Liên tiếp nổ lò hơi làm chết người: Ai chịu trách nhiệm?

“Có những trường hợp đoàn kiểm tra an toàn lao động vừa đi khỏi thì tai nạn lao động lại xảy ra ở chính doanh nghiệp đó”, ĐB Trần Kim Yến cho biết.

Liên tiếp thời gian qua, dư luận bàng hoàng khi nhận được thông tin về các vụ nổ lò hơi xảy ra gây thương vong lớn. Mới đây nhất, ngày 10/11, vụ nổ lò hơi xảy ra tại TP.Thái Nguyên khiến 2 thiệt mạng, 6 người bị thương. Dư luận đặt ra câu hỏi tại sao các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hay kêu là mỗi năm đều phải tiếp các đoàn kiểm tra về an toàn lao động nhưng tai nạn vẫn xảy ra, trách nhiệm trong các vụ việc thuộc về ai?

Hiện trường vụ nổ lò hơi tại Thái Nguyên (Ảnh: ANTĐ)

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin bên hành lang QH, ĐB Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho biết: "Cơ quan chức năng của tỉnh đang tích cực làm việc để có thể đưa ra thông tin chính xác nhất về vụ nổ. Để có thể quy trách nhiệm phải làm hết quy trình.

Khi xảy ra vụ tai nạn, đầu tiên VKS, công an khám nghiệm để xác định hiện trường, tử thi. Sau đó, hồ sơ sẽ được bàn giao cho Sở Lao động Thương binh & Xã hội có công đoàn, y tế, thanh tra, công an, kiểm sát lấy lời khai những người liên quan về nguyên nhân dẫn tới vụ nổ. Sau khi xác định nguyên nhân vụ nổ, lúc đó mới quy kết trách nhiệm thuộc về ai".

ĐBQH Hoàng Văn Hùng nói thêm: “Vụ việc mới xảy ra nên chưa thể quy kết trách nhiệm cho ai được vì nguyên nhân chưa rõ. Có những vụ việc liên quan đến khoa học, người ta thậm chí còn phải xin ý kiến của Viện Khoa học hình sự để xác định nguyên nhân vụ nổ. Tôi nói như vậy để chúng ta hiểu rằng, việc quy trách nhiệm là không thể kết luận ngay được.

Sau khi công an, kiểm sát làm xog hiện trường khoảng 1, 2 ngày, các vụ việc tai nạn lao động, Sở LĐTB&XH cùng các đơn vị liên quan căn cứ vào việc hàng năm có thẩm định, kiểm tra thiết bị an toàn, công nhân có được huấn luyện an toàn lao động không, quản lý có quy trình, quy phạm đảm bảo an toàn không… lúc đó mới có thể quy trách nhiệm chính xác”.

ĐB Trần Kim Yến.

Cũng nêu ý kiến về việc này, ĐB Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Vấn đề an toàn trong lao động luôn phải đặt lên hàng đầu. Bởi, nó không chỉ bảo vệ sức khỏe cho công nhân, người lao động mà còn là uy tín của doanh nghiệp.

Thời gian qua, an toàn lao động là vấn đề đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, phía công đoàn cũng lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Tuy nhiên, ở chừng mực nào đó, cũng có bộ phận doanh nghiệp không để ý đến vấn đề này do liên quan đến đầu tư, kinh phí… Nhiều chủ doanh nghiệp coi nhẹ vấn đề an toàn lao động. Đây là việc rất đáng lên án. Bởi, thiếu an toàn lao động sẽ mất đi nguồn lực lao động của xã hội”.

Cũng liên quan đến câu chuyện trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn lao động, ĐB Kim Yến cho rằng: “Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm. Tôi thấy, có những trường hợp đoàn kiểm tra an toàn lao động vừa đi khỏi thì tai nạn lao động lại xảy ra ở doanh nghiệp đó.

Việc kiểm tra hình thức, không đúng thực tế cần quy trách nhiệm cho chính cơ quan, đơn vị thực hiện công tác thanh, kiểm tra. Sự việc xảy ra ở địa bàn TP. Thái Nguyên, trách nhiệm chính là Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên, cụ thể hơn là Phòng LĐTB&XH TP. Thái Nguyên – địa bàn hoạt động của công ty xảy ra vụ nổ lò hơi. Họ phải chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp đóng trên địa bàn để xảy ra mất an toàn lao động”.

Đỗ Thơm – Dương Thu

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/lien-tiep-no-lo-hoi-lam-chet-nguoi-ai-chiu-trach-nhiem-a306111.html