Lên hạng trong Chỉ số sáng tạo - tăng niềm tin vào khoa học Việt

Ngày 15/6/2017, Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, tham dự sự kiên công bố Chỉ số sáng tạo toàn cầu-GII 2017, tổ chức tại Geneva, chuyển về một tin rất vui: "Việt Nam đứng thứ 47 trong 127 quốc gia trong bảng xếp hạng GII, tăng 12 bậc so với năm 2016". Kết quả đó không chỉ là sự tôn vinh nỗ lực của các nhà quản lý, các nhà khoa học nước ta mà còn tăng niềm tin của công chúng vào khoa học Việt Nam.

Ngày 15/6/2017, Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, tham dự sự kiên công bố Chỉ số sáng tạo toàn cầu-GII 2017, tổ chức tại Geneva, chuyển về một tin rất vui: "Việt Nam đứng thứ 47 trong 127 quốc gia trong bảng xếp hạng GII, tăng 12 bậc so với năm 2016". Kết quả đó không chỉ là sự tôn vinh nỗ lực của các nhà quản lý, các nhà khoa học nước ta mà còn tăng niềm tin của công chúng vào khoa học Việt Nam.

1- Sự kiện trên là lần thứ 10 Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Viện Quản trị kinh doanh châu Âu (INSEAD) và Đại học Cornell (Mỹ) công bố Báo cáo chỉ số sáng tạo toàn cầu. Cách đây đúng một thập kỷ, WIPO, INSEAD và Cornell tiến hành việc xếp hạng GII thông qua 81 chỉ số để đánh giá về độ sáng tạo, đổi mới của mỗi quốc gia một cách toàn diện. Thụy Sĩ là quốc gia đứng đầu thế giới về năng lực sáng tạo và giữ vị trí số 1 trong 7 năm liền. Năm nay Việt Nam đã có những cố gắng và thu được những kết quả tốt đẹp ở 7 tiêu chí quyết định Chỉ số GII: Chỉ số môi trường chính trị xếp thứ 59, giáo dục xếp thứ 17, cơ sở hạ tầng chung xếp thứ 52, tín dụng xếp thứ 17, hấp thụ tri thức xếp thứ 23, tác động của tri thức xếp thứ 5, hàng hóa và dịch vụ sáng tạo xếp thứ 36, nên được xếp thứ 47, tăng 12 bậc so với Bảng xếp hạng năm 2016 (vị trí 59). So với các nước ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore, Malaysia.

Tổng giám đốc WIPO, Francis Gurry đánh giá: "Việt Nam là một nước có mức thu nhập trung bình thấp trong số các nước tham gia xếp hạng, tăng 12 bậc là một kết quả tốt". Nước ta còn được nhìn nhận là nước "vượt mức đổi mới sáng tạo" khi so sánh trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Trong 7 năm gần đây, thứ hạng của nước ta liên tục ở trong nhóm 12 nền kinh tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương, thuộc 7 nước đứng đầu nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Nếu năm 2012-2013, Việt Nam ở vị trí thứ 7 thì năm 2017 Việt Nam giành vị trí thứ 1 trong nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Có được sự thăng hạng trên là kết quả của sự hoạch địch chính sách đúng hướng của Chính phủ và sự nỗ lực, đam mê, nhiệt huyết của các nhà khoa học, những người đã miệt mài lao động tạo ra những công trình, những sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống trong những năm gần đây, nhất là năm 2016. Năm 2016, với Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 297/NQ-UBTV về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật phát triển khoa học, công nghệ giai đoạn 2015-2020 đã trở thành cú hích cho phát triển khoa học. Tháng 5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844 về "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia" và được chọn là "Năm quốc gia khởi nghiệp" đã dấy lên làn sóng khởi nghiệp trên cả nước.

Đó cũng là năm tổng kết của các Chương trình khoa học-công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011- 2015, ghi nhận sự thành công của nhiều nghiên cứu đã phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống. Ví dụ như, sản xuất thành công vaccine sởi-rubella (MR). Đây là vaccine MR đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam, đưa nước ta vào top 25 quốc gia sản xuất được vaccine trên thế giới và là nước thứ tư tại châu Á có thể sản xuất vaccine MR sau Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc.

