Lệnh truy nã - Bài 3: Tên tội phạm 'tàng hình'

Lê Hoàng Nam đã 'tàng hình' thành thương binh, ở nhà tình nghĩa, thay tên đổi họ, đánh tráo địa chỉ… nhưng vẫn không thoát 'lưới trời'.

Trinh sát Lê Minh Vương kể: “Tôi đến địa phương Lê Hoàng Nam đang cư ngụ hai lần đều không tìm ra được chút manh mối nào. Không ai biết đến cái tên Lê Hoàng Nam, dù lệnh truy nã ghi rõ quê quán y ở ấp Mỹ Phú Tây, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, Bạc Liêu. Hóa ra đó là cái tên mà hắn cố tình đánh tráo mọi người lúc phạm tội”.

Truy tìm theo tên giả

Tháng 12-2010, trinh sát Lê Minh Vương, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bạc Liêu được giao nhiệm vụ truy tìm tung tích tên tội phạm truy nã đã biệt tăm 25 năm, Lê Hoàng Nam, sinh 1955, ấp Phú Mỹ Tây, xã Hưng Phú. Lệnh truy nã không có hình ảnh đối tượng.

Vương khoác áo thường dân, đến địa phương trong vai đi tìm một người chú họ. Suốt mấy ngày liền rà rê hỏi thăm khắp nơi, ai cũng lắc đầu, cả người dân và chính quyền đương nhiệm. Chính quyền xã nói rằng trong hồ sơ về nhân hộ khẩu địa phương bao năm qua chưa từng có cái tên Lê Hoàng Nam.

Trong bế tắc, Vương nẩy ra một nghi vấn: Đối tượng đã phù phép, thay tên đổi họ khi thực hiện hành vi phạm tội trước đây. Vương nhớ lại: “Thường thì người dân sẽ biết đến tên tội phạm truy nã, chỉ là không biết về tông tích đối tượng. Đằng này, không ai biết đến cái tên, nói chi đến tông tích. Càng mờ mịt, tôi càng nghi hoặc y đang ẩn nấp đâu đây, dưới một thân phận hoàn toàn khác đánh lừa mọi người”.

Trinh sát Lê Minh Vương kể chuyện bắt tên tội phạm tàng hình Lê Hoàng Nam.

Trinh sát Lê Minh Vương kể chuyện bắt tên tội phạm tàng hình Lê Hoàng Nam.

Vương quay về nhiệm sở, lật lại toàn bộ hồ sơ phạm tội của Lê Hoàng Nam. Theo đó, vào năm 1983, Lê Hoàng Nam phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trong năm này Nam đã ba lần thực hiện hành vi lừa đảo và một lần xưng danh thiếu tá quân đội để không trả tiền ăn uống tại cửa hàng ăn uống Công ty Du lịch thị xã Sóc Trăng. Các hành vi lừa đảo trắng trợn đều dưới danh nghĩa thiếu tá quân đội. Anh ta bị kết án ba năm tù nhưng thụ án được 30 tháng thì bỏ trốn vào ngày 17-4-1986, từ trại giam Cồn Cát, Bộ Công an. Điều không bình thường trong hồ sơ phạm tội là tên cha và mẹ. Anh ta có họ Lê nhưng cha lại là Phùng Hiếu Kỳ, mẹ là Nguyễn Thị Lăng. Điều này khiến Vương tin tưởng vào phán đoán của mình: “Cái Lê Hoàng Nam trên lệnh truy nã là tên giả” .

Vương lập tức xuống địa phương lần hai, truy tìm cha mẹ của Nam, ông Phùng Hiếu Kỳ, bà Nguyễn Thị Lăng.

Chính quyền địa phương vẫn lắc đầu với hai cái tên này. Trên sổ bộ quản lý về nhân hộ khẩu tại địa phương có nhiều người họ Phùng, họ Nguyễn càng nhiều hơn nhưng không có hai cái tên mà Vương tìm.

Thêm một lần thất vọng, Vương quay về đơn vị báo cáo tình hình, xin ý kiến lãnh đạo. Trí tuệ tập thể đã cho Vương một ý tưởng mới: Hãy tìm những người làm chính quyền tại địa phương thời điểm những năm 1980. Lãnh đạo phòng nhận định có lẽ ông bà Phùng Hiếu Kỳ và Nguyễn Thị Lăng đã mất từ lâu, còn Nam thì phạm tội ở Sóc Trăng, bị chính quyền Sóc Trăng xử lý nên dân địa phương không biết.

Manh mối từ những ngôi mộ

Lần thứ ba trở lại xã Hưng Phú, Vương tìm ra ông Nguyễn Văn Vàng, trưởng ban nhân dân ấp Mỹ Phú Tây thời những năm 1980. Đúng như nhận định của lãnh đạo, khi nghe đến cái tên Phùng Hiếu Kỳ, ông Vàng nhớ ngay. Ông Vàng cho biết đó là một gia đình chính sách nhưng có một đứa con quậy, từng bị ở tù. Nhưng nghịch tử đó không phải là Lê Hoàng Nam mà là Phùng Em Lớn. “Nghe ông nói, tôi mừng như được vàng. Thì ra phán đoán của mình vẫn còn sử dụng được” - Vương cười tươi, kể.

