Lên bục giảng bằng giáo án... vay mượn!

(VietNamNet) - Giáo án là bài soạn, là sự đầu tư nghiên cứu cho những tiết dạy của giáo viên. Nếu không trực tiếp soạn giáo án thì sao có thể đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức. Thế nhưng sự phi lí ấy đang từng ngày diễn ra trong nhiều trường học.

Bài viết dưới đây của một giáo viên cho thấy góc nhìn về hiện tượng "vay mượn" đáng báo động này. Sách giáo viên một thời được coi là sách gối đầu giường nay đã trở thành lạc hậu nếu không muốn nói là “đồ phế thải”. Bởi nó chỉ gợi ý soạn bài chứ không phải những bài soạn có sẵn. Sau mỗi mùa học chuyên đề, không ít giáo viên đổ xô đi tìm những cuốn giáo án đã lên khung, chỉ việc bê vào bài giảng. Hình như người làm sách cũng nắm được cơ hội từ thị trường mới mẻ này nên nhiều nhà xuất bản đã tung ra hàng loạt những “giáo án mẫu”, “giới thiệu giáo án”, đề thi soạn sẵn… Toàn bộ nội dung chương trình đã lên khung ấy, chẳng biết đúng sai thế nào nhưng nó cụ thể đến từng bước lên lớp. Còn có kiểu truyền thụ giáo án theo kiểu thế hệ tiếp nối thế hệ, tỉnh này truyền sang tỉnh khác. Cô bạn dạy môn Văn ở Hòa Bình, vào năm học mới đã gửi hẳn cho tôi bộ giáo án khối 10 với lí do: “Mày dùng cho nó nhàn, để thời gian mà chăm sóc chồng con”. Cứ mỗi năm học mới bắt đầu, nhiều giáo viên trẻ lại đến gõ cửa những thầy cô lâu năm để năn nỉ mượn bộ giáo án và mang ra phô tô một bản. Về giáo án điện tử thì khỏi phải bàn. Đó là cách vay mượn “nhàn nhã” nhất. Tôi biết, có cô giáo, chỉ cần nhấn enter, các phần, mục của bài học lần lượt hiện ra với đầy đủ nội dung. Nhưng khi hỏi đến cách soạn giáo án điện tử, cách sử dụng máy tính, cô chỉ cười và lắc đầu. Hóa ra, tiết giáo án cô dạy mẫu cho tổ dự giờ là kết quả “cóp” của cô bạn trường bên. Tôi từng biết chuyện một cô giáo đầu tư tiền để “đặt hàng” bài soạn tiết thao giảng thi giáo viên giỏi của mình. Kết quả, cô đạt giải nhất, nhưng đồng nghiệp không phục cô bởi trong mắt họ, cô chỉ là kẻ trình bày lại bài giảng của người khác. Những sự cố trên bục giảng Không biết những giáo án theo mẫu soạn sẵn chất lượng đến mức nào, nhưng chắc chắn không đi sâu nghiên cứu kĩ nội dung kiến thức bài giảng, người giáo viên khó lòng truyền đạt kiến thức cho học sinh. Phấn lớn các thầy cô sử dụng giáo án mẫu đều xem qua trước khi lên lớp, nhưng không hiếm thầy cô do quá “bận” (?) không có thời gian nhìn lại giáo án. Chính vì thế, sự cố bất ngờ xảy ra trên bục giảng là điều dễ hiểu. Thầy Tâm đang say sưa “diễn” trên bục giảng bỗng khựng lại vì những thắc mắc của học trò. Hóa ra, bài soạn mà thầy sử dụng đã nhầm lẫn kiến thức một cách cơ bản. Thầy luống cuống xin lỗi học sinh và đính chính lại. Nhưng cũng từ đó, không thấy thầy nhắc đến món ăn “dọn sẵn” ấy nữa. Cô Khánh, giáo viên trẻ mới ra trường đã mượn giáo án soạn sẵn để che lấp lỗ hổng kiến thức trên giảng đường ĐH của mình. Cũng vì thế, cô rất sợ những câu hỏi ngoài giáo án của học sinh, dù đó là những câu