Lệnh ngừng bắn mới tại miền Đông Ukraine: Trước nguy cơ sụp đổ

Trong bối cảnh cuộc nội chiến kéo dài tại miền Đông Ukraine vẫn căng thẳng, một lệnh ngừng bắn mới tại khu vực này chính thức có hiệu lực từ ngày 20-2, được coi là tín hiệu đáng mừng. Tuy còn nhiều hoài nghi về tính hiệu quả nhưng lệnh ngừng bắn vẫn được kỳ vọng sẽ làm giảm tình trạng bạo lực bùng phát tại miền Đông Ukraine nhiều tuần qua.

Leo thang căng thẳng tại miền Đông Ukraine khiến người dân sống trong tuyệt vọng.

Phát biểu sau các cuộc đối thoại với Ngoại trưởng Ukraine, Đức và Pháp tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết các bên đã nhất trí sử dụng ảnh hưởng để yêu cầu các bên thực hiện một lệnh ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi miền Đông Ukraine. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, lệnh ngừng bắn mới nhất vừa đạt được sẽ là tiền đề hướng đến một giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc xung đột.

Thỏa thuận hòa bình Minsk (lập lại hòa bình tại miền Đông Ukraine) do Pháp, Đức làm trung gian và được Nga, Ukraine ký kết vào tháng 2-2015 đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi giới tuyến cũng như cải cách hiến pháp để trao thêm quyền tự trị cho miền Đông Ukraine. Nhưng kể từ đó, thỏa thuận nhiều lần rơi vào bế tắc do giao tranh bùng phát trở lại mà Chính phủ và phe đối lập Ukraine đổ lỗi cho nhau. Từ cuối tháng 1-2017 đến nay, các vụ nã pháo vào hai bên giới tuyến gần thị trấn Avdiyivka đã trở nên nghiêm trọng nhất kể từ mùa hè năm ngoái. Trước thềm lệnh ngừng bắn có hiệu lực, người dân miền Đông Ukraine tiếp tục đối mặt cảnh mưa bom, bão đạn và gần như đứng bên bờ vực tuyệt vọng.

Dù chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố, mọi lệnh trừng phạt chống Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea sẽ không được bãi bỏ cho tới khi có tiến triển trong việc thực hiện thỏa thuận Minsk, nhưng sự đồng lòng giữa các quốc gia Nga, Đức, Pháp về thỏa thuận hòa bình mới tại Ukraine cho thấy vai trò quan trọng của Điện Kremlin. Rõ ràng, các bên đã mất một thời gian dài rơi vào bế tắc khi không tìm được điểm chung cũng như các thỏa thuận ngừng bắn liên tiếp bị phá vỡ. Tuy nhiên, Mátxcơva vẫn luôn kiên trì theo đuổi các vấn đề về Ukraine. Đặc biệt, trong bối cảnh thỏa ước ngừng bắn còn mong manh, chưa biết hiệu lực tới đâu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký lệnh cho phép Nga miễn thị thực cho người dân tại khu vực Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng ở miền Đông Ukraine. Phía Mátxcơva cho biết, lệnh này chỉ có hiệu lực “tạm thời” đến khi tìm được “giải pháp chính trị” để mang lại hòa bình cho miền Đông Ukraine.

Trước động thái này, chính phủ Ukraine phản ứng một cách giận dữ và cho rằng, đây là hành động cố tình để gây leo thang căng thẳng. Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho biết: “Lệnh miễn thị thực này về cơ bản đi ngược lại logic trong các thỏa thuận Minsk được ký kết vào tháng 2-2015”. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chỉ trích động thái này là “bằng chứng mới nhất về sự vi phạm luật pháp quốc tế của Nga”. Trong khi đó, tại khu vực miền Đông Ukraine, lực lượng đối lập cho biết sẽ tôn trọng lệnh ngừng bắn mới nhưng không thấy có dấu hiệu phía quân đội Chính phủ Ukraine rút vũ khí hạng nặng, chỉ một ngày trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.

Có thể thấy, Nga đang định hình và chủ động thiết lập trật tự hòa bình tại Ukraine với các quốc gia Pháp, Đức, Mỹ dù tiến trình đó thực sự không hề dễ dàng. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những diễn biến tại khu vực miền Đông Ukraine cùng với mối quan hệ giữa Nga và Ukraine có thể phủ bóng lên triển vọng của lệnh ngừng bắn mới nhất này, khiến nó có nguy cơ sụp đổ như những thỏa thuận trước đó.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/862882/lenh-ngung-ban-moi-tai-mien-dong-ukraine-truoc-nguy-co-sup-do