Lên Hồng Ngài tìm 'Vợ chồng A Phủ'

Đường từ huyện lỵ Bắc Yên (Sơn La) lên đến xã Hồng Ngài quanh co, lắt léo. Cái mưa và cái rét làm cho con đường vốn đã nhấp nhô, lởm chởm lại càng thêm trơn trượt hiểm nguy. Mây mù giăng trắng xóa cả một vùng núi rừng ngút ngàn âm u. Mây tràn lên các nếp nhà, mây treo trên ngọn cây và mây lùa vào cả trong ô cửa xe khách. Chúng tôi cứ thế lầm lũi đi, xe và người lắc lư chìm trong màn sương sớm bao phủ.

Chuyến xe duy nhất lên Hồng Ngài mỗi ngày.

Hôm chúng tôi lên, đúng vào dịp Tết của người Mông. Đồng bào Mông không chung Tết Nguyên đán với người xuôi. Ngoài ra, trong năm, người Mông còn có một cái Tết phụ nữa, đấy là Tết Độc lập (tổ chức vào ngày 2/9 trên cao nguyên Mộc Châu). Tết này mới chỉ có từ sau ngày giải phóng để ghi nhớ công ơn của cách mạng.

Chúng tôi hỏi thăm đường về nhà bà Mùa - nguyên mẫu nhân vật Mỵ trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài. Nhưng thật tiếc, khi hỏi ra mới biết bà Mùa đã mất cách đây mấy năm rồi. Hầu hết, các nhân vật như A Phủ, A Sử hay Thống Lý Pá Tra đều được nhà văn xây dựng trên những con người có thật, bằng xương bằng thịt. Họ đều là hiện thân, là chứng nhân của một thời kỳ hào hùng và bi tráng, tươi đẹp nhưng cũng đói nghèo của người Mông vùng Tây Bắc.

Trời đã dần tạnh mưa, mây bắt đầu lên nhiều hơn. Mây tràn qua trên khắp những cánh rừng Thổ Lộ đã chết khô từ mùa Đông năm cũ. Năm ngoái, cả vùng này chìm trong biển tuyết và băng giá. Tuyết rơi dày hàng mét, làm chết khô phần lớn những cánh rừng cây Thổ Lộ xanh mướt. Giờ chỉ còn trơ lại những thân cây khô khốc, đứng vật vờ như những bóng ma.

Đột nhiên, trong tâm trí tôi hiện lên một khung cảnh của núi rừng Tây Bắc, hệt như trong câu chuyện của nhà văn Tô Hoài trước đây miêu tả. Bức tranh núi rừng vừa hùng vĩ, chập chùng lại hoang sơ và kỳ bí. Người già trên này vẫn còn nhớ như in và thường kể lại cho con cháu họ nghe về những ngày vừa giải phóng. Giặc Pháp trên đường tháo lui khỏi Điện Biên Phủ, bọn chúng đã phóng lửa đốt cháy trụi hết cả bản. Những nếp nhà yên bình tất cả đều dựng bằng gỗ, mái cũng lợp bằng gỗ Pơmu, cháy âm ỉ cả hàng tháng trời chưa tắt. Mùi thơm của Pơmu lan tỏa khắp cả một vùng rộng lớn.

Người Mông có thói quen làm nhà trên những ngọn đồi cao, vách chênh vênh dựng đứng. Họ ở trên cao, không phải là để "gần với Giàng" như người ta vẫn đồn thổi. Mà là do, người Mông là dân tộc di cư, có nguồn gốc từ châu Âu sang. Khi tổ tiên của họ xuôi xuống Phương Nam cách đây khoảng 400 năm thì hết đất. Đồng bằng đã là của người Kinh, vùng trung du và đồi núi thấp là thuộc lãnh địa của những dân tộc khác, như Tày, Nùng, Dao, Hà Nhì, Thái, Mường... Tổ tiên và con cháu của người Mông đành phải sống trên những rặng núi cao, bốn mùa mưa giăng mây phủ và giá lạnh.

Hồng Ngài trong mây.

Người Mông vốn dĩ rất chăm chỉ, hiền lành và thật thà. Họ làm việc quanh năm không biết mệt mỏi. Những người phụ nữ Mông thì rất ngoan ngoãn và chung thủy không dân tộc nào sánh bằng. Cả một đời họ chỉ biết đến chồng con và nương rẫy. Đàn ông người Mông, ban ngày thì say rượu là vậy, nhưng ban đêm, họ nhanh nhẹn dũng mãnh như những con báo đêm. Leo núi, băng rừng và lội suối xuyên màn đêm cực kỳ nhanh nhẹn và dẻo dai uyển chuyển.

Chúng tôi được anh Bí thư Hạng A Củ kể lại cho nghe câu chuyện thế này. Cách đây mấy năm, có một tên tội phạm trốn truy nã lên vùng này. Công an 2 tỉnh Sơn La và Bắc Giang điều cả một lực lượng hùng hậu, trang bị đến tận chân răng, ăn dầm ở dề mật phục cả tuần trời mà vẫn không bắt được đối tượng. Cuối cùng, họ phải nhờ đến đồng bào trợ giúp. Ấy vậy mà chỉ cần 2 thanh niên người Mông, mang theo cơm nắm và dao nắp luồn trong rừng, chỉ một ngày sau là lôi được tên trốn nã về trụ sở xã. Anh Củ vừa kể, trong ánh mắt vừa lóe lên niềm tự hào: Trai bản là những người chuyên đi săn hoẵng và bắt lợn rừng mà! Đến con lợn rừng mà còn không chạy thoát nữa là mấy thằng trốn chui trốn lủi kia!

Những ngày ở trên cùng với đồng bào Mông, ngoài thời gian uống rượu là chính, có ngày đến 5 bữa liên tiếp, chúng tôi còn được gặp, được nghe rất nhiều những câu chuyện, những giai thoại mang đậm chất phiêu linh hoang dại của núi rừng, như chuyện về một người đàn ông Mông có đôi mắt của chó sói chẳng hạn...

Nhưng, điều đáng nhớ nhất, chính là những kỷ niệm đọng lại của một chuyến đi trong chúng tôi. Là cái tình cảm nhiệt thành, mến khách, thân thiện của những gia đình người Mông nơi chúng tôi đến. Là những ánh mắt trong veo, ngây thơ đến hoang hoải của các em bé Mông. Là những nụ cười e lệ, hồn hậu và luôn phảng phất một nỗi u hoài trên gương mặt của các cô gái Mông suốt đời lam lũ.

Em bé người Mông.

Về với thị thành trong những tất tả, bon chen và khói bụi, chúng tôi tự nhủ với lòng mình, nhất định sẽ có dịp trở lại nơi này hơn một lần nữa!

Hoàng Bảo Đồng

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/len-hong-ngai-tim-vo-chong-a-phu.html