Liên hoan sân khấu thử nghiệm: Nhiều phép thử để tiếp cận đương đại

Sân khấu Việt Nam hãy tự cởi trói cho mình khỏi các quan niệm dàn dựng cũ và phải tìm kiếm những hình thức sân khấu mới.

Với 16 tác phẩm được diễn ra trong một tuần, từ 12 - 19/11/2016 tại Hà Nội, sân khấu Việt Nam và khán giả đã cùng nhau trải qua những cảm xúc thăng hoa qua từng tác phẩm nghệ thuật của các đoàn và các nghệ sĩ đến từ Châu Âu (Pháp, Đức, Hy Lạp); Châu Mỹ (Panama); Châu Á (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật, Philippines.

Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III, Hà Nội – 2016 khai mạc tối 13/11 với sự tham dự của đông đảo nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế.

Sau gần 10 năm gián đoạn, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III/2016 được kỳ vọng là một cú hích thúc đẩy sức sáng tạo, như làn gió mới mang đến nhiều kinh nghiệm sáng tạo cho sân khấu Việt Nam. Tuy nhiên, liên hoan bị thu hẹp, giảm cả số lượng tác phẩm, đơn vị tham gia, sự kiện hoạt động bên lề, thời gian diễn ra… trong sự tiếc nuối của các nghệ sĩ sân khấu trong và ngoài nước.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh - tác giả kịch bản "Dưới cát là nước" do Nhà hát Kịch nói Quân đội dàn dựng và biểu diễn, nhận giải Vàng.

22 quốc gia với 39 vở diễn và 1 hội thảo chính, riêng Việt Nam có 16 đơn vị sân khấu với 19 vở diễn đăng ký, để sau cùng chỉ còn 1 hội thảo, 16 vở diễn của 8 quốc gia (Việt Nam có 8 vở).

Những tác phẩm của quốc tế được công diễn: Con tàu này sẽ không trôi mãi (Đoàn nghệ thuật Dalecuero Danza, Panama), Bạch xà (Trung tâm kịch nghệ Thượng Hải, Trung Quốc), Ramayana (đoàn kinh kịch Hà Nam, Trung Quốc), Mối tình trong sáng (Tanghalang Ateneo,Philippines) Cuộc phiêu lưu của Münchhausen (Pháp), Chim hải âu (Nhật Bản), Khách sạn thiên đường (Familie Flöz, Đức), Tôi nhớ (Noiti Grammi Theatre Group, Hy Lạp).

Việt Nam có 3 vở kịch cổ điển phương Tây: Hamlet, Bão (Shakespeare) và Mê- Đê (Euripide). 4 vở “thuần Việt”: Dưới cát là nước, Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt, Nguyễn Du với Kiều, Giấc mơ, và một chương trình tạp kỹ Chương trình nghệ thuật giải trí Ionah.

Các vở diễn của nghệ sĩ thế giới, nhiều tác phẩm có những thử nghiệm sáng tạo nghệ thuật rất mới lạ, độc đáo nhưng không phù hợp thuần phong mỹ tục bị loại..

Lễ bế mạc và trao giải thưởng Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 3

Thử nghiệm như phép thử đa chiều

Thực tế, qua các vở diễn gửi đến tham gia Liên hoan nhận thấy sân khấu đương đại đã “lạc”, “lệch”, “lãng xa” sân khấu truyền thống. Nhiều hình thức kết hợp, hòa trộn, đặc biệt là đưa kỹ thuật công nghệ cao vào sân khấu, giản lược yếu tố con người. Bối cảnh sân khấu với nhiều hiệu ứng lung linh, huyền ảo, hiện đại hơn.

Diễn viên không còn là trung tâm, có vở giản lược tối đa diễn viên, hay một diễn viên “sắm” nhiều vai trong vở diễn. Nội dung ít đối thoại, dùng nhiều hình ảnh, động tác hình thể để chuyển tải thông điệp của tác phẩm đến với công chúng.

Các nghệ sĩ thế giới có rất nhiều ý tưởng, thử nghiệm độc đáo, mới lạ, hiện đại trong hành trình tiếp cận và chinh phục khán giả. Sự góp mặt của các nền sân khấu đặc sắc Á- Âu đã tạo cho sân khấu của Liên hoan những sáng tạo hấp dẫn.

Thời đại công nghệ cao mang lại cho sân khấu thử nghiệm khá nhiều thuận lợi và được thể hiện trong Liên hoan này. Khuynh hướng dùng các phương tiện công nghệ như màn hình, đèn Led, kỹ thuật điện tử về âm thanh, ánh sáng tạo hiệu ứng thị giác. Các hình thức của nghệ thuật sắp đặt được nâng tầm.

Đúng như tiêu chí thử nghiệm, các nghệ sĩ quốc tế đưa rất nhiều phép thử mới. Một ngôn ngữ sân khấu mới là một cách diễn tả, một biểu cảm mới. Mối tình trong sáng- Philippines dựa trên nguyên tác Romeo & Juliet mang một màu sắc mới, rất “Philippines”, như sự giao thoa giữa các nền văn hoaÁ́- Âu khá độc đáo. Âm thanh, giai điệu, trang phục, điệu nhảy iga của dân tộc Sama- Bajau ở miền Nam của Philippines, đưa khán giả chìm đắm, lôi cuốn theo trong những cảm xúc của nhân vật.

