Liên minh châu Âu tuổi 60 – trưởng thành trong khủng hoảng

Liên minh châu Âu EU - khối liên minh chính trị và kinh tế lớn nhất thế giới - cuối tuần qua vừa tròn 60 tuổi.

“Nền hòa bình vĩnh cửu”

Khởi đầu bằng Hiệp ước Rome được ký ngày 25/3/1957 giữa 6 nước cả đồng minh lẫn cựu thù trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 là Bỉ, Tây Đức, Hà Lan, Italy, Luxembourg và Pháp, một Cộng đồng Kinh tế châu Âu được thành lập dựa trên hai trụ cột: hòa bình và thịnh vượng. Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế Châu Âu và EU chính là tuyên ngôn về khát vọng hòa bình của châu Âu, một châu lục đã chìm trong chiến tranh và tang tóc trong hàng thập kỷ.

Thành công của EU là không thể phủ nhận. Trong suốt 60 năm qua, EU đã mở ra và duy trì một thời kỳ hòa bình thịnh vượng bền vững chưa từng có tại châu Âu. Kể từ khi Hiệp ước Rome được ký kết, EU đã được mở rộng gấp bốn lần, trở thành liên minh thương mại lớn nhất thế giới và là nhà tài trợ phát triển và viện trợ nhân đạo lớn nhất thế giới. Một thị trường rộng lớn và đồng nhất đã được mở ra với số lượng người tiêu dùng lên tới 500 triệu người, có đồng tiền chung, có ngân hàng trung ương, có sự gắn bó chặt chẽ giữa các nền kinh tế.

EU cũng đã thành công xuất sắc trong việc xóa bỏ rào cản biên giới, cho phép người dân giữa các nước láng giềng tự do đi lại, sinh sống và làm việc, và nhờ đó đã tạo ra một mối liên hệ hữu cơ khăng khít giữa những dân tộc mà trước đó còn bị chia tách bởi những đường biên được canh phòng cẩn mật. Và trên hết, ý tưởng về việc tạo ra lợi ích chung giữa các quốc gia để ngăn ngừa chiến tranh, một ý tưởng mà hơn 60 năm về trước còn bị coi là bất khả thi, đã được EU hiện thực hóa một cách trung thành không mệt mỏi.

Hòa bình là mục tiêu ban đầu và cũng là kết quả mà các nước châu Âu đã đạt được trong suốt quá trình xây dựng một liên minh như EU ngày nay. Chủ tịch Hội đồng châu Âu EC đã phát biểu trong dịp kỷ niệm 60 năm cuối tuần qua: “Châu Âu đã gần như đạt được một nền hòa bình vĩnh cửu”.

Những thách thức sống còn

Đằng sau tất cả những thành công, con đường EU chưa bao giờ là một con đường bằng phẳng. Và trong thời điểm hiện tại, ngay cả những công dân châu Âu lạc quan nhất cũng không thể xem nhẹ một thực tế là liên minh này đang đứng trước những nguy cơ và thách thức lớn hơn bao giờ hết. Năm 2016 vừa qua là một năm đặc biệt u ám đối với EU, với cơn địa chấn Brexit và sự ra đi của nước Anh, một trong những nước nòng cốt trong liên minh. Trong các cuộc thảo luận về EU trong năm qua, xuất hiện ngày càng nhiều từ “tan rã”.

Năm 2016 là một năm đặc biệt u ám đối với EU, với cơn địa chấn Brexit...

Một trong những nguy cơ lớn nhất đối với vận mệnh của EU trong hiện tại chính là bầu không khí chính trị kém thuận lợi tại các nước thành viên. Năm 2017 này sẽ diễn ra nhiều cuộc bầu cử quan trọng tại các nước EU trong bối cảnh các đảng dân túy có khuynh hướng chống EU đang trỗi dậy mạnh mẽ. Được tiếp sức bởi chiến thắng của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump - một người không giấu diếm mối ác cảm với mô hình EU, các đảng dân túy châu Âu đang ngày một quyết liệt giành lấy chỗ đứng trên sân khấu chính trị. Tại Hà Lan, đảng Tự do chống EU đã giành được nhiều ghế nghị viện trong cuộc bầu cử hồi giữa tháng. Còn tại Pháp, ứng cử viên Marie Le Pen, người từng nhiều lần công khai kêu gọi giải tán EU, nhiều khả năng sẽ bước vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp mùa hè tới. Còn tại Italia, hai trong số những đảng được xem là có triển vọng nhất trong cuộc tổng tuyển cử đầu năm sau đều là những đảng đã từng kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời bỏ EU.

