Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc: Dân ta phải biết sử ta

Việc quyết định môn Lịch sử thành một trong 8 môn thi chính thức trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, khiến thầy và trò khối 12 năm nay đang ở thế 'vắt chân lên cổ' chạy theo chương trình. Tuy nhiên, coi trọng môn lịch sử không chỉ giúp thế hệ trẻ tự hào truyền thống dân tộc, am hiểu thế giới mà còn giúp hoàn thiện nhân cách các bạn trẻ...

Từ những “con vẹt” Lịch sử…

Không chỉ học sinh, mà giáo viên dạy môn Lịch sử của nhiều trường khi được hỏi thừa nhận, với cách dạy và học hiện hành, hàng chục năm qua, môn Lịch sử đã dần bị lãnh quên và mất dần vai trò trong các chương trình dạy và học của nhà trường. Trước đó, với quy định là môn phụ thi luân phiên với môn Địa lý trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, sau đó, môn này được xếp vào tổ hợp môn thi tự chọn KHXH đã khiến học sinh không chọn môn này để thi vì so với Địa Lý, môn học này khó ghi điểm hơn.

Mặc dù ủng hộ phương án thi môn Sử theo cách mới, cô Lê Thị Thu - Tổ trưởng Bộ môn lịch sử Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho rằng, sự thay đổi này có tính hai mặt. Mặt tích cực là tạo sự chuyển biến trong việc dạy và học môn này. Nhưng mặt khác nó cũng tạo nên áp lực cho các em học sinh năm cuối khi chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi (trong bối cảnh các môn thi khác cũng thay đổi phương pháp thi mới). Cũng theo ý kiến của các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Sử, với để thi trắc nghiệm môn Lịch sử năm nay, phần lớn kiến thức trong bài thi đều lấy từ sách giáo khoa. Do vậy, các em học sinh cần chủ động hơn trong việc khai thác và xử lý thông tin trong sách giáo khoa. Với bài thi trắc nghiệm, ngoài những câu hỏi về kiểm tra kiến thức, cần có một số câu hỏi yêu cầu suy luận, phân tích khi đáp án đưa ra khá giống nhau theo kiểu 50/50.

Giờ thi môn Lịch sử THPT quốc gia 2016: Rất ít thí sinh dự thi. Ảnh minh họa

Giờ thi môn Lịch sử THPT quốc gia 2016: Rất ít thí sinh dự thi. Ảnh minh họa

Còn nhìn nhận về thực trạng dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay, GS Vũ Dương Ninh – Trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, thực ra chuyện dạy và học môn Lịch sử bất cập tồn tại vài chục năm nay, nhưng nó chỉ trở thành vấn đề được dư luận xã hội chú ý khoảng gần 10 năm lại đây kể từ khi Bộ GD-ĐT phát động phong trào “hai không” (Nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) tháng 7/2006. Trong suốt thời gian qua, với quan niệm khá phổ biến là học sử chỉ cần học thuộc trả đủ môn đã biến bao thế hệ học sinh thành những “con vẹt”, mà những “con vẹt” này cũng không nhắc lại đúng những điều cần thiết. “Hàng chục năm qua, môn Sử đã chịu hậu quả tai hại của chủ trương thi và không thi, thi luân phiên giữa Sử và Địa hoặc chỉ được coi là môn thay thế cho Ngoại ngữ khiến vị trí môn học suy giảm dần” – GS Vũ Dương Ninh nhấn mạnh.

Một cuộc điều tra của NCS Phạm Kim Anh trong luận án tiến sĩ có tên “Sách giáo khoa lịch sử của trường phổ thông trung học Việt Nam và từ 1954 đến nay” (bảo vệ tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, 1999) đã dẫn ra một kết quả điều tra với những thông tin như sau: Trong số 1.800 người được hỏi có 39% không biết Hùng Vương là ai; 65% không biết về Trương Định, 49% nói sai về Trần Quốc Toản; 54% trong số 468 sinh viên của các trường đại học không biết gì về Lương Thế Vinh, 83% không biết gì về lai lịch tên những đường phố mà họ đang sống.

“Thà ít mà tốt”

Đó là quan điểm của GS Vũ Dương Ninh trong việc đổi mới xây dựng chương trình và sách giáo khoa Lịch sử mới. Tức là làm sao đó để học sinh có thể học không nhiều nhưng vẫn hiểu được, nhớ được và ham thích lịch sử, như thế thì hiệu quả học tập sẽ tốt hơn so với hiện nay. Đồng quan điểm trong nhận định về tình trạng dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chương trình mới cần được xây dựng theo hướng tích hợp sâu ở bậc tiểu học, mở rộng tích hợp ở THCS và THPT, giảm tối đa sự trùng lặp không cần thiết ở các cấp học. Ở cấp tiểu học, thay vì hình thức học thông sử hiện hành, chương trình sẽ chuyển sang biên soạn các câu chuyện nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ hiểu; chủ đề của những câu chuyện này bám sát sự kiện lịch sử chính thống. Ở cấp THCS, môn lịch sử sẽ học theo thông sử từ cổ đại đến hiện đại nhằm giúp học sinh nắm được hệ thống kiến thức cơ bản nhất của lịch sử thế giới và dân tộc. Học sinh THPT được yêu cầu hiểu sâu hơn về khoa học lịch sử nên sẽ học theo các chuyên đề, chủ đề dựa trên tiến trình lịch sử từ cổ đại đến hiện đại, theo các mạch chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa…

Bên cạnh đó, theo các giáo viên dạy môn Lịch sử, cần phải xác định được mục tiêu của đổi mới dạy và học môn Lịch sử không dừng lại ở kiến thức mà làm thế nào để những kiến thức đó thấm sâu vào nhận thức của học sinh, biến thành hiểu biết của chính các em một cách hứng thú. Do đó, phương pháp dạy học của mỗi giáo viên rất quan trọng. Thầy giáo dạy hay, học sinh mới yêu thích môn học.

Đồng thời, để môn lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, cần phải tăng cường giảng dạy mảng văn hóa, lối sống. Tiết học sẽ sinh động hơn nếu học sinh được tìm hiểu những gì rất đời thường, gắn bó với chính cuộc sống của các em thông qua những nét văn hóa trong quá khứ, chứ không phải chỉ học lịch sử, chính trị khô khan.

Hữu Thành

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lich-su-tro-thanh-mon-thi-bat-buoc-dan-ta-phai-biet-su-ta-44654.html