hỏi có liên quan đến nội dung bài học. Khi học sinh thắc mắc, cô chỉ có cách khất học sinh để về nhà nghiên cứu lại hoặc đi hỏi người khác. Tham khảo tài liệu và học hỏi đồng nghiệp để tự hoàn thiện bản thân là điều rất đáng khích lệ để nâng cao chất lượng, trình độ giáo viên. Nhưng làm thế nào để những cách học ấy phát huy được những tác dụng tích cực vẫn là một câu hỏi khó đối với nhiều thầy cô. (Tên nhân vật đã được thay đổi) ******************* Giáo án là gì? Giáo án có phải là bài soạn của giáo viên trước khi lên lớp không? Trong đó nó chứa nội dung gì? Có phải chứa quá trình hoạt động giữa thầy và trò cùng với các đề mục lớn trong sách giáo khoa? Hay là chưa nội dùng chuẩn trong sách giáo khoa mà giáo viên đó chép lại. Theo tôi, giáo án của giáo viên là ghi các bước quá trình hoạt động của thầy và trò còn về mặt nội dung thì giáo viên đó coi như đã thuộc lòng. Như vậy, quá trình hoạt động của thầy và trò là rất đa dạng và rất có nhiều cách đặt vấn đề làm cho bài học được sinh động hơn. Phương pháp dạy học tích cực là lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên đưa ra các câu hỏi để học sinh trả lời và từ đó hình thành những khái niệm, định nghĩa từ những câu trả lời của học sinh. Vì vậy, việc xuấn bản các cuốn giáo án không phải là vấn nạn của ngành giáo dục mà vấn đề người giáo viên đó tìm đọc và sử dụng giáo án đó như thế nào. Lấy các ý tưởng và nhiều cách đặt vấn đề rất hay của nhiều tác giả mà áp dụng vào tiết dạy của mình như thế nào, điều đó là rất quan trọng. Còn việc vay mượn giáo án của bài viết đã được đề cập ở trên theo tôi là có tồn tại nhưng trách nhiệm đó thuộc về nhân phẩm của người giáo viên đó và cán bộ quản lý trực tiếp của giáo viên đó chứ không thể đổ lỗi cho người viết ra cuốn giáo án được. Từ xưa đến nay, chưa ai dám nói có một cuốn giáo án chuẩn. Vì đối tượng áp dụng của từng địa phương là khác nhau về khả năng tiếp thu của học sinh như miền núi, vùng sâu, hải đảo và thành thị. Trần Thị Kiều Trinh, Kiên Giang. Mình cũng là giáo viên, một giáo viên trẻ, mới ra trường và cũng mới đứng trên bục giảng được 1 năm. Những hiện tượng nêu trên hoàn toàn đúng và đúng ở mọi cấp học. Họ sao chép các giáo án, các bài soạn dưới dạng file và in ra để đối phó với sự kiểm tra của nhà trường, thậm chí họ cũng không biết nội dung giáo án đó ra sao... Ai đó còn quên xóa tên người làm ra ở dưới tiêu đề. Thực ra, bản chất của giáo án có thể coi như kịch bản đưa ra các kiến thức của một giờ dạy và nó chỉ đúng, chỉ phù hợp với cá nhân người soạn ra nó mà thôi... Mình mới ra trường, chương trình cũng mới nên phải tự làm ngay từ đầu. Quả thực, việc soạn một bài giảng không hề đơn giản khi chỉ có trong tay sách giáo viên... vì chương trình mới, sách thiết kế bài giảng chưa có hay đúng hơn là chưa biên soạn kịp. Một chương trình mới, nhiều kiến thức quả thực là rất khó để soạn cho đầy đủ chi tiết. Với bản thân, mình soạn nháp ra, dạy và rút kinh nghiệm từng phần