Một trong những lý do khiến các đảng dân túy đang ngày một trở thành đối thủ đáng gờm của nền tảng chính trị châu Âu hiện tại chính là tình hình kinh tế có phần ảm đạm tại khu vực này. Mặc dù sau khủng hoảng, châu Âu đang tăng trưởng trở lại và khu vực đồng tiền chung châu Âu đang dần bình ổn, thì tỉ lệ tăng trưởng vẫn còn ở mức thấp, đặc biệt là tại các nước vùng Địa Trung Hải nơi có tỉ lệ thất nghiệp cao ở mức khó chấp nhận. Hy Lạp vẫn trong tình trạng bên bờ vực phá sản và bị bóp nghẹt bởi những gói cắt giảm ngân sách khắc khổ mà các quốc gia EU khác áp đặt. Italia và Pháp cũng đang là hai nền kinh tế đang khiến các thị trường phải hồi hộp nín thở theo dõi. Tình trạng nợ công tại nhiều nước thành viên vẫn đang ở mức đáng lo ngại.

Nhập cư là một vấn đề nan giải khác mà EU đang phải đối mặt. Trong năm qua, số người nhập cư vào EU từ Trung Đông và châu Phi đã giảm đáng kể, tuy nhiên đây không phải một trạng thái bền vững mà phải nhờ cậy vào một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đóng cửa con đường nhập cư qua đường Hy Lạp - một thỏa thuận có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào trong bối cảnh quan hệ giữa các nước châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng cơm không lành, canh không ngọt. Trong lúc này, hàng trăm người nhập cư vẫn vượt biển Địa Trung Hải để tới châu Âu mỗi tuần. Sự phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư giữa các nước châu Âu đã trở thành một nguồn cơn gây cẳng thẳng tại EU, cụ thể là Đức thường xuyên bày tỏ sự bất bình với việc các nước Trung Âu không muốn tiếp nhận nhiều người nhập cư theo diện này. Việc tăng cường kiểm soát biên giới ngoại biên của toàn liên minh cũng chưa được đảm bảo. Trong nội khối, hiệp ước tự do đi lại Schengen đang bộc lộ những điểm bất cập trong bối cảnh an ninh khu vực đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các vụ tấn công khủng bố. Nhiều biện pháp kiểm soát biên giới đang được các nước áp đặt trở lại, làm lung lay nguyên tắc tự do nền tảng của Schengen.

Bầu không khí địa chính trị quốc tế cũng đang khiến các nguy cơ đối với EU trở nên tồi tệ hơn. Các cuộc chiến tranh xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nhập cư ngoài tầm dự liệu của châu Âu. Từ phía Đông, một nước Nga đang trỗi dậy mạnh mẽ được xem như mối đe dọa tới phạm vi ảnh hưởng của EU, đặc biệt là ở Đông Âu. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên tiềm năng của gia đình EU, thì đang ngày một xa cách và đi ngược lại các giá trị của liên minh. Và trên tất cả là sự xuất hiện của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Người đàn ông quyền lực nhất thế giới đã bày tỏ mối ác cảm không chỉ với thương mại tự do đa phương mà còn với chính EU, khi công khai ca ngợi quyết định rời bỏ liên minh của Anh và kêu gọi các nước châu Âu khác làm theo.

Nhưng nguy cơ lớn nhất đối với EU ngày nay vẫn đến từ việc mô hình EU hiện tại đang ngày một mất dần sức thuyết phục với các công dân EU và các chính phủ thành viên EU. Sau cuộc trưng cầu dân ý chấn động châu Âu tại nước Anh mùa hè năm trước, Thủ tướng Anh trong tuần này đã kích hoạt tiến trình Brexit tách khỏi EU theo điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon. Sự kiện này báo hiệu một mối hiểm họa tới tương lai của một liên minh mà từ trước tới nay chỉ có tăng mà không có giảm thành viên. Một số chính trị gia có sức nặng tại các nước thành viên khác đã công khai bày tỏ ý định tổ chức trưng cầu dân ý tương tự như Brexit.

Một biểu hiện trên thực tế của sự giảm sút hiệu quả mô hình EU hiện nay chính là việc trong những năm trở lại đây, các hiệp ước EU rất khó được cử tri các nước thành viên thông qua. Trong các cuộc bầu cử trực tiếp Nghị viện Châu Âu, số cử tri tham gia bỏ phiếu cũng ngày một giảm sút, đặc biệt trong năm 2014, tỉ lệ cử tri bỏ phiếu xuống mức thấp kỷ lục là 42,6%.

Hướng đi tương lai

Làm thế nào để vượt qua những thách thức và tái khởi động một tương lai sáng sủa cho Liên minh châu Âu? Những người theo quan điểm truyền thống cho rằng, việc đoàn kết hơn nữa thông qua đồng nhất hóa hơn nữa chính là câu trả lời. Giải pháp này để cao việc củng cố và tăng sức mạnh cho các thể chế EU, biến Brussels thành trái tim và nơi đưa ra các quyết định quan trọng nhất của châu Âu.

Tuy nhiên, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, thực tế đã chứng minh đây không phải hướng tiếp cận “được lòng” các cử tri châu Âu. Brexit chính là một lời cảnh báo về những gì có thể xảy ra nếu EU xa rời nguyện vọng của các cử tri. Trong giới chính trị châu Âu cũng đang dần hình thành một khái niệm khác về liên minh này, theo đó, EU không còn là một liên minh được quản lý tập trung như một siêu quốc gia, mà là một tổ chức liên chính phủ. Thủ tướng Đức Angela Merkel - một điển hình của chính trị gia theo xu hướng ủng hộ EU, cũng đã bắt đầu nói về một “phương thức liên minh” mới với hạt nhân là chính phủ và nghị viện các nước kết nối với nhau như các vòng tròn Olympic, hơn là một liên minh truyền thống được xây dựng xung quanh nòng cốt là các thể chế EU.

Trong dịp kỷ niệm cuối tuần qua, lãnh đạo các nước thành viên đã có mặt tại Rome, nơi các nhà tiền nhiệm của họ đặt bút ký vào bản Hiệp ước Rome 60 năm về trước. Một lần nữa, họ lại đặt bút ký vào một bản tuyên bố chung - bản tuyên bố có tính biểu tượng cho cam kết duy trì và củng cố liên minh EU trong hiện tại và tương lai.

Đáng chú ý, bản tuyên bố chung đặt ra một đường hướng mới cho tương lai EU: đó là một hướng phát triển “đa tầng - đa tốc độ”, trong đó các thanh viên có thể tham gia vào quá trình hòa nhập theo những tốc độ và mức độ khác nhau, phù hợp với nhu cầu và năng lực của từng nước. Bản tuyên bố này thể hiện nhận thức của các lãnh đạo EU rằng một mô hình đồng nhất áp dụng cho tất cả các thành viên có thể không còn phù hợp với tình hình mới, và mô hình EU cần được cải cách theo hướng linh động hơn.

Một đường “đa tầng - đa tốc độ” có thể dẫn tới một viễn cảnh các thành viên EU phát triển với một tốc độ khác nhau và sẽ không phải lúc nào cũng hướng tới một mục tiêu chung. Đây là một đường hướng có tính “cởi trói” cho nhiều nước thành viên, đặc biệt là những nước có nền kinh tế phát triển hơn đang ngấm ngầm bất mãn với việc phải gánh vác những thành viên mới gia nhập từ khu vực Đông Âu. Tuy nhiên, hướng đi này cũng khiến những thành viên mới bất bình khi họ cảm thấy bị phân biệt đối xử, bị từ chối những lợi ích mà quy chế thành viên EU trước đây mang lại.

Dù thái độ và cảm giác của các nước thành viên ra sao, thì một điều khó phủ nhận là trong thực tế, EU hiện tại vốn dĩ đã "đa tầng - đa tốc độ". Một liên minh 28 nước, sau sự ra đi của Anh thì còn lại 27, khác biệt rất nhiều so với liên minh bau đầu với 6 thành viên. Các thành viên EU đã thoái lui và không đồng nhất trong rất nhiều chính sách chung, từ việc có gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu hay không, tới Schengen và các chính sách an ninh phòng thủ chung. "Đa tầng - đa tốc độ" được chọn là hướng tiếp cận để cứu vãn tương lai EU, nhưng cũng chính là thách thức đối với sự đoàn kết sự mức độ gắn kết giữa các thành viên EU.

EU đang trong cơn khủng hoảng. Nhưng chính người cha tinh thần của EU, nhà kinh tế học Pháp Jean Monnet đã nói rằng: “Châu Âu sẽ được tôi luyện qua các cơn khủng hoảng, và châu Âu sẽ là thành quả của những giải pháp được đưa ra để vượt qua khủng hoảng.” “Đa tầng - đa tốc độ” có phải là một giải pháp hiệu quả hay không, hãy để tương lai đưa ra câu trả lời.

Phạm Trấn Hoàng Sa

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/the-gioi/lien-minh-chau-au-tuoi-60-truong-thanh-trong-khung-hoang-43079.html