Ramayana mạnh mẽ với những nhân vật võ thuật hấp dẫn bằng các trình thức từ âm thanh đến động tác thì Bạch xà, một vở truyền thống của Trung Quốc được làm lại rất nhẹ nhàng, sâu lắng, mượt mà duyên dáng như bức tranh thủy mạc từ cách diễn đến phục trang và các phương tiện 3D hỗ trợ.

Ramayana của Trung Quốc.

Chim Hải âu, nguyên gốc là của Tchekhov, Nga nhưng đã trở một câu chuyện hành động, lôi cuốn bởi cách diễn táo bạo, nồng nhiệt, tiết tấu nhanh của nước Nhật trẻ trung, sinh động thế kỷ 21.

Panama, Đức, Pháp và Hy Lạp, 4 đại diện phương Tây tham gia Liên hoan mang đến những vở kịch được sáng tạo ngay từ chất liệu đương đại thời sự. Nhóm kịch của Pháp bắt gặp những ý tưởng sáng tạo khi chuyển thể tự do bộ phim Cuộc phiêu lưu của Nam tước Münchhausen của Terry Gilliam thành vở kịch cùng tên. Mượn những tình huống kịch hài hước, kỹ xảo điện ảnh (tách đầu người lên màn ảnh), những “nghệ sĩ” nhí tự do bày tỏ sự kháng cự, ước mơ của mình trước một thế giới đầy hỗn loạn vì khủng bố, chiến tranh sắc tộc…

Familie Floz - Đức đã khiến khán giả ngỡ ngàng khi đem Khách sạn thiên đường đến Liên hoan, kể câu chuyện hài hước nhưng là hiện thực khắc nghiệt của sự giả dối trong xã hội hôm nay. Từ trí thức, nhà chức trách, trộm cắp, lưu manh, ngụy quân tử… với nhiều trạng thái tâm lý, hành động được 4 nghệ sĩ trong 13 vai diễn - với 13 mặt nạ.

Khách sạn thiên đường (Hotel Paradiso).

Độc diễn một mình cùng với việc mời 20 nghệ sĩ Việt Nam lên sân khấu chỉ đơn giản là nằm im đeo tai nghe phiên dịch lời và yêu cầu tất cả khán giả cùng nhắm mắt, Olga Pozeli- Hy Lạp cứ thủ thỉ như rót vào tai mọi người những câu chuyện, những quan điểm về xã hội, về con người trong Tôi nhớ. Một thể nghiệm khá ngỡ ngàng và quá khác biệt của “sân khấu kích thính giác, triệt tiêu khả năng nhìn”. Như sự kiện thời sự nóng hổi, Con tàu này sẽ không trôi mãi - Panama, dùng kỹ thuật diễn xuất hình thể, đan xen vài scene nhào lộn của xiếc, đưa khán giả vào bi kịch hay thảm họa di cư của con người trên biển cả mênh mông, u tối, quẩn quanh.

Các vở diễn của Việt Nam, tính thử nghiệm có phần kém hơn của bạn, nhưng cũng có thể xem là mới so với sân khấu Việt. Chương trình nghệ thật giải trí Ionah - Nhà hát Star Galaxy, Việt Nam khá công phu, như sự kết hợp xiếc + ca nhạc + múa để kể một câu chuyện…..

Mê- Đê- Nhà hát Thế Giới Trẻ ĐH SKĐA TPHCM, không chỉ được Việt hóa mà còn kéo thời gian gần với thời hiện đại một vở bi kịch từ 400 năm trước công nguyên, cùng với sự tối giản phục trang, bối cảnh, đạo cụ. Kịch thơ Giấc mơ- Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ thể nghiệm 5B TPHCM, là sự kết hợp hài hòa hai thể loại Tuồng & Kịch nói, giữa lời thơ với diễn xuất, giữa hiện thực đời sống với tâm linh, giữa sàn diễn hiện tại với quá khứ lịch sử nhân loại.

Mê Đê của Nhà hát Thế giới trẻ.

Trong Hamlet - Nhà hát kịch Việt Nam, tính thử nghiệm ở việc không gian sân khấu động, diễn viên vẫn ở nguyên vị trên sàn diễn. Ở Bão - Đoàn kịch nói Công an Nhân dân, lại thử nghiệm bằng chính các diễn viên, dùng cơ thể người làm cảnh trí, bối cảnh diễn xuất. Dưới cát là nước - Nhà hát kịch Quân đội, thử nghiệm bằng chính nội dung vở kịch, cùng với cách dùng bộ gõ và mặt nạ vải để làm bối cảnh cho diễn viên.