rồi mới về soạn chi tiết và hoàn chỉnh hơn... Và mình cũng quen với cách soạn trên máy tính, vì có thể chỉnh sửa dễ dàng hơn cũng như có nhiều phương án giảng dạy hơn. Cái này không phải do trình độ tin học mới làm được, chỉ cần bạn biết một số kiến thức cơ bản về tin học văn phòng là làm được hết. Và tất nhiên, cũng là giáo viên trẻ, mình có quá nhiều sức ép. Có những sức ép về chương trình, về kinh nghiệm mình chịu được, nhưng từ phía đồng nghiệp có lẽ là rất buồn... Họ cho là mình trẻ tuổi, có thời gian nên bao giờ cũng đòi hỏi là copy cho họ một bản giáo án để đối phó với kiểm tra của nhà trường. Mình cũng muốn bảo vệ bản quyền của mình bằng tiêu đề, thậm chí có cả trong nội dung giảng bài thông qua các mẫu câu tiếng Anh, các dấu mộc có tên riêng hay chọn cho mình một background cho bản in có in tên sẵn. Nhưng như vậy cũng không được... Mình không tự hào về trình độ tin học, bởi mình cũng theo học ngành đó... Nhưng chuyện sao nguyên bản chính là việc đáng lên án... và chúng ta phải thay đổi cái tư duy đối phó như vậy! Một bạn đọc ở Hà Nội, Phùng Hưng, Hà Nội. Tôi cho rằng, nếu giáo viên coi giáo án mẫu là tài liệu tham khảo thì tốt biết mấy. Tài liệu tham khảo thì dù tốt hay xấu bạn cũng học được nhiều điều hay từ tài liệu ấy. Cái hay của người khác thì mình phát huy, còn cái dở của người thì mình biết mà tránh. Kiến thức thì không thể chuyển từ người này qua người khác theo kiểu rót nước, những người thầy không có trách nhiệm đã nhận ngay giáo án mẫu làm giáo án của mình thì họ sẽ nhận được kết quả không như ý muốn, nhưng nếu cứ coi nó đúng nghĩa là tài liệu tham khảo thì bạn rút được nhiều bài học đấy. Đoàn Mạnh Hùng, Đồng Nai, email: doan_hung43@... Nếu muốn học sinh không chép ăn mẫu, hãy cấm xuất bản văn mẫu. Nếu thấy vay mượn giáo án là vấn nạn, hãy đừng xuất bản giáo án mẫu. Và vấn đề này đã làm giáo viên chúng tôi cảm thấy xấu hổ khi nghe đồng nghệp giới thiệu mua 35.000 đồng một cuốn (giáo án văn 10). Chuyện rộ lên từ khi thay SGK. Với tiêu chí tôn trọng giáo viên nên không áp đặt khung kiến thức như chương trình cải cách. Giáo viên được quyền quyết định ý tưởng sẽ lên lớp thế nào... Và kể từ đó, thuật ngữ "thiết kế giáo án" ra đời. Nghe thì rất lí tưởng. Nhưng ngay sau các đợt tập huấn thay sách, hàng loạt giáo án môn văn bày bán ở công ty thiết bị giáo dục. Hướng dẫn giáo viên không được đọc-chép nhưng giáo án mẫu của các vị viết trên 4 trang/1tiết... Họ là những người có trách nhiệm và đang thực thi chấn hưng giáo dục bằng việc biên soạn SGK đấy chứ! Xét cho cùng, GV cũng chỉ là nạn nhân thôi. Dương Thu Trang, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM, email: duongthutrang317@... Tôi đồng ý với tác giả bài viết. Hiện nay, nhiều nơi lấy cớ "đổi mới tư duy" nên cho GV dùng giáo án soạn sẵn bằng vi tính với lý do "thời đại mới", chẳng nhẽ bắt mãi GV phải chép tay giáo án, thà rằng thời gian ấy để họ nghiên cứu tài liệu để giảng cho hay hơn. Nhưng