LHP Cannes: 10 phim được kỳ vọng ở hạng mục Cành Cọ Vàng

Trong 10 phim nhận được sự quan tâm lớn ở hạng mục Cành Cọ Vàng của LHP Cannes, có 2 phim do đạo diễn Hàn Quốc thực hiện - một sự hiện diện đầy ấn tượng của điện ảnh phương Đông.

LHP Cannes có tính chất định hướng nghiêm túc cho điện ảnh nghệ thuật, là nơi phát hiện ra những nhân tố mới, tạo ra những chủ đề, câu chuyện điện ảnh thực thụ mà người ta sẽ tiếp tục nói về trong suốt một năm (thậm chí là nhiều năm) sau đó.

Cũng chính tại đây, những đạo diễn như Michael Haneke (Áo), như Lars von Trier (Đan Mạch) đã cho ra mắt những dự án điện ảnh lớn nhất trong sự nghiệp.

Cũng chính tại đây, người ta tìm thấy những bộ phim định nghĩa đích thực cho nghệ thuật điện ảnh đương đại, thay vì dòng phim thương mại ngập tràn rạp chiếu.

LHP Cannes 2017 năm nay sẽ kéo dài từ từ 17 đến 28/5. Sự quan tâm, chú ý đã được đẩy lên cao nhất, bởi năm nay, có rất nhiều dự án điện ảnh được đánh giá cao và được xem là một LHP chất lượng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong 19 phim tranh giải ở hạng mục Cành Cọ Vàng, dưới đây là 10 phim gây chú ý đặc biệt.

“The Beguiled” (Bị lừa dối - nữ đạo diễn người Mỹ Sofia Coppola)

Phim là một dấu ấn quyết định trong sự nghiệp của nữ đạo diễn 46 tuổi, những ai yêu thích phim “Lost in Translation” (Lạc lối ở Tokyo - 2003) hẳn đều cảm thấy thất vọng khi kể từ đó đến nay, dường như sự nghiệp đạo diễn của Sofia đang đi xuống, cô không có được dự án gây tiếng vang và thậm chí còn có những phim bị đánh giá khá tệ.

Việc “The Beguiled” lọt được vào vòng đề cử Cành Cọ Vàng lần này khiến người ta hy vọng Sofia sẽ có thể lấy lại phong độ. Bộ phim nhận được nhiều đánh giá tích cực và được xem là một sự trở lại đáng mừng của nữ đạo diễn. Được chuyển thể từ tiểu thuyết, chuyện phim lấy bối cảnh một trường nữ sinh trong thời kỳ nội chiến ở nước Mỹ.

Các cô gái đón nhận vào trong nhà trường một người lính bị thương và ngay lập tức, những sự căng thẳng và đối đầu xảy ra, khi một người khác giới xuất hiện giữa những cô gái, những người phụ nữ… Nam diễn viên điển trai Colin Farrell (40 tuổi) vào vai người lính. Tuyến nhân vật nữ có sự tham gia diễn xuất của Elle Fanning, Nicole Kidman, Kirsten Dunst.

“The Day After” (Ngày hôm sau - đạo diễn người Hàn Quốc Hong Sang-soo)

Đạo diễn Hong Sang-soo đã gây ra sự ngạc nhiên lớn trong giới điện ảnh khi ông vừa cho ra mắt “On the Beach at Night Alone” (Một mình trên biển đêm) tại LHP Berlin (Đức) hồi tháng 2 năm nay, giúp Kim Min-hee giành về giải Gấu Bạc cho Nữ chính xuất sắc, thì giờ đây, ông lại có tới hai phim giới thiệu tại Cannes. Vậy là ông có tới 3 phim công chiếu trong vòng 4 tháng.

“The Day After” tranh tài ở hạng mục Cành Cọ Vàng không gây ngạc nhiên bởi trước đây đạo diễn Hong đã 4 lần có phim tranh tài ở hạng mục này, vì vậy, người ta rất kỳ vọng rằng lần này ông sẽ nhận được một giải thưởng lớn.

Cho tới thời điểm này, những thông tin xoay quanh bộ phim vẫn còn rất hạn chế, dù vậy, nếu ai đã từng biết phong cách làm phim của đạo diễn Hong, sẽ không lạ, bởi phim ông thường không có tình tiết, bố cục, nếu để lọc ra một chuyện phim với kịch tính, cao trào, thì gần như chẳng có gì để nói.

Thay vào đó, ông tập trung vào cách các nhân vật tương tác, nhìn nhận sự việc. Phim của đạo diễn Hong thiên về khai thác diễn biến tâm lý, bỏ qua chuyện phim, thường mang đậm chất thơ, dù vậy, phim ông không hề “xoàng xĩnh” mà thể hiện sự thông minh, tinh tế trong cách xử lý.

“Wonderstruck” (Kinh ngạc - đạo diễn người Mỹ Todd Haynes)

Được chuyển thể dựa trên tiểu thuyết, “Wonderstruck” có hai chuyện phim: Chuyện phim thứ nhất xảy ra năm 1927 khi cô bé Rose bỏ nhà để đi tìm gặp thần tượng. Chuyện phim thứ hai xảy ra năm 1977 khi cậu bé Ben cũng bỏ nhà ra đi sau khi mẹ qua đời, để đi tìm người cha mất tích.

Hai phần của bộ phim sẽ được thực hiện theo những thủ pháp hình ảnh rất khác nhau. “Wonderstruck” xoay quanh câu chuyện của hai đứa trẻ nhưng chuyện phim không hề mang màu sắc của “tuổi thần tiên”. Đây sẽ là một bộ phim rất lạ lẫm về thời niên thiếu.

