LHQ xem xét áp trừng phạt mạnh hơn với Triều Tiên: Liệu có hiệu quả?

Nga và Trung Quốc nhấn mạnh rằng chỉ dùng các lệnh trừng phạt sẽ không thay đổi được hành xử của Triều Tiên, và cần phải đối thoại để giải quyết khủng hoảng.

Dự thảo nghị quyết trừng phạt sẽ "lấy đi" 1 tỷ USD của Triều Tiên

Hãng tin Reuters dẫn nguồn ngoại giao ngày 5/8 đưa tin, các quan chức Mỹ đang hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gia tăng các biện phạt trừng phạt đối với Triều Tiên, bằng cách cắt giảm 1/3 kim ngạch xuất khẩu của nước này đối với các mặt hàng: than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Đây được xem là những ngành xuất khẩu quan trọng đem lại doanh thu hàng năm lớn cho Triều Tiên.

Mỹ đang nỗ lực vận động để Hội đồng Bảo an bỏ phiếu hôm nay nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng thử hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hồi tháng trước. Trong khi đó, Nga và một số nước khác đề xuất cần có thêm thời gian.

Để được thông qua, nghị quyết của Hội đồng Bảo an cần có 9 lá phiếu ủng hộ và không có phiếu phủ quyết của Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp hay Anh. Theo một nhà ngoại giao Mỹ giấu tên, nhiều khả năng, Nga và Trung Quốc – vốn được xem là đồng minh của Triều Tiên cũng sẽ bỏ phiếu “ủng hộ” Nghị quyết này.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley hối thúc các nước ủng hộ dự thảo nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên.

Dự thảo nghị quyết cũng cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, cấm các dự án chung với Triều Tiên và không cho phép thực hiện khoản đầu tư mới nào trong các dự án chung hiện tại.

Theo quan chức Hội đồng Bảo an, các mặt hàng cấm nhập từ Triều Tiên được coi là nguồn tiền mang tính quyết định giúp Bình Nhưỡng đầu tư vào các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân tốn kém.

Ước tính, Triều Tiên năm nay thu về 400 triệu USD từ xuất khẩu than, hơn 250 triệu USD từ sắt và quặng sắt, hơn 110 triệu USD từ chì và quặng chì, gần 300 triệu USD từ hải sản. Tuy nhiên, hiện chưa rõ con số thu từ lao động ở nước ngoài.

Biện pháp trừng phạt có hiệu quả với Triều Tiên?

Nga trước đó từng cảnh báo nước này sẽ không ủng hộ những biện pháp trừng phạt làm cho tình trạng ở Triều Tiên tồi tệ thêm.

Nga và Trung Quốc nhấn mạnh rằng chỉ dùng các lệnh trừng phạt sẽ không thay đổi được hành xử của Triều Tiên, và cần phải đối thoại để giải quyết khủng hoảng.

Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, cho rằng các biện pháp cứng rắn hơn là cần thiết để thúc đẩy Bình Nhưỡng ngừng chương trình quân sự.

Mỹ không thể ngồi yên trước các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên thời gian gần đây.

Thực tế, từ sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006 đến nay, Liên Hợp Quốc và các nước phương Tây, trong đó dẫn đầu là Mỹ, đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng, trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như các giao dịch chuyển tiền, buôn bán khoáng sản và đất hiếm.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt này luôn được tăng cường mỗi khi chính quyền Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa, tuy nhiên, dường như chúng vẫn không mang lại hiệu quả rõ nét.

Bằng chứng là Triều Tiên liên tục phát triển tên lửa với nhiều thành tựu. Triều Tiên từng mạnh mẽ tuyên bố: “Thật sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng các lệnh trừng phạt sẽ có tác dụng với Triều Tiên”.

Tú An (Tổng hợp từ VnE, VOV, Zing)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/quoc-te/lhq-xem-xet-ap-trung-phat-manh-hon-voi-trieu-tien-lieu-co-hieu-qua