Liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Trong lịch sử, nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia thường bị các thế lực xâm lược từ bên ngoài uy hiếp, cho nên sự đồng cảm giúp đỡ, liên kết giữa ba quốc gia chống ngoại xâm đã có từ rất sớm. Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, mối quan hệ đó lại càng thêm sâu sắc, từ tình cảm láng giềng trở thành tình hữu nghị anh em, thành quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa ba nước. Sự liên minh đó hoàn toàn dựa trên cơ sở tự giác, bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau vì lợi ích sống còn của mỗi quốc gia và mỗi dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, trước những âm mưu và hành động của kẻ thù, nhân dân ba nước Đông Dương cùng nhau đoàn kết chiến đấu giành và giữ vững nền độc lập dân tộc, hòa bình cho đất nước nhằm xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Liên minh đoàn kết chiến đấu giữa ba dân tộc hình thành trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp tiếp tục được bồi đắp, củng cố và phát triển trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong liên minh chiến đấu đó, Việt Nam luôn tỏ rõ thái độ, trách nhiệm của mình, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết trong sáng, thủy chung, làm hết sức mình cho tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó giữa ba dân tộc và nhân dân ba nước. Suốt trong những năm kháng chiến, Chính phủ và Mặt trận của mỗi nước luôn phối hợp với nhau về chính trị, ngoại giao; lực lượng vũ trang ta và bạn sát cánh chiến đấu bên nhau, tạo ra thế chiến lược tiến công địch trên chiến trường ba nước, đánh bại từng kế hoạch, từng biện pháp chiến lược của địch trên chiến trường Đông Dương. Ngay trong khi Mỹ đang triển khai đưa quân ồ ạt vào miền nam Việt Nam, từ ngày 1 đến 9-3-1965, Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương được triệu tập tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) để biểu thị tình đoàn kết chống Mỹ, chống âm mưu chia rẽ của kẻ thù. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết cực lực lên án Chính phủ Mỹ đã vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ, gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, can thiệp vũ trang vào Lào và tiến công khiêu khích Cam-pu-chia; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố tình đoàn kết chiến đấu chân thành và bền vững của các dân tộc Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Tiếp sau hội nghị quan trọng này, từ ngày 24 đến 25-4-1970, những người đứng đầu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Cộng hòa miền nam Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia đã họp Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương. Hội nghị khẳng định lập trường đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân và dân ba nước Đông Dương và quyết tâm chiến lược của ba dân tộc nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Thành công của hội nghị đã tăng thêm sức mạnh đoàn kết chiến đấu và là sự cổ vũ trực tiếp đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ba nước Đông Dương, đồng thời tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của nhân dân và các lực lượng tiến bộ trên thế giới chống Mỹ xâm lược. Trong các giai đoạn của cuộc kháng chiến, lực lượng vũ trang ta và bạn cũng luôn sát cánh chiến đấu, tạo ra thế chiến lược tiến công địch trên chiến trường ba nước. Trong cuộc chiến đấu này, miền nam Việt Nam được xác định là chiến trường chính, miền bắc vừa là chiến trường, vừa là hậu phương, căn cứ địa của chiến trường miền nam, chiến trường Lào và chiến trường Cam-pu-chia. Vì vậy, trong khi đẩy mạnh hoạt động trên chiến trường miền nam, ở Lào, ta cùng bạn mở các chiến dịch và nhiều mặt trận ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (1961, 1964, 1969, 1970, 1972), Nậm Thà (1962), Nậm Bạc (1968), Đường 8, Đường 12, (1963), Đường 9 - Nam Lào (1971)... Ở Cam-pu-chia, ta và bạn đã mở cuộc phản công đánh bại cuộc hành quân của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn năm tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia với 4 triệu dân (Stung Treng, Ra-ta-na-ki-ri, Mu-đun-ki-ri, Kra-chie, Prết Vi-hia). Tiếp đó, lực lượng vũ trang ta và bạn đánh bại các cuộc hành quân lớn của địch như Chen La I, (1970), Toàn thắng (1971), Chen La II (1971). Đặc biệt, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn được xây dựng, củng cố và không ngừng được mở rộng bất chấp sự đánh phá, ngăn chặn quyết liệt của kẻ thù là một biểu hiện sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Đó là mạng đường trực tiếp gắn bó các chiến trường ba nước, nối liền hậu phương miền bắc với các hướng chiến lược quan trọng trên ba chiến trường. Nhờ đó, sự chi viện của miền bắc và bạn bè quốc tế cho cách mạng miền nam và cách mạng hai nước Lào, Cam-pu-chia luôn được giữ vững và ngày càng được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Để bảo vệ và mở rộng tuyến đường, ta và bạn đã tổ chức nhiều đợt chiến đấu giải phóng khu vực phía tây Trường Sơn, bao gồm Mường Phìn, Bản Đông (1960-1961), Đường 12, từ Mụ Giạ đến Đường 9 (1962-1963), Pha Lam - Đồng Hến (1964-1965)... Trong những năm 1970, 1971, 1972, lực lượng vũ trang ta đã phối hợp với lực lượng vũ trang bạn giải phóng A-tô-pô, cao nguyên Bô-lô-ven, Sa-ra-van... Từ những thắng lợi to lớn về chính trị, quân sự, ngoại giao, đặc biệt là thắng lợi về quân sự trên chiến trường ba nước Đông Dương đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri (27-1-1973) rút quân khỏi Việt Nam, ký Hiệp định Viêng Chăn về Lào (28-2-1973), ngừng ném bom Cam-pu-chia (15-8-1973). Sát cánh cùng quân và dân Lào, Cam-pu-chia chiến đấu, Việt Nam còn làm hết sức mình để giúp bạn xây dựng và phát triển thực lực kháng chiến, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của phong trào đấu tranh ở mỗi nước. Ta chẳng những giúp đỡ bạn về cơ sở vật chất và phương tiện chiến đấu, xây dựng và mở rộng vùng giải phóng mà còn giúp bạn phát triển lực lượng vũ trang, đào tạo đội ngũ cán bộ để bạn đủ sức đảm đương trách nhiệm của mình. Đó là sự giúp đỡ chí tình, vô tư, hiệu quả trên tinh thần quốc tế vô sản cao cả và trong sáng, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "giúp nhân dân bạn là mình tự giúp mình". Đồng thời, tình đoàn kết và sự giúp đỡ, hợp tác của hai nước Lào, Cam-pu-chia đối với sự nghiệp kháng chiến của quân và dân ta có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần to lớn làm thất bại âm mưu và hành động bao vây, cô lập cách mạng Việt Nam của kẻ thù. Cuộc chiến đấu trên chiến trường Lào và chiến trường Cam-pu-chia luôn phối hợp nhịp nhàng với cuộc chiến đấu trên chiến trường miền nam. Sự phối hợp đó đã buộc quân Mỹ và quân đội Sài Gòn phải phân tán lực lượng đối phó, tạo điều kiện cho ta đẩy mạnh hoạt động, mở các cuộc tiến công chiến lược giành thắng lợi từng bước trước khi giành thắng lợi hoàn toàn trên chiến trường chính miền nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền nam Việt Nam Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào và cách mạng Cam-pu-chia tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Nắm vững thời cơ chiến lược đó, tháng 5-1975, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã kiên quyết và kịp thời phát động đấu tranh với ba đòn chiến lược (nổi dậy của quần chúng nhân dân, tiến công bằng quân sự, gây áp lực; nổi dậy ly khai của một bộ phận binh sĩ) kết hợp với đấu tranh pháp lý giành quyền làm chủ trong cả nước, đưa đến sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày 2-12-1975. Ở Cam-pu-chia, phối hợp chặt chẽ với chiến thắng của nhân dân Việt Nam, quân và dân Cam-pu-chia mở cuộc tổng công kích, lật đổ chế độ Lon Non, giải phóng Phnôm Pênh ngày 17-4-1975, đưa đến sự ra đời nước Cam-pu-chia dân chủ. Với thắng lợi trong cùng một thời gian tương đối gần nhau, cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước đã kết thúc vẻ vang, mở ra cho cách mạng từng nước bước vào giai đoạn lịch sử mới. Như vậy, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương không ngừng được củng cố, vun đắp vì lợi ích chung của nhân dân ba nước. Điều đó cho thấy, liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia là một tất yếu khách quan, thể hiện quy luật phát triển của cách mạng ba nước, và là nhân tố cơ bản để đánh bại kẻ thù. Liên minh đó được xây dựng trên nguyên tắc luôn luôn tôn trọng độc lập chủ quyền, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của mỗi dân tộc, đồng thời giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, cùng nhau đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, vì nền độc lập và chủ quyền quốc gia cho cả ba dân tộc. Đó thật sự là một mẫu mực về tinh thần đoàn kết, liên minh giữa quân đội và nhân dân ba nước độc lập có chủ quyền, luôn tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, là tài sản quý báu mãi mãi được gìn giữ và tiếp tục phát triển lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước ngày nay.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=172070&sub=130&top=37