họ không biết rằng nhiều người chỉ cần 1 phút qua thủ thuật máy tính là bê nguyên bài giảng của người khác lên lớp, chẳng cần suy nghĩ gì. Vậy thì làm sao bài giảng hay được, học sinh giỏi được. Lối tư duy này lại đang thắng thế và thế là một khe hổng quá lớn để một số GV có tinh thần trách nhiệm không cao lọt lưới, không phải soạn bài mà vẫn có bài giảng hợp pháp. Theo tôi, nên xem lại quy định này, nếu không chất lượng học sinh không biết thế nào mà lần. Huy Văn, Đông Anh, Hà Nội, email: nhamthin55@... Hiện tại, tôi bán CD nên có rất nhiều thầy cô giáo trẻ vào hỏi mua giáo án điện tử, nhưng cửa hàng tôi chỉ có khung giáo án. Đa số các thầy cô đều vào hỏi mua giáo án điện tử đã soạn sẵn, thấy cửa hàng tôi không có họ nói: "Họ bán đầy, sao anh không nhập về mà bán". Tôi mắt nhìn họ nhưng mồm thì đuổi khéo, bởi trong thâm tâm tôi đã coi thường khi họ hỏi mua "mặt hàng" này. Vô phúc, con tôi mà học dưới sự giảng dạy của giáo viên đó thì khổ. Bùi Đức Thắng, Lý Nam Đế, Hà Nội, email: ducthang32@... Nếu muốn học sinh không chép ăn mẫu, hãy cấm xuất bản văn mẫu. Nếu thấy vay mượn giáo án là vấn nạn, hãy đừng xuất bản giáo án mẫu. Và vấn đề này đã làm giáo viên chúng tôi cảm thấy xấu hổ khi nghe đồng nghệp giới thiệu mua 35.000VND /1 cuốn (GA văn 10). Chuyện rộ lên từ khi thay SGK. Với tiêu chí tôn trọng giáo viên nên không áp đặt khung kiến thức như chương trình cải cách. Giáo viên được quyền quyết định ý tưởng sẽ lên lớp thế nào...Và kể từ đó thuật ngữ THIẾT KẾ GIÁO ÁN ra đời. Nghe thì rất lí tưởng. Nhưng ngay sau các đợt tậo huấn thay sách, hàng loạt giáo án môn văn bày bán ở công ty thiết bị GD. Hươíng dẫn GV không được đọc-chép nhưng giáo án mẫu của các vị viết trên 4 trang/1tiết...Họ là những người có trách nhiệm và đang thực thi chấn hưng GD bằng việc biên soạn SGK đấy chứ! Xét cho cùng, GV cũng chỉ là nạn nhân thôi. Dương Thu Trang, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM. Không phải đi xin, đi mua... là không tốt, nhưng đằng sau việc đó, người sử dụng như thế nào mới quan trọng. Theo chúng tôi, người sử dụng sản phẩm đó phải bỏ công sức ra để chỉnh sửa lại cho đúng kiến thức cần dạy, phù hợp đối tượng dạy học của mình và nhất thiết không được để nguyên xi mà lên lớp. Các nhà quản lý cần có những biện pháp tối ưu hơn để quản lý công việc này của giáo viên. Xin cảm ơn! Đoàn Kim Phúc, ĐH Quảng Bình, email: phucdoankim@... Chúng ta đang quảng bá phong trào hai không, ba không... nhằm chấn chỉnh và thổi luồng gió trung thực vào lĩnh vực đào tạo con người. Tuy nhiên, tôi nghĩ, chúng ta chỉ nhắm vào đối tượng học sinh, sinh viên mà thôi và gần như không quan tâm đến một vế con người "thứ hai" là thầy cô giáo. Những sự việc như trên đã xảy ra thường xuyên trong nhà trường. Sự việc có khi lãnh đạo biết, thầy cô đồng nghiệp biết, sinh viên biết nhưng luôn được những người có trách nhiệm che chắn rất kỹ. Thử hỏi nền giáo dục có công bằng không và chúng ta sẽ trả lời thế