Lên đồng - Nghi lễ dân gian

Lên đồng là hình thức tín ngưỡng dân gian, rất phổ biến ở Việt Nam, châu Á và nhiều nước trên thế giới. Một số nước đã ghi nhận giá trị của hình thức tín ngưỡng dân gian này là di sản văn hóa phi vật thể như Kut ở Hàn Quốc, Shaman ở Indonesia và Shaman ở Mông Cổ.

Hình ảnh một buổi hầu đồng

Hình ảnh một buổi hầu đồng

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, lên đồng là “bảo tàng sống của văn hóa Việt”, trích lời TS. Frank Proschan (Pháp) - người có nhiều nghiên cứu về đạo Mẫu và lên đồng ở Việt Nam.

Hiện nay, trong các hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng đang tồn tại ở nước ta, kể cả các Đạo giáo du nhập và tôn giáo bản địa đang có sự đan xen và hòa nhập, thì Đạo Mẫu có những nét rất riêng biệt với yếu tố bản địa rõ ràng, mang đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Nét đặc trưng riêng đó được thể hiện ở lễ hội và nghi lễ, nó mang nhiều sắc thái độc đáo để phân biệt với tín ngưỡng, tôn giáo khác. Tập trung nhất là nghi lễ lên đồng (hay còn gọi là hầu đồng-hầu bóng).

Lên đồng là nghi lễ chính và rất quan trọng trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ. Đó là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ phủ (Tứ phủ gồm 3 phủ trong Tam phủ: Thiên, Địa, Thoải và có thêm phủ Thượng Ngàn gọi là Nhạc Phủ) vào thân xác các ông Đồng, bà Đồng. Đây là sự tái hiện hình ảnh các vị Thánh nhằm phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho các tín đồ đạo mẫu. Nghi lễ này thường mang những đặc điểm và sắc thái khác nhau như đền Nguyệt Hồ, đền Suối Mỡ (Bắc Giang)… Đặc điểm riêng ấy được thể hiện ở việc thờ các vị thánh trong đền.

Trong mỗi giá đồng, các vị Thánh khác nhau sẽ nhập vào ông đồng hay bà đồng (gọi là giáng đồng) để làm việc quan, thể hiện ở chỗ các ông đồng, bà đồng làm nghi lễ nhảy, múa, ban lộc, phán truyền trong tiếng hát văn và nhạc cung văn. Mỗi vị thánh nhập được gọi là một giá đồng. Trong nghi lễ hầu bóng thường có rất nhiều giá đồng. Người ta tính có thể tới 36 giá. Nhưng trong nghi lễ nhập đồng tùy theo có thể nhiều hoặc ít giá đồng, ít khi tới 36 giá.

Nghi lễ hầu đồng thường ở các đền, phủ diễn ra trong nhiều dịp trong một năm. Ví dụ Hầu xông đền (sau lễ giao thừa năm mới); Lễ Hầu Thượng Nguyên (vào tháng giêng); Hầu nhập Hạ (tháng tư); Lễ hầu Tán hạ (tháng 7); Lễ hầu tất niên (tháng chạp); Lễ Hạp ấn (25 tháng chạp hàng năm). Trong một năm thường có hai lễ hầu quan trọng nhất là vào tháng 3 và tháng 8 (ngày giỗ cha và giỗ mẹ). Tức là tháng 3 ngày giỗ của Thánh Mẫu và tháng tám là ngày giỗ của vua cha Bát Hải, Đức Thánh trần… và trong năm tùy theo ở mỗi đền, Phủ hay mỗi ông đồng, ba đồng còn làm nhiều nghi thức và lễ hầu riêng như: Lễ trình đồng, lễ lên đồng, lễ hầu bản mệnh, lễ hầu Cô Bơ, lễ hầu quan Tam Phủ, lễ hầu ông Hoàng Bẩy, lễ hầu Quan Trần Triều, đức vua cha, lễ chầu ở đền Bắc Lệ, rồi ông Hoàng Mười, quan Đệ Nhị v.v…

Ngày Nay giới thiệu bộ ảnh "lên đồng" của nhiếp ảnh gia Đoàn Kỳ Thanh để quý độc giả hiểu hơn về nghi lễ này.

Nguồn: Ban tôn giáo Chính phủ (http://btgcp.gov.vn)

Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh

Song Ho

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/xa-hoi/len-dong-nghi-le-dan-gian-29685.html