Tội phạm truy nã Lê Hoàng Nam - Phùng Em Lớn lúc bị bắt.

Thế nhưng khi tìm ở các bộ phận quản lý nhân hộ khẩu tại Hưng Phú, huyện Phước Long, cái tên Phùng Em Lớn vẫn không tồn tại. Không tuyệt vọng, Vương nảy ra ý tưởng tìm mộ của cha mẹ Phùng Em Lớn với suy nghĩ con người dù là tội phạm cũng phải tảo mộ mẹ cha. Và quả nhiên trinh sát Vương đã suy đoán không sai. Người dân ở gần khu vực mộ phần của ông bà Phùng Hiếu Kỳ, Nguyễn Thị Lăng chẳng những biết rõ về Phùng Em Lớn mà còn chỉ cho Vương chính xác nhà của đối tượng. Đó là một căn nhà tình nghĩa, ở đúng ấp Mỹ Phú Tây, xã Hưng Phú.

Công sức ba lần xuống địa phương, với gần hai tuần lễ lặn lội khắp nơi truy lùng tội phạm cuối cùng cũng đã có kết quả. Vương phấn khởi trở lại Công an xã Hưng Phú lục tên Phùng Em Lớn. Thật bất ngờ, vẫn không có tên người này. Vương chỉ ra căn nhà tình nghĩa ở ấp Mỹ Phú Tây, do ông Năm Lớn đang ở. “Đến lúc này thì công an xã mới giật mình. Thì ra Phùng Em Lớn từng lấy lý do sắp dời nhà qua xã khác nên không làm hộ khẩu tại địa phương. Thấy ông là thương binh, gia đình có công với nước nên công an xã cũng thông cảm bỏ qua”.

Vạch trần trò tàng hình

Cuối cùng Vương cũng hoàn thành trách nhiệm, vạch trần trò tàng hình của đối tượng trốn truy nã Lê Hoàng Nam. Theo đó, từ khi trốn trại giam, năm 1986, đối tượng đã lấy lại tên cũ là Phùng Em Lớn. Lẩn trốn một thời gian, đối tượng quay về địa phương sinh sống. Anh ta cất nhà ở ấp Mỹ Phú Tây, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, Bạc Liêu nhưng lại làm sổ hộ khẩu, đăng ký hưởng chính sách thương binh tại ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu. Một sự lột xác đã qua mắt cơ quan công an 25 năm qua.

Kế hoạch vây bắt Lê Hoàng Nam được triển khai vào lúc 10 giờ ngày 6-1-2011. Tại nhà riêng của mình, Lê Hoàng Nam chối quanh và phản bác rằng mình là thương binh, không hề biết đến cái tên Lê Hoàng Nam. Ông ta trưng ra thẻ thương binh, dọa lại lực lượng làm nhiệm vụ rằng nếu không có cơ sở chứng minh ông là Lê Hoàng Nam thì phải bồi thường danh dự cho ông. Trinh sát Vương, lúc này đã trong quân phục thiếu úy công an, điềm tĩnh kể ông nghe câu chuyện của tội phạm Lê Hoàng Nam. Ông ta nghe, biến đổi sắc mặt theo từng lời kể. Khi Vương chỉ ra địa điểm mộ phần thân sinh của ông, những người anh em của ông…, ông run rẩy đến không cầm vững điếu thuốc đang cháy đỏ trên tay.

Cuối cùng, Lê Hoàng Nam đã phải lập bập những câu tự đáy lòng: “Hồi đó còn có ba tháng nữa là tôi ra tù. Bấy lâu nay tôi sống hồi hộp nhưng đã lỡ rồi, đành liều!”.

Đại tá Bùi Thanh Hòa, Trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm - Công an tỉnh Bạc Liêu, cho biết từ ngày thành lập phòng này, công tác truy nã được chuyên trách, nhiều tội phạm lẩn trốn vài chục năm cũng bị lôi ra. “Trước Lê Hoàng Nam, các trinh sát chúng tôi từng bắt tên Trần Văn Mến, tội giết người, đã lẩn trốn 32 năm. Tên này quê ở huyện Hồng Dân, trốn xuống thị trấn Sông Đốc (Cà Mau), thay tên là Trần Văn Hùng, phù phép đứng vào hàng ngũ cán bộ địa phương mấy chục năm trời” - Đại tá Hòa nói.

TRẦN VŨ

Kỳ tới: Trở về từ… ổ bánh mì

Hôm đó anh ta đói, mua ổ bánh mì trám bụng. Ăn xong, anh ta tái mặt. Trên mảnh giấy báo gói bánh mì có ảnh của anh ta, Tôn Tấn Luật, bị truy nã.

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20110615121835298p0c1112/lenh-truy-na-bai-3-ten-toi-pham-tang-hinh.htm