“Loveless” (Không có tình yêu - đạo diễn người Nga Andrey Zvyagintsev)

Phim nói về một cuộc hôn nhân đang trên bờ vực ly hôn. Trong một cuộc cãi vã của cha mẹ, người con trai của cặp vợ chồng đã bỏ đi khỏi nhà, khiến họ phải “ngưng chiến” để cùng đi tìm con.

Với chuyện phim dạng này, “Loveless” rất có thể sẽ trở thành phim được khán giả ở Cannes yêu thích.

“The Square” (Hình vuông - đạo diễn người Thụy Điển Ruben Östlund)

“The Square” kể về một người quản lý bảo tàng, ông đang chịu trách nhiệm thực hiện một không gian triển lãm sắp đặt, đưa lại cho người xem một trải nghiệm mang tính biểu tượng. Người quản lý liền thuê một công ty PR để tạo nên tiếng vang cho sự kiện, nhưng sự việc lại gây nên những tranh cãi trong dư luận.

Ý tưởng của trưng bày nghệ thuật này là một “hình vuông”, trong đó, du khách có thể kể về bất cứ sự trác táng, trụy lạc nào mà họ muốn một lần được thực hiện trong đời, sẽ không bị bất cứ luật định nào phán xét.

“Okja” (Đạo diễn người Hàn Quốc Bong Joon-ho)

Bong Joon-ho là đạo diễn của những phim thuộc thể loại hành động - giật gân như “The Host” (Quái vật sông Hàn - 2006), “Memories of Murder” (Hồi ức kẻ sát nhân - 2003), “Snowpiercer” (Chuyến tàu băng giá - 2013), dù vậy, “Okja” có vẻ là một hướng đi mới. Okja là một động vật khổng lồ, nhưng rất nhút nhát và lặng lẽ, nó bị một công ty lớn giam giữ.

Mija, một cô bé, đã mạo hiểm an nguy để giải cứu cho Okja. Nữ diễn viên nhí người Hàn Quốc Ahn Seo-hyun (13 tuổi) đảm nhận vai Okja. Bộ phim hợp tác Mỹ - Hàn còn có sự tham gia của Tilda Swinton, Jake Gyllenhaal, Paul Dano và Lily Collins.

“You Were Never Really Here” (Không ở nơi đây - nữ đạo diễn người Scotland - Lynne Ramsay)

Nữ đạo diễn 47 tuổi cho tới nay mới chỉ làm 4 phim dài, 3 bộ phim trước của cô đều được giới nghệ thuật đánh giá tích cực. Bộ phim thứ 4 này đã lọt được vào vòng đề cử Cành Cọ Vàng tại Cannes.

Chuyện phim xoay quanh một cựu quân nhân (Joaquin Phoenix) cố gắng giải cứu cho một cô gái trẻ khỏi một đường dây buôn bán nô lệ tình dục, nhưng mọi chuyện diễn ra không như kế hoạch và những tai họa ập tới.

“A Gentle Creature” (Sinh vật dịu dàng - đạo diễn người Ukraine - Sergei Loznitsa)

Chuyện phim kể về một người phụ nữ sống trong một ngôi làng nhỏ. Một ngày nọ, chị nhận được một gói đồ mà chính chị đã gửi cho người chồng đang lãnh án tù. Bối rối và giận dữ, chị muốn tìm hiểu tại sao gói đồ lại quay trở về như vậy… Chuyện phim được lấy cảm hứng từ một truyện ngắn của nhà văn Nga Dostoyevsky.

“Happy End” (Kết thúc hạnh phúc - đạo diễn người Áo Michael Haneke)

Trước đây, Michael Haneke đã có hai phim giành giải Cành Cọ Vàng, đó là “The White Ribbon” (Ruy-băng trắng - 2009) và “Amour” (Cuộc tình - 2012). Cả hai phim này đều từng được đề cử chính thức tại giải Oscar ở hạng mục dành cho Phim nước ngoài, trong đó “Amour” đã xuất sắc rinh về giải thưởng.

Haneke là một trong những đạo diễn nổi danh nhất thế kỷ 21. Cho tới giờ vẫn có rất ít thông tin về phim “Happy End”, chỉ được biết rằng phim sẽ xoay quanh đời sống một gia đình sinh sống ở tỉnh Calais, Pháp.

“The Killing of a Sacred Deer” (Giết con nai thần - đạo diễn người Hy Lạp Yorgos Lanthimos)

Trước đây, đạo diễn Lanthimos đã từng nhận được giải của ban giám khảo tại LHP Cannes với bộ phim hài “The Lobster” (Những người độc thân - 2015). Với bộ phim tâm lý kinh dị này, chuyện phim xoay quanh một cậu thiếu niên có tính cách hung tợn, vốn có một cuộc sống gia đình bất hạnh. Cậu quyết định gắn bó như người thân với một bác sĩ phẫu thuật.

Phim có sự tham gia của nam diễn viên Colin Farrell, chia sẻ về bộ phim, nam diễn viên 40 tuổi tiết lộ kịch bản phim thoạt tiên khiến anh cảm thấy ghê sợ và việc nhận được lời mời tham gia diễn xuất khiến anh phải đắn đo rất nhiều.

Bích Ngọc - Theo Dân trí

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/lhp-cannes-10-phim-duoc-ky-vong-o-hang-muc-canh-co-vang-d43404.html