Kết quả trên còn là minh chứng sống động rằng, nếu có chủ trương, cơ chế thích hợp, có nguồn tài chính đảm bảo thì tiềm năng khoa học nước nhà có thể cất cánh với tốc độ nhanh. Và niềm tin của công chúng vào khoa học-công nghệ nước ta hay nói rộng hơn là trí tuệ Việt ngày càng được củng cố, tăng cường...

2- Thực tế cho thấy, còn nhiều người chưa tin vào khả năng khoa học, nhất là khoa học ứng dụng của nước nhà. Họ cứ đưa dẫn chứng "đến con ốc vít còn chưa làm nổi, nói chi đến công nghệ cao". Cách đây 2 năm Tập đoàn công nghệ Bkav đưa ra sản phẩm Bphone, nhiều người không tin người Việt có thể làm ra được sản phẩm cao cấp như thế. Trong bài trả lời phỏng vấn Zing news ngày 16/6 vừa qua, CEO của Bkav đề cập tới Bphone 2, công nghiệp 4.0 và niềm tin, khi nói: "Nhiều người Việt Nam hiện nay có niềm tin rất thấp. Niềm tin lẫn nhau, niềm tin vào khoa học công nghệ, vào doanh nghiệp Việt Nam... đều thấp. Tuy nhiên, tôi luôn có niềm tin vững chắc rằng người Việt Nam có thể làm được tất cả mọi việc".

Thú thực, trước đây niềm tin của tôi vào đội ngũ khoa học-công nghệ Việt Nam còn thấp, nhưng nhận thức là một quá trình, niềm tin của tôi được củng cố, tăng cường. Vì nhận thấy, về khoa học cơ bản, nước ta luôn duy trì ở tốp đầu khu vực ASEAN và có thứ hạng cao trên thế giới. Trong khu vực ASEAN không có trung tâm nào về Toán và Vật lý được UNESCO công nhận như của Việt Nam. Nhiều học sinh Việt Nam đạt giải nhất, nhì trong các kỳ thi quốc tế với các môn khoa học cơ bản. Giải thưởng Fields mà Ngô Bảo Châu giành được thường được coi là "Giải Nobel dành cho Toán học" đã đưa vị thế khoa học cơ bản Việt Nam lên tầm cao mới. Chẳng nói xa, năm 2016, theo công bố của Thomson Reuter-tổ chức hàng đầu thế giới về thông tin tri thức, có 5 người Việt lọt vào top 3.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới, là: PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng (Đại học Công nghệ TP HCM), GS.TS Nguyễn Sơn Bình (Đại học Northwestern, Mỹ), GS.TS Nguyễn Thục Quyên (Đại học Univ Calif Santa Barbara, Mỹ), GS.TS Võ Văn Ánh (Đại học Công nghệ Queensland, Australia) và TS Trần Phan Lam Sơn (Viện nghiên cứu Riken, Nhật Bản).

CEO của Bkav trong bài phỏng vấn trên, còn nói: "Để thay đổi điều đó (từ niềm tin thấp tới niềm tin cao), bạn phải có kết quả thật rõ ràng, vượt trội". Hay hiểu một cách khác, chúng ta cần đẩy mạnh khoa học ứng dụng vào cuộc sống hơn nữa để làm ra nhiều sản phẩm "made in Vietnam", để thị trường khoa học khởi sắc, có nhiều hàng hóa hơn.

Sự thăng hạng Chỉ số sáng tạo 2017 của nước ta quả thật đã tạo dấu ấn trong sự phát triển khoa học và công nghệ nước nhà, đặt bản lề cho sự phát triển của lĩnh vực này trong các năm tiếp theo. Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam diễn ra mạnh mẽ cũng đang tạo đà cho xu hướng liên kết nghiên cứu quốc tế trong khoa học, đưa khoa học Việt Nam gần hơn với thế giới và niềm tin của công chúng vào khoa học Việt Nam sẽ có cơ sở bền vững và không ngừng được nâng cao.

Đ.Ngọc

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/goc-nhin-vnreview/-/view_content/content/2192850/len-hang-trong-chi-so-sang-tao-tang-niem-tin-vao-khoa-hoc-viet