Liên tiếp các vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng: Lỗi tại ai?

Đang kéo dài được một thời gian yên bình, bỗng dưng chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, liên tiếp 2 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra tại 2 địa điểm khác nhau khiến nhiều nạn nhân thương vong.

Đang kéo dài được một thời gian yên bình, bỗng dưng chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, liên tiếp 2 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra tại 2 địa điểm khác nhau khiến nhiều nạn nhân thương vong. Sự việc một lần nữa cho thấy, hiểm họa ở những đoạn giao cắt đường sắt và đường dân sinh vẫn luôn tiềm tàng nguy cơ cao và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào khi chỉ cần một chút chủ quan.

Khoảng 15h30 ngày 4/2, xe du lịch 16 chỗ mang biển số Yên Bái khi cố vượt qua đường ngang dân sinh tại huyện Vụ Bản (Nam Định) đã bị đoàn tàu Thống Nhất mang số hiệu TN1 đâm vào. Trao đổi với báo chí, Trưởng tàu TN1 Cao Hùng Nam cho biết, dù lái tàu đã kéo còi cảnh báo nhưng tài xế ôtô chở khách du lịch vẫn cố vượt qua đường ngang dân sinh ở huyện Vụ Bản. Đoàn tàu không thể dừng lại gấp khi cách chiếc ôtô chưa đến 100m nên đã đâm vào, hất văng chiếc xe du lịch 16 chỗ. Vụ tai nạn khiến tài xế Bùi Đức Thuận (39 tuổi, ngụ huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) tử vong, 5 người kẹt trong xe đã lập tức được đưa đi cấp cứu ở BVĐK Nam Định.

Cùng ngày, tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cũng xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa ôtô và tàu hỏa. Thông tin từ Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 16h, tại xã Đình Dù, huyện Văn Lâm. Thời điểm trên, ôtô 4 chỗ mang biển số Hà Nội chở 3 người đi từ Hải Dương, băng qua đường ngang dân sinh đúng lúc tàu hỏa chạy qua. Vụ va chạm mạnh khiến chiếc xế hộp biến dạng nghiêm trọng, 3 người trên xe bị thương nặng.

Mỗi tai nạn thương tâm xảy ra, dư luận lại đặt câu hỏi: vậy lỗi tại ai khi có 3 “đối tượng” tham gia vào thảm cảnh này - đó là tàu hỏa, phương tiện giao thông đường bộ và điểm giao cắt. Tàu hỏa mặc định không có lỗi vì thường xuyên có còi và đèn báo hiệu cách đó hàng trăm mét, đồng thời không thể dừng lại ở khoảng cách gần. Vậy thì lỗi nằm ở hai đối tượng còn lại.

Đường sắt Bắc - Nam có hàng trăm điểm cắt ngang đường dân sinh và rất nhiều trong số này không có gác chắn, thậm chí không có đèn cảnh báo mà chỉ là một tấm biển nhỏ nhoi hoen gỉ. Đã rất nhiều lần người dân khu vực mong mỏi và đề đạt ngành đường sắt nếu chưa đủ lực để làm barrie và có nhân viên gác tàu thì chí ít cũng lắp được đèn tín hiệu, chuông reo để cảnh báo người dân. Không thể chỉ để biển báo “Chú ý tàu hỏa” hay “Chú ý quan sát” và phó mặc cho… số phận.

Tàu hỏa khi chuẩn bị đến đường ngang dân sinh luôn hú còi để cảnh báo. Tuy vậy, nhiều tai nạn thương tâm vẫn xảy ra khi người, xe cố ý vượt qua đường sắt dù biết tàu đang đến. Thậm chí ở những đoạn có gác chắn, nhân viên thì không ít người vẫn cố tình lách xe vượt qua bất chấp hiểm nguy. Đó chính là ý thức tồi của người tham gia giao thông. Còn với hai vụ việc trên đây, một phần bắt nguồn từ sự bất cẩn của tài xế. Giá như, lại là 2 chữ “giá như” vô cùng đắt đỏ, tài xế điều khiển ôtô đã hạ kính, quan sát và lắng nghe tiếng còi tàu từ xa.

Sau những vụ việc đáng tiếc này, ngành đường sắt cần lập tức bố trí các biện pháp cảnh báo ở các đoạn giao cắt. Còn nhiệm vụ của những lái xe khi qua đoạn giao cắt là hãy xem xét, đặt sự cẩn trọng lên đầu.

Hải Hậu

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/lien-tiep-cac-vu-tai-nan-duong-sat-nghiem-trong-loi-tai-ai-n128093.html