Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 4: Trên đường khẳng định thương hiệu

Qua bốn lần tổ chức, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đang trên đường tự tin khẳng định thương hiệu của mình, với sự ủng hộ nhiệt tình và khích lệ, động viên của các nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà sản xuất, tổ chức trong và ngoài nước....

Ngày hội của nghệ thuật thứ bảy

Năm ngày diễn ra liên hoan phim (LHP) đã thực sự trở thành những ngày hội của đông đảo khán giả Hà Nội với nàng tiên nghệ thuật thứ bảy, vì không phải lúc nào các cụm rạp hiện đại của Hà Nội cũng mở cửa miễn phí cho đông đảo công chúng thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật từ những nền điện ảnh đình đám nhất trên thế giới. Đó là 117 tác phẩm điện ảnh nước ngoài, từ tác phẩm đại diện cho dòng phim kinh điển (Tân hiện thực, Italia) đến các phim mới sản xuất năm 2016, được giải thưởng tại LHP danh giá và chỉ vừa được phát hành trên thế giới trước khi tham dự HANIFF lần thứ IV (Phim “Tôi, Daniel Blake”; Giải Cành Cọ vàng LHP Cannes 2016 – Phim chiếu khai mạc HANIFF IV). Ngoài ra, 29 bộ phim Việt Nam mới, đa dạng về thể loại, đề tài phong phú, nhiều phim có phong cách thể hiện hấp dẫn, trong đó có những phim rất ăn khách, thậm chí liên tục phá kỷ lục vé rạp trong thời gian qua như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Trúng số”, “Chàng trai năm ấy”. “Mỹ nhân”, “Quyên”, “Tấm Cám; Chuyện chưa kể”, “Em là bà nội của anh”…

Khán giả đến nhận vé mời tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia.

146 bộ phim của 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 194 buổi chiếu phim, trong đó 48 buổi chiếu có nghệ sĩ các đoàn làm phim ra mắt, giao lưu trực tiếp với khán giả trước buổi chiếu. Ba buổi chiếu phim ngoài trời kết hợp trình diễn thời trang, biểu diễn ca nhạc tại trung tâm thành phố với các bộ phim “Điều kỳ diệu ở Milan” (Italia), “Nhịp đập trái tim” (Hàn Quốc) và “Taxi, em tên gì” (Việt Nam). Đó là những bữa tiệc thực sự mà khán giả được thưởng thức trong suốt thời gian diễn ra LHP ở Hà Nội.

Vé xem phim được phát trực tiếp tại các cụm rạp trước lịch chiếu hai ngày. Trong số các khán giả xếp hàng nhận vé, không chỉ các bạn trẻ, học sinh, sinh viên mà còn có rất nhiều khán giả lớn tuổi,cũng hào hứng không kém lớp con cháu. Bác Nguyễn Minh Đức, nhà ở phố Thái Thịnh cho biết, bác đi bộ ra Trung tâm chiếu phim Quốc gia từ sớm để xếp hàng lấy vé: “Tôi nghe nói có chiếu cả phim giành giải Cành cọ vàng của LHP Cannes vừa qua nên muốn đến xem thế nào. Không phải dễ mà được xem bộ phim này ở chính tại Hà Nội, cho nên ngay cả lớp già như chúng tôi cũng phải tranh thủ”.

Tại LHP năm nay, khán giả cũng đã được tương tác nhiều hơn với các hoạt động của LHP. Trước mỗi buổi chiếu phim, các nhân viên của rạp chiếu luôn cẩn thận phát tận tay từng khán giả những tờ phiếu bầu chọn cho Phim Việt Nam mình yêu thích (Chương trình Phim Việt Nam đương đại), hoặc bình chọn Phim dự thi hay nhất

Cơ hội để hội nhập

Năm ngày, với sự góp mặt của 200 khách mời quốc tế và hơn 1.200 đại biểu, nghệ sĩ diễn viên trong nước, LHP đã thực sự mở ra cơ hội hợp tác đối với điện ảnh Việt. Không chỉ được chia sẻ những kinh nghiệm quý giá của các nước trong khu vực và thế giới qua hai hội thảo “Hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa các thành viên của FILM ASEAN” và “Điện ảnh Ấn Độ, hợp tác và phát triển”, các nhà làm phim còn có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài về nhiều vấn đề khác.

Chợ Dự án phim, cùng với Trại sáng tác HANIFF đồng hành với LHP, đang ngày càng hoàn thiện hơn và góp phần đưa LHP trở nên chuyên nghiệp hơn. Dự án phim “Roomate service” của nhà làm phim trẻ Việt Nam Nguyễn Lê Hoàng Việt được đánh giá cao và được điểm cao nhất, nhưng đáng tiếc lại là một phim ngắn trong khi bảy phim còn lại đều là phim dài, cho nên không được nhận giải. Bù lại, BHD sẽ đầu tư vốn sản xuất bộ phim cho Hoàng Việt.

Đạo diễn Ấn Độ Adoor Gopalakrisnan, thành viên BGK LHP.

Đến từ những nền điện ảnh phát triển hơn chúng ta, nhiều nhà làm phim kỳ cựu cũng đã có những đóng góp, chia sẻ để LHP chuyên nghiệp hơn, thu hút nhiều nền điện ảnh trên thế giới hơn. Ông Adoor Gopalakrisnan, đạo diễn, nhà sản xuất, nhà biên kịch Ấn Độ cho rằng, LHP nên kéo dài thêm bảy ngày, thay vì năm ngày như hiện tại: “Ban giám khảo chúng tôi phải xem rất nhiều phim, và khi LHP chỉ có vỏn vẹn năm ngày như bây giờ, áp lực đè nặng lên vai chúng tôi, khá mệt và căng thẳng. Tôi nghĩ LHP nên kéo dài bảy ngày là vừa”. Ông Adoor Gopalakrisnan cũng chia sẻ rằng, LHP nên dành cơ hội cho các nhà làm phim trẻ: “Tôi thấy LHP của các bạn có cả các nhà làm phim kỳ cựu và những người trẻ. Theo tôi, chúng ta nên dành cơ hội nhiều hơn cho những người trẻ và mới”.

Ông Miguel Dela Rosa, Giám đốc điều hành của Film ASEAN cũng chia sẻ: “LHP của các bạn nên tổ chức hằng năm để dễ dàng lưu tên, như hiện tại hai năm mới tổ chức một lần thì hơi xa. Ông Briccio Santos (Chủ tịch Quỹ Điện ảnh ASEAN) lại đưa ra ý tưởng “Việt Nam nên tổ chức LHP Đà Nẵng, tôi thấy Đà Nẵng là một thành phố biển rất đẹp, chỉ cần đầu tư xây dựng thêm hạ tầng. Cả thế giới sẽ đến với các bạn”.

Tươi trẻ, đầy sức sống, các nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà sản xuất trong và ngoài nước đều rất hào hứng khi tham gia, LHP quốc tế Hà Nội đang trên đường khẳng định thương hiệu bằng sự tự tin và cẩn trọng của mình.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/31209102-lien-hoan-phim-quoc-te-ha-noi-lan-4-tren-duong-khang-dinh-thuong-hieu.html