bước phát triển nhảy vọt giúp LienVietPostBank hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Ngân hàng của mọi người”.

Xin ông cho biết những công việc của giai đoạn “hậu sáp nhập” VPSC vào ngân hàng đã được LienVietPostBank triển khai như thế nào?

Ngay trong ngày 29/7/2011 khi ngân hàng và VietnamPost tổ chức lễ ra mắt tên gọi và logo mới của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, chúng tôi đã tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ kinh doanh để khai thác mạng lưới rộng lớn của bưu chính. Trong đó, có 2 mục tiêu cụ thể: đến 2015, LienVietPostBank sẽ có Chi nhánh cấp tỉnh, TP ở cả 63 địa phương và đến khoảng năm 2018, cung cấp được các dịch vụ ngân hàng đến 90% số xã, phường trong cả nước. Hiện nay, LienVietPostBank đã cơ bản xác định được cơ chế phối hợp giữa ngân hàng và VietnamPost thông qua Hội đồng Bưu chính Ngân hàng. Cơ chế này giúp giải quyết quan hệ tam giác trọng tâm: Ngân hàng-Tổng Công ty Bưu chính-Bưu điện tỉnh, TP.

Ngoài chuyện nhân sự, tổ chức và sản phẩm thì vấn đề lớn nhất trong xây dựng hạ tầng là làm sao để kết nối thành công 2 hệ thống công nghệ của VietnamPost và LienVietPostBank. Đến nay, hệ thống hai bên đã bước đầu kết nối thông, chúng tôi đang thử nghiệm việc quản lý hoạt động kinh doanh của mạng lưới TKBĐ thông qua những phần mềm như “Báo cáo ngày” và “Phòng Giao dịch Bưu điện” do chính đội ngũ CNTT của ngân hàng xây dựng. Đây là việc chưa từng có tiền lệ vì hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) chưa từng tích hợp thêm những ứng dụng này. Đây cũng là bước đệm đầu tiên chuẩn bị cho việc triển khai gói ứng dụng Phòng Giao dịch Bưu điện cao cấp hơn. Dự kiến, gói ứng dụng này sẽ được áp dụng đồng loạt trên hệ thống công nghệ TKBĐ để đảm bảo "online hóa" khoảng 1.300 Phòng Giao dịch Bưu điện từ cuối tháng 6/2012.

Sau gần 1 năm từ thời điểm VietnamPost góp vốn vào ngân hàng, ông có thể chia sẻ về những kết quả mà LienVietPostBank đạt được nhờ khai thác thế mạnh mạng lưới rộng khắp của VietnamPost?

1 năm chưa phải là thời gian đủ dài để LienVietPostBank tận dụng được lợi thế kênh khai thác, huy động vốn qua mạng lưới bưu cục của VietnamPost. Thêm vào đó, toàn bộ lĩnh vực tài chính-ngân hàng trong thời gian qua đều thực hiện chính sách của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ngăn chặn sự suy giảm của chất lượng tín dụng. Trong bối cảnh đó, mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là đảm bảo nguồn tiền gửi của khách hàng vào mạng lưới TKBĐ. Tôi cho rằng, cái đạt được lớn nhất ở đây là đã mang lại niềm tin cho khách hàng trong việc LienVietPostBank tiếp quản tốt toàn bộ hệ thống TKBĐ, cam kết đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền. Có được kết quả này là nhờ chúng tôi phối hợp với VietnamPost để truyền thông đến khách hàng, giúp họ hiểu rằng “sáp nhập” VPSC vào ngân hàng chính là nhằm nâng cấp chất lượng của dịch vụ TKBĐ tại các bưu cục.

Bên cạnh những lợi thế, LienVietPostBank phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là đội ngũ nhân viên bưu chính còn bỡ ngỡ với hoạt động ngân hàng. LienVietPostBank đã làm gì để “hóa giải” thách thức này, thưa ông?

Bên cạnh việc đào tạo khoảng 150 nhân viên chính thức của VPSC, LienVietPostBank cũng đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo cho hàng ngàn nhân viên bưu chính tại các điểm giao dịch bởi họ là người tiếp thị trực tiếp sản phẩm, dịch vụ của LienVietPostBank đến khách hàng bình dân. Trên cơ sở các giáo trình đào tạo do LienVietPostBank và VietnamPost cùng soạn thảo, chúng tôi triển khai 3 biện pháp: đào tạo tập trung với những khóa học ngắn hạn tại các trung tâm vùng; đào tạo từ xa thông qua 2 kênh là hội thảo trực tuyến (video conference) và qua website cung cấp các bài giảng, bài thi; đào tạo tại chỗ.

Xin cảm ơn ông!

Minh Tú

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 45 ra ngày 13/4/2012.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/home/Buu-chinh/7/LienVietPostBank-Huong-den-muc-tieu-Ngan-hang-cua-moi-nguoi/101895/index.ict