Liên tiếp bắt giữ nhiều phóng viên nhận tiền doanh nghiệp

Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều cán bộ, phóng viên của các tờ báo bị bắt vì có hành vi nhận tiền, cưỡng đoạt tài sản, đe dọa người dân và doanh nghiệp.

1. Bắt quả tang phóng viên VOV cưỡng đoạt tài sản

Ngày 7/8, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận, đang tạm giữ hình sự ông Nguyễn Thế Thắng (SN 1976, ngụ xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột), là phóng viên của VOV khu vực Tây Nguyên, để điều tra, xử lý về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.

Phóng viên nhận tiền của doanh nghiệp.

Đồng thời, công an cũng bắt khẩn cấp 1 người khác được cho là đồng phạm của ông Thắng, là Hoàng Văn Thanh (SN 1982, ngụ phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) cũng về hành vi trên.

Thông tin ban đầu xác định, 18h45 chiều 4/8 lực lượng công an tỉnh đã bắt quả tang ông Thắng đang có hành vi cưỡng đoạt số tiền 45 triệu đồng từ 2 cá nhân là anh Trần Quang P (SN 1988, ngụ đường Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột) và Đinh Thanh H (SN 1984, ngụ xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột).

Bước đầu, công an xác định, ông Thắng lợi dụng hoạt động nghề nghiệp, cấu kết cùng ông Thanh có hành vi cưỡng đoạt tài sản 2 cá nhân như đề cập trên.

2. Bắt phóng viên đang nhận hàng trăm triệu của doanh nghiệp

Vào lúc 20h ngày 6/8, tại quán cà phê Hoa Cau, đường Hai Bà Trưng, quận Ninh Kiều (Cần Thơ), Công an TP Cần Thơ bắt quả tang Phạm Lê Hoàng Uyển (SN 1976, hiện là phóng viên của Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập), đang nhận tiền của 2 doanh nghiệp bất động sản (có trụ sở đóng tại tỉnh Hậu Giang) số tiền là 280 triệu đồng.

Phóng viên Phạm Lê Hoàng Uyển.

Qua điều tra xác minh ban đầu, từ ngày 31/7 đến 4/8, trên Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh có đăng 3 bài viết với các tiêu đề: “Lần theo dấu vết đường dây huy động 600 tỷ đồng cho dự án “ma”"; “Ve sầu thoát xác” và “Vẽ khu du lịch 1.000 tỷ bằng miệng”.

Sau khi các bài báo được đăng, Uyển đã thông báo cho Giám đốc danh nghiệp có liên quan nếu muốn gỡ 3 bài viết trên thì phải đưa cho Uyển số tiền là 700 triệu đồng, nếu chậm thì báo tiếp tục đăng thêm 1 bài nữa, khi đó muốn gỡ xuống thì số tiền phải là 1 tỷ đồng. Sau khi thống nhất số tiền trên, Uyển từ TP Hồ Chí Minh xuống Cần Thơ để nhận tiền thì bị bắt quả tang.

Hiện Công an thành phố Cần Thơ đã ra quyết định tạm giữ hình sự Uyển để tiếp tục điều tra mở rộng.

3. Phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam bị bắt ở Yên Bái

Vào lúc 12h45 ngày 22/6, Công an TP Yên Bái bắt quả tang Lê Duy Phong - Trưởng Ban Bạn đọc báo Giáo Dục Việt Nam, vì có hành vi lợi dụng hoạt động báo chí để nhận tiền của doanh nghiệp.

Phóng viên Nguyễn Duy Phong (áo trắng) khi bị bắt.

Ngày 23/6, Công an TP Yên Bái ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Lê Duy Phong để điều tra về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 280 BLHS. Các quyết định này được VKSND cùng cấp phê chuẩn vào ngày 25/6.

Theo Công an TP Yên Bái, tại thời điểm bắt quả tang, công an xác định Lê Duy Phong nhận 50 triệu đồng của phía doanh nghiệp, tuy nhiên, vị này từ chối tiết lộ thông tin của doanh nghiệp này vì cho rằng cần phải bảo vệ thông tin của bị hại.

Ngoài ra, theo lời khai ban đầu, Phong cũng nhận hàng trăm triệu đồng của một số cá nhân, doanh nghiệp khác trên địa bàn.

4. Bắt 3 cán bộ, phóng viên Báo Kinh doanh và Pháp luật đe dọa người dân

Ngày 25/3, Công an Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng cho biết vừa bắt 3 cán bộ, phóng viên của Văn phòng đại diện Báo Kinh doanh và Pháp luật tại Hải Phòng là Phan Văn Thương (44 tuổi, trưởng văn phòng); Phan Thành Long (26 tuổi, nhân viên); Phạm Văn Tân (27 tuổi, phóng viên) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

3 cán bộ, phóng viên Báo Kinh doanh và Pháp luật bị bắt.

Vào lúc 17h10 ngày 24/3, Phan Thành Long bị Công an Q.Hồng Bàng bắt quả tang đang nhận tiền của bà Đào Thị Đài (ở P.Máy Tơ, Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) sau khi đe dọa bà Đài nếu không nộp tiền sẽ đăng báo việc gia đình bà này vi phạm nguyên tắc xây dựng. Mở rộng điều tra, Công an Q.Hồng Bàng tiếp tục bắt Phan Văn Thương, Phạm Văn Tân. Khám xét nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng, công an thu giữ nhiều tài liệu, bằng chứng liên quan.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan công an, Phan Văn Thương với chức danh Trưởng văn phòng đại diện Báo Kinh doanh và Pháp luật tại Hải Phòng đã tổ chức cho phóng viên, cộng tác viên theo dõi các sai phạm của người dân, tổ chức trong các lĩnh vực xây dựng nhà ở, dạy thêm học thêm... và yêu cầu “hỗ trợ” khoảng 10 triệu đồng mỗi vụ, nếu không sẽ đăng báo. Các hoạt động này đã diễn ra trong thời gian dài, với mật độ cao.

5. Bắt giam một phóng viên báo Bảo vệ Pháp luật chiếm đoạt tiền doanh nghiệp

Ngày 15/6/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Văn Toàn (36 tuổi, ngụ Hà Nội), phóng viên báo Bảo vệ Pháp luật, để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Hai đối tượng Thỏa và Quân tại cơ quan công an.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Gia Thỏa (27 tuổi, ngụ Hà Nội) và Phan Văn Quân (42 tuổi, ngụ H.Yên Thành, Nghệ An) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Ngày 1/4, Thỏa và Quân gọi điện cho giám đốc một doanh nghiệp ở Nghệ An, xưng là phóng viên và yêu cầu phải đưa 50 triệu đồng, nếu không sẽ cho đăng bài viết phản ánh những sai phạm của doanh nghiệp này. Khuya cùng ngày, khi hai người đang nhận của chủ doanh nghiệp nói trên 20 triệu đồng thì bị bắt giữ.

Khám xét trong xe ô tô của Quân và Thỏa, công an thu giữ thêm 24 triệu đồng đựng trong 2 phong bì và giấy giới thiệu do Tổng biên tập báo Bảo vệ pháp luật cấp ngày 29/2/2016 cho Nguyễn Gia Thỏa, có nội dung “Đại diện báo Bảo vệ pháp luật về thông tin, tuyên truyền".

Ngọc Lan

(Tổng hợp)

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/doi-song-phap-luat/201708/lien-tiep-bat-giu-nhieu-phong-vien-nhan-tien-doanh-nghiep-2832649/