nào với câu hỏi: Vì một sự giống nhau nào đó trong bài làm hay một lỗi lầm vì sao chép, một học sinh, SV bị phạt, cấm thi, tước bằng (dù chỉ là cái bằng tốt nghiệp phổ thông hay đại học) trong khi đó một PGS, GS sao chép tài liệu từng câu, từng chữ từ sách giáo khoa người khác thành công trình của mình để có cái "bằng to hơn nhiều" PGS, GS thì vẫn ung dung hưởng danh và lợi từ bằng đó vì cái gọi là: "Tôn sư trọng đạo"?. Thật vậy, liệu chúng ta còn có thể dạy các em "hai không", "ba không" được không trong khi chính chúng ta lại bao che cho nhiều thầy cô các em làm những chuyện "hai có", "ba có" mà các em biết như trên. Tôi nghĩ rằng, xã hội chúng ta nên nhìn nhận lại vấn đề này để giải quyết cái gốc của nó chứ không phải cái ngọn như hiện nay. Trần Văn Tân, HCM, email: tantv@... Thực sự thì tôi không hề đánh giá thấp việc soạn giáo án giảng dạy, cũng như việc sử dụng nó vào các bài giảng trên lớp. Tuy nhiên, theo tôi, giáo án vốn nó chỉ là cái "xác" nội dung của bài giảng, còn phần hồn chính là ở khả năng lên lớp của từng giáo viên. Nếu giáo viên nào chỉ chăm chăm lo soạn giáo án, rồi bê nguyên những cái đã viết lên bục giảng thì bài giảng quả chỉ là những cái xác không hồn. Theo tôi, đứng trên bục giảng cũng chẳng khác làm nghệ thuật, một thứ nghệ thuật mà khán giả của nó không chỉ là những người đang xem mà là cả xã hội, nó không chỉ đòi hỏi trình độ của nghệ sĩ mà còn đòi hỏi phần lớn ở cái tâm, cái hồn trong bài giảng. Hơn nữa, môn nghệ thuật này đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ diễn đơn thuần mà con đòi hỏi phải làm sao cho tất thảy người xem cùng hiểu mà yêu nó. Vậy, chỉ với 1 giáo án khô cứng liệu có làm được không. Vẫn biết giáo án là khung xương bài giảng, nó giúp cho mỗi giáo viên làm tốt hơn nhiệm vụ lên lớp, truyền đạt kiến thức một cách hệ thống hơn nhưng với tôi, từ khi đi học cho tới nay, tất cả những giáo viên giỏi và có tâm thì rất ít khi sử dụng giáo án khi lên lớp. Bởi kiến thức đã ở trong đầu họ, còn sự nhiệt huyết thì luôn tràn trong tim họ. Mai Việt Anh, Tây Hồ, Hà Nội, email: mrmaivietanh@... Em hiện là sinh viên trường CĐ Sư phạm Thừa Thiên Huế, em cho rằng, đây là một vấn nạn trong giáo dục của ta hiện nay và cần phải được chấn chỉnh. Đối với ngành sư phạm thì soạn giáo án trước khi đến lớp là một điều rất cần thiết cho giáo viên, thử hỏi giáo án mà đi vay mượn thì có ích chi, vậy kiến thức học ở trường ĐH và CĐ trong mấy năm trời giờ để ở đâu. Hiện nay, toàn ngành giáo dục đang tích cực chống bệnh thành tích, vậy tại sao ta không kiên quyết chống bệnh vay mượn giáo án. Nguyễn Hữu Tiến, Huế, email: anhsangsao_1725@... Để thực hiện được các mục tiêu giáo dục đã đề ra thì đây chính là một căn bệnh cần phải loại bỏ. Làm sao mà bắt học sinh sáng tạo trong khi người dạy họ lại không sáng tạo. Email: vanchien157@... ************************ Ý kiến của bạn:

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/giaoduc/2007/10/748117/