Điểm thử nghiệm chung nhất của các đoàn, là thời gian và lời thoại các vở diễn. Tất cả đều được rút ngắn, vừa vặn với sự kiên nhẫn của khán giả khi xem kịch kinh điển. Vở dài nhất Chim hải âu chỉ có 120 phút, ngắn nhất là vở Mối tình trong sáng chỉ hơn 1 giờ. Các vở khác nằm trong khung từ 70- 90 phút. Đa số các lời thoại được rút ngắn hay biên tập đơn giản hóa, xích gần với ngôn ngữ hiện đại.

Sau thử nghiệm còn lưu lại gì?

Chủ tịch Hội đồng giám khảo, đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc chia sẻ: "Rõ ràng qua Liên hoan lần này, sân khấu Việt Nam đã biết mình đang ở vị trí nào, đương nhiên là tụt hậu so với sự phát triển của các nước có nền nghệ thuật sân khấu phát triển trên thế giới. Vấn đề là phải tự đổi mới không chỉ giải đáp cho bài toán hội nhập mà còn để lấy lại khán giả cho mình.

Sân khấu Việt Nam chúng ta không thể cứ ôm khư khư cái cũ và lệ thuộc vào các trình thức, các quan niệm dàn dựng đã quá lỗi thời, lạc hậu. Sự phát triển và thử nghiệm của các đồng nghiệp quốc tế tại liên hoan lần này là bài học cho các nhà làm nghệ thuật Việt Nam, hãy tự cởi trói cho mình khỏi các quan niệm dàn dựng cũ và phải tìm kiếm những hình thức sân khấu mới".

Cũng là vở kịch hình thể nhưng đã thấy một khoảng cách khá xa giữa các nghệ sĩ Panama trong vở Con tàu này sẽ không trôi mãi với các nghệ sĩ Việt Nam trong vở Nguyễn Du với Kiều. Nghệ sĩ Panama tận dụng những ưu thế của ngôn ngữ cơ thể để diễn tả cung bậc cảm xúc, nghệ sĩ Việt Nam sắp xếp mọi tình huống, nhân vật nhằm mục đích minh họa cho Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Những thử nghiệm của sân khấu Việt chưa nhiều yếu tố mới. Ngôn ngữ đạo diễn khá nghèo, xử lý kịch bản về không gian, thủ pháp dàn dựng chưa có sáng tạo đột phá. Còn nhiều cách xử lý quá cũ từ mấy chục năm nay.

Có một xu hướng mà các nhà đạo diễn sân khấu Việt Nam có vẻ thích “thử” tại liên hoan lần này, tham quá nhiều loại hình nghệ thuật trong một vở diễn, làm mất đi phong cách đặc trưng của loại hình chính của mình. Cảm giác các đạo diễn Việt đang thử nghiệm một cách chơi vơi, nghĩ gì thì thử nghiệm, nên có vở diễn như một cái “lẩu thập cẩm” trộn lẫn nhiều thứ, trở thành lộn xộn, không có khẩu vị đặc trưng.

Điển hình nhất là vở Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt kết hợp chèo, hát xẩm, hát văn, múa…, Nguyễn Du với Kiều kết hợp cả hát văn, chèo, ca cải lương..., Ionah Show là sự kết hợp của nhiều loại hình biểu diễn trên nền chủ đạo là xiếc

Một cái nhìn tổng quan về Liên hoan lần III/ 2016 này có thể thấy

- Khuynh hướng làm sân khấu thử nghiệm vẫn tồn tại. Người làm sân khấu không dừng lại những tìm tòi sáng tạo cái mới.

- Thử nghiệm bằng cách kết hợp truyền thống với hiện đại cộng với công nghệ cao.

- Thử nghiệm một thứ sân khấu ít lời, thậm chí không lời, thay lời bằng cách áp dụng các nghệ thuật thay thế như nghệ thuật hình thể, tạo hình, sắp đặt, nghệ thuật ánh sáng, âm thanh.

- Làm lạ, làm mới những cái đã cũ bằng công nghệ cao của các phương tiện Media.

- Phóng tác, biên tập, các tác phẩm cũ sang một hình thái mới.

Từ cuộc Liên hoan lần này, có cơ hội khẳng định nghệ thuật là đại sứ ngoại giao hữu hiệu, là cầu nối tâm hồn, tình đoàn kết của các dân tộc, thông qua hình tượng nghệ thuật sân khấu, vượt qua sự cách trở về ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa, đến bên nhau trong một không gian nghệ thuật mới, lạ, độc đáo của các dân tộc, nâng tầm giá trị Chân- Thiện- Mỹ nhân loại.

Hà Nội hẹn Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 4/2019./.

3 Huy chương vàng: Dưới cát là nước, Hải âu, Ramayana

4 Huy chương bạc: Mê-Đê, Giấc mơ, Khách sạn thiên đường, Mối tình trong sáng

29 Huy chương vàng và 27 huy chương bạc cá nhân.

Giải xuất sắc: Đạo diễn Nhật Bản; Kịch bản Nguyễn Quang Vinh; Diễn viên NSƯT Hoàng Yến.

Hoài Hương/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/lien-hoan-san-khau-thu-nghiem-nhieu-phep-thu-de-tiep-can-duong-dai-570935.vov