Liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm an ninh, trật tự xã hội đối với học sinh: Đáng sợ và đáng báo động

Liên tiếp trong khoảng thời gian gần đây, một số vụ việc vi phạm an ninh trật tự xã hội xảy ra đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội như vụ đánh nữ sinh tại Nghệ An; vụ học sinh lớp 8 bị đánh, bị xúc phạm đã tự tử tại Yên Bái và gần đây nhất là vụ nữ sinh đổ xăng đốt trường tại Khánh Hòa…

Ông Bùi Sỹ Lợi.

Ông Bùi Sỹ Lợi.

Chiều qua, 11.10, P.V Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về các vụ việc nói trên.

P.V: Gần đây, dư luận rất quan tâm và lo ngại khi liên tiếp xảy ra các vụ việc vi phạm an ninh trật tự xã hội có tính chất bạo lực, xâm phạm nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của các em học sinh mà thủ phạm trong một số vụ lại chính là các em học sinh. Xin ông cho biết ý kiến?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi rất buồn và lo lắng khi đọc và theo dõi sát sao các vụ việc nói trên qua báo đài, qua mạng xã hội vì đó là biểu hiện xuống cấp của đạo đức, lối sống của một số em học sinh, sinh viên.

Điều đáng sợ và đáng báo động là các vụ việc nói trên không phải cá biệt, lại diễn ra liên tiếp trong một khoảng thời gian ngắn ở nhiều nơi trong cả nước, trong đó nạn nhân và thủ phạm phần lớn là học sinh cấp THCS, THPT, ở vào lứa tuổi “không còn nhỏ nhưng chưa trưởng thành”.

Tác động của hậu quả các vụ việc đó không chỉ ảnh hưởng tới các gia đình liên quan, các nhà trường và hàng triệu học sinh mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội.

Theo ông đâu là nguyên nhân của các vụ việc đó?

- Về những vụ bạo lực học đường, trong đó có vụ học sinh đánh nhau, đốt trường, tôi cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng là các em bị tác động, ảnh hưởng do tiếp xúc quá sớm với phim ảnh, tin tức, hành động có tính chất bạo lực thông qua các thiết bị đa phương tiện hiện đại không được kiểm soát.

Tiếp đó gia đình cha mẹ chưa quan tâm đúng mức đến con cái, chưa định hướng, kiểm soát được sự tiếp cận những thông tin độc hại. Nhiều gia đình cho trẻ tiếp xúc với máy tính, điện thoại thông minh, games bạo lực từ rất sớm.

Thậm chí có trào lưu dùng các clip quảng cáo để dỗ trẻ ăn từ khi các bé còn ẵm ngửa! Rồi báo chí, truyền hình hằng ngày đưa tin tỉ mỉ, đậm đặc về các vụ bạo lực, các hiện tượng xấu trong xã hội, trong khi lượng thông tin về người tốt việc tốt lại quá ít…, rồi những thông tin độc hại trên các mạng xã hội cũng có tác động không nhỏ tới trẻ em, nhất là lứa tuổi THCS, THPT đang trong giai đoạn trưởng thành, thích tìm hiểu, thích khám phá…

Nói một cách hình tượng thì trẻ em hiện nay đang bơi trong một biển thông tin, trong đó có rất nhiều thông tin độc hại, không thích hợp với lứa tuổi. Nhưng một trong những nguyên nhân sâu xa, quan trọng lại đến từ các nhà trường.

Với chương trình dạy và học hiện nay, các trường học dường như quá chú trọng vào việc truyền dạy kiến thức, trong khi mảng rèn luyện đạo đức, tư vấn lối sống, giúp hình thành nhân cách, dạy các kĩ năng sống… cho học sinh còn quá ít.

Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường còn quá sơ sài. Thậm chí các buổi họp của phụ huynh học sinh với nhà trường chủ yếu bàn về các khoản đóng góp, ít bàn về sự phối hợp giáo dục trẻ giữa gia đình và nhà trường.

Một trong các nguyên nhân khác là tác động từ môi trường xã hội. Đó là hành vi ứng xử của người lớn, các bậc cha mẹ, họ hàng, các thành phần xã hội khác đôi khi có những hành động ứng xử phản cảm, không gương mẫu như cãi nhau, đánh nhau… trước mặt các em, các cháu.

Vụ đánh nữ sinh tại Nghệ An Ảnh từ clip.

Vậy ông có ý kiến gì góp ý đối với các nhà hoạch định chính sách giáo dục, các cơ quan chức năng liên quan để góp phần giảm thiểu các vụ việc đau lòng nói trên?

- Cần phải khẳng định rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta liên quan tới các chính sách đối với học sinh trẻ em đã được ban hành khá đầy đủ, trong đó có Luật Trẻ em.

Nhưng công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung và trong các nhà trường nói riêng còn yếu. Học sinh ít được tiếp cận, hiểu lơ mơ về luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hành vi không được kiểm soát, gây hậu quả nghiêm trọng.

Đây là nguyên nhân cần được khắc phục ngay, chỉ đơn giản là giúp học sinh tiếp cận, hiểu rõ hơn các văn bản pháp luật liên quan tới lứa tuổi, hành vi, hậu quả…

Giải pháp quan trọng khác đến từ gia đình, vốn là “tế bào của xã hội”, là nơi trẻ em phát triển, trưởng thành. Ngoài việc định hướng tốt, hướng trẻ tới một cuộc sống lành mạnh, có văn hóa thì chính các thành viên trong gia đình phải là những tấm gương tốt cho trẻ em noi theo.

Tôi thấy trong một số vụ bạo lực học đường được nêu thì có nhiều học sinh liên quan có gia cảnh lục đục, bố mẹ li hôn, không gương mẫu trong chấp hành pháp luật.

Nhiều gia đình còn “giao khoán” con cho người giúp việc, ông bà, người thân, nhà trường... mà rất ít quan tâm tới con cái, chỉ lo kiếm tiền, dẫn đến tình trạng trẻ em xa lạ với bố mẹ, vượt khỏi tầm kiểm soát của bố mẹ. Trẻ em sống trong một gia đình có văn hóa, được giáo dục tốt từ bé, được bố mẹ gần gũi rất ít khi có hành vi vi phạm pháp luật.

Về phía các nhà trường, giải pháp nên thực hiện ngay là cần tăng thời lượng cho giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, phổ biến pháp luật, đưa vào các giờ học chính khóa. Tôi cũng cho rằng nền giáo dục của ta đi chậm hơn so với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em trong thời điểm hiện nay, một nền giáo dục dành cho “những đứa trẻ lớn tuổi” hơn là thích hợp với lứa tuổi…

Và giải pháp hiệu quả nhất góp phần ngăn chặn giảm thiểu các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan tới học sinh là sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có gia đình và nhà trường.

Xin cảm ơn ông!

Quốc Hùng (Theo Báo Văn Hóa)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/lien-tiep-xay-ra-cac-vu-vi-pham-an-ninh-trat-tu-xa-hoi-doi-voi-hoc-sinh-dang-so-va-dang-bao-dong-d26591.html