Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế 2016: Không chỉ là sân chơi

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, với khoảng thời gian gần 15 năm mới có ba cuộc liên hoan, sân khấu thử nghiệm ở Việt Nam còn đang ở một khoảng cách khá xa so với thế giới. Vì thế, đây không còn chỉ là một sân chơi cho các nghệ sĩ đưa ra những thử nghiệm của mình, mà còn là nơi để học tập kinh nghiệm từ nhiều nước.

Liên hoan sân khấu thử nghiệm diễn ra từ ngày 12 đến hết ngày 19-11, tại một số nhà hát trên địa bàn Hà Nội, thu hút 10 đoàn quốc tế và tám nhà hát trong nước tham gia. Tính từ hai kỳ liên hoan trước vào các năm 2002 và 2006, phải sau 10 năm chúng ta mới có kỳ liên hoan thứ ba. Trong bối cảnh các nhà hát nước ngoài luôn luôn tìm cách xoay chuyển, thay đổi, cách tân, và các liên hoan sân khấu thử nghiệm trên thế giới luôn diễn ra định kỳ để giới thiệu, chia sẻ những cách tân ấy, thì sân khấu thử nghiệm Việt Nam còn khá trầm lắng.

Tám vở kịch của Việt Nam bao gồm “Dưới cát là nước” (Nhà hát kịch Quân đội), “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Nhà hát múa rối Thăng Long), “Mê Đê” (Nhà hát Thế giới trẻ), “Giấc mơ” (Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần), “Nguyễn Du với Kiều” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Hamlet” (Nhà hát kịch Việt Nam), “Ionah” (Nhà hát Star Galaxy) và “Cơn bão” (Đoàn kịch nói Công an Nhân dân).

Cảnh trong vở rối "Hồn Trương Ba, da hàng thịt".

Theo đánh giá của NSND Lê Tiến Thọ, đại diện BTC Liên hoan, ở các vở tham gia liên hoan lần này, nhiều đạo diễn đã đem đến ngôn ngữ đạo diễn mới, không chỉ bằng hình thức đối thoại trực tiếp mà còn có cả ngôn ngữ hành động, ngôn ngữ không gian. Một số vở như “Dưới cát là nước”, “Mê Đê” hay “Hamlet” cũng tạo ra được những ngôn ngữ mới trong sân khấu. Vở rối "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Nhà hát múa rối Thăng Long cũng đã thể hiện được một ngôn ngữ sân khấu mới theo xu hướng của thế giới.

Hiện tại, sân khấu thử nghiệm thế giới đã có những bước tiến rất xa. Riêng hoạt động liên hoan sân khấu thử nghiệm, nhiều nước trên thế giới tổ chức hằng năm hoặc định kỳ với thời gian ngắn để kịp cập nhật những xu hướng mới đang liên tục thay đổi.

NSND Lê Tiến Thọ cho biết, trong quá trình xem băng, đĩa do các đoàn gửi đến, ông nhận thấy có nhiều xu hướng mới trong hoạt động sân khấu ở châu Á và thế giới. Nhiều đoàn kết hợp các thiết bị điện tử, công nghệ vào sân khấu để tạo ra những hiệu ứng mới, chuyển tải nhiều thông điệp. Có những vở kịch được lược bớt đối thoại, tối giản lời mà dùng những loại ngôn ngữ khác như hành động, không gian. Nhiều đoàn không dùng sân khấu hoành tráng mà sử dụng lối diễn cơ động, có thể diễn ở bất cứ đâu, một khoảng trống nhỏ cũng có thể trở thành sân khấu, vừa gần gũi với khán giả, dễ dàng chuyển tải được điều muốn nói và dễ di chuyển cho những điểm diễn xa.

NSND Lê Tiến Thọ cho biết, như đoàn Đức tham gia với vở Hamlet chỉ có duy nhất một diễn viên sử dụng các biện pháp kỹ thuật để phối hợp. Hay một số đoàn sử dụng mặt nạ để làm phong phú số lượng các nhân vật, một vở kịch có 20 nhân vật nhưng chỉ cần 4-5 diễn viên với mặt nạ.

Một xu hướng mới nữa là không lấy diễn viên làm trung tâm nữa, mà sử dụng nhiều phương pháp hỗ trợ, từ công nghệ, kỹ thuật cho đến bài trí không gian sân khấu... Đó là những xu hướng muôn màu muôn vẻ của sân khấu thử nghiệm thế giới.

Vở "Hamlet" của Nhà hát kịch Việt Nam.

Vậy hiện nay chúng ta đang đứng ở đâu. NSND Lê Tiến Thọ cho biết, những vở diễn của các nhà hát trong nước mang tính thử nghiệm còn chưa nhiều và còn khá e dè. Đăng ký tham gia Liên hoan có 16 đoàn trong nước gửi 19 vở diễn, nhưng chỉ có tám vở được lựa chọn dựa trên tiêu chí “thử nghiệm”, nghĩa là ứng dụng những cái mới, cách làm mới, thậm chí đưa nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau vào vở diễn.

Nhiều vở hoàn toàn chưa mang tính thử nghiệm, trong đó đáng tiếc là hai vở cải lương “Ngạ quỷ” của Nhà hát Cải lương Việt Nam và “Cạm bẫy và trừng phạt” của Nhà hát Cải lương Hà Nội mới chỉ đơn thuần là một vở diễn mới, chưa có tính thử nghiệm ở bất kỳ yếu tố nào. Đối với nhiều đơn vị khác, mặc dù Hội đã có thông báo từ cuối năm 2014 về Liên hoan, nhưng vẫn không chủ động ghi hình và nộp băng, đĩa, cũng có một số đơn vị nộp muộn sau thời hạn, và vở diễn cũng chưa đầy đủ.

NSND Lê Tiến Thọ nói, hiện nay tính thử nghiệm ở sân khấu của Việt Nam cũng chưa nhiều, nhiều đơn vị còn bị sức ì. “Tôi hy vọng những sự kiện như cuộc liên hoan này sẽ có tác động không chỉ đối với các nghệ sĩ, mà còn đến xã hội. Khán giả sẽ chú ý hơn đến sân khấu, từ đó ủng hộ sân khấu, còn các nghệ sĩ được học hỏi những xu hướng thử nghiệm mới của quốc tế, từ đó lựa chọn hướng đi cho mình và thoát khỏi sức ỳ, giải phóng sự sáng tạo. Đây là một cuộc chơi công bằng để tự làm mới sân chơi của mình”.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/31284602-lien-hoan-san-khau-thu-nghiem-quoc-te-2016-khong-chi